Thiếu an toàn khi tiền nằm trong thẻ

Tiền gửi trong tài khoản thanh toán đột ngột 'bốc hơi' là câu chuyện thường xuyên xảy ra nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Trong khi thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang có những bước phát triển nhanh, những vụ việc như thế này có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dùng.

Sự cố tiếp diễn

Một khách hàng ngụ quận Thủ Đức, TPHCM mới đây cho biết tài khoản tại Vietcombank phát sinh 4 giao dịch chuyển khoản không do chính mình thực hiện và không biết đối tượng thụ hưởng là ai. Cụ thể, tài khoản của khách hàng này bị kích hoạt ứng dụng VCB Digibank trên thiết bị khác và chuyển 406 triệu đồng cho người thụ hưởng tại MSB, SeABank trong 7 phút. Khách hàng không nhận được tin nhắn thông báo mã xác thực, biến động số dư qua điện thoại nên không phát hiện cho đến khi ra NH giao dịch vào chiều cùng ngày. Tiền gửi thanh toán đột ngột bốc hơi khỏi tài khoản dù chính chủ không thực hiện giao dịch là một câu chuyện không mới. Cứ cách một thời gian sẽ có khách hàng gặp phải sự cố mất tiền trong tài khoản dù không thực hiện giao dịch, thậm chí có một số thời điểm, hàng loạt khách hàng của một NH cùng tố gặp sự cố này.

Việc mất tiền trong tài khoản một lần nữa khơi lại vấn đề an toàn khi sử dụng thẻ NH cũng như các hình thức NH điện tử, NH số hiện nay. Phía NH cho biết đây là trường hợp nghi ngờ bị giả mạo giao dịch qua ứng dụng VCB Digibank dẫn đến bị rút tiền trong tài khoản. Đồng thời, NH cũng tư vấn và hướng dẫn khách hàng trình báo vụ việc với công an để xác minh và truy bắt tội phạm. Các thủ tục được NH tiến hành theo trình tự để xử lý. Song đứng ở góc độ khách hàng, việc mất tiền trong tài khoản gây xáo trộn nhiều về cuộc sống lẫn tâm lý. Cũng chính vì nguyên nhân đó, khi quyết định mở tài khoản giao dịch, người dùng thường chọn những NH uy tín, cam kết bảo mật cao. Nhưng thực chất về mặt kinh doanh, các nhà băng đều cam kết bảo mật cao. Còn việc tiền của khách hàng có mất hay không phải chờ đến khi xảy ra, họ mới rà soát lại và truy cứu trách nhiệm thuộc về ai mới có hướng xử lý.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phải “sống chung với lũ”?

Theo số liệu của NHNN, tính đến hết quý II-2020 các giao dịch thanh toán nội địa đã có tốc độ tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, số lượng giao dịch qua thẻ NH đạt hơn 171,1 triệu món, với giá trị giao dịch đạt hơn 399.356 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số hơn 88,2 triệu món và 194.715 tỷ đồng trong quý II-2019. Các phương tiện thanh toán khác như hối phiếu, lệnh phiếu, thư tín dụng nội địa, SMS banking, mobile banking, internet banking, giấy chuyển khoản từ tài khoản vãng lai CA-Current Account... đạt gần 31,9 triệu món và 2,6 triệu tỷ đồng, tăng rất mạnh so với con số 11,5 triệu món và hơn 1,3 triệu tỷ đồng trong quý II-2019. Tài khoản tiền gửi thanh toán của cá nhân từ mức đạt hơn 499.000 tỷ đồng vào cuối quý IV-2019, tăng lên gần 524.000 tỷ đồng vào cuối quý II. Ngược lại, số lượng giao dịch qua ATM có xu hướng giảm, đạt hơn 233,7 triệu món với hơn 631.500 tỷ đồng (so với con số quý I là gần 727.700 tỷ đồng).

Những con số nói trên cho thấy, thói quen TTKDTM đang có những biến chuyển lớn sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Quan sát trên thực tế cũng sẽ thấy, dù TTKDTM chưa phải là lựa chọn của tất cả người dân, nhưng một bộ phận người dân, nhất là ở khu vực thành thị, đã thay đổi thói quen thanh toán một cách triệt để. Khi cần chuyển khoản cho người thân hoặc trả tiền điện, nước, internet, thanh toán tiền mua hàng online… rất nhiều người chọn kênh internet banking hoặc mobile banking thay vì đến NH chuyển khoản. Khi mua hàng trực tiếp tại cửa hàng, siêu thị, rất nhiều người có thói quen thanh toán dưới các hình thức như quẹt thẻ, quét mã QR hay thanh toán qua ví điện tử.

Tiện và lợi là điều TTKDTM mang đến và đang được đón nhận. Tiện là chỉ cần một chiếc thẻ hoặc một điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng NH điện tử, người dùng có thể chuyển khoản hay thanh toán tất cả các loại hóa đơn ngay lập tức. Lợi là khi sử dụng các hình thức giao dịch này thường được ưu đãi giảm giá so với thanh toán tiền mặt. Nhưng tiện và lợi luôn đi kèm lo lắng về sự an toàn của tài sản trong tài khoản thẻ bởi hacker luôn dòm ngó, khai thác sơ hở để đánh cắp tiền trong tài khoản.

Số liệu thống kê cho thấy, lĩnh vực tài chính NH luôn nằm trong tầm ngắm của hacker. Tính đến hết tháng 8-2020, Trung tâm Giám sát và Phản ứng trên không gian mạng thuộc Công ty An ninh mạng Viettel, đã phát hiện hơn 3 triệu cảnh báo tấn công mạng và đã hỗ trợ điều phối, ứng cứu hơn 9.000 sự cố an toàn thông tin, đáng lưu ý là các hệ thống tài chính, NH chiếm 90% số lượng cảnh báo. 3 hình thức tấn công mạng các hệ thống tài chính, NH phải đối mặt nhiều nhất là khai thác web (chiếm 77,58%), mã độc hại (12,05%), vét cạn (3,92%). Các loại hình tấn công khác như từ chối dịch vụ, tấn công nhắm vào thiết bị di động chiếm 6,45%. Đồng thời, Công ty An ninh mạng Viettel cũng đã phát hiện hơn 75.800 cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào các hệ thống tài chính, NH.

Theo các chuyên gia về công nghệ, mặc dù các NH cam kết bảo mật nhiều lớp nhưng không có hệ thống bảo mật nào an toàn 100%, luôn luôn có lỗ hổng để các hacker thâm nhập, từ đó dẫn đến mất thông tin, mất dữ liệu hoặc hacker dùng các chiêu thức để đánh cắp tiền từ tài khoản khách hàng. Song song đó, cũng có trường hợp khách sơ hở làm lộ thông tin, mật khẩu, tạo điều kiện cho kẻ gian dễ dàng thực hiện hành vi trộm cắp. Do đó, người sử dụng dịch vụ thẻ, dịch vụ NH số nên đăng ký tin nhắn báo biến động số dư tài khoản để thường xuyên nắm bắt các giao dịch. Thời gian qua, các NH cũng đưa ra nhiều cảnh báo thủ đoạn trộm tiền qua dịch vụ NH điện tử để người dùng cẩn trọng. Tức là có vẻ khi chấp nhận sử dụng dịch vụ TTKDTM, khách hàng phải sống chung với lũ. Nếu vậy, việc phát triển TTKDTM cũng sẽ gặp cản trở nên cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn từ cơ quan quản lý, từ các NH để người dùng tránh những rủi ro này.

BẢO TRÂN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ngan-hang/thieu-an-toan-khi-tien-nam-trong-the-85400.html