Thiết thực quan tâm, chăm lo gia đình người có công

Những năm qua, với truyền thống và đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', các cấp, các ngành và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, chăm lo cho người có công (NCC) và thân nhân NCC bằng nhiều chính sách, việc làm thiết thực. Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2019) Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến xung quanh nội dung này.

Ông ĐÀO NGỌC LỢI, Cục trưởng Cục Người có công:

Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng

Hiện nay, cả nước còn khoảng 30.000 trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận NCC, trong đó có gần 6.000 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Trong hai năm (2017 và 2018), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương đã xem xét gần 6.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 1.692 liệt sĩ; thẩm định công nhận hơn 2.600 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; với số hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện, đã hướng dẫn địa phương hoàn thiện để tiếp tục xem xét; số hồ sơ không đủ điều kiện kết luận thì giải thích thấu tình, đạt lý cho người dân và thân nhân. Từ đầu năm 2019 đến nay, có thêm 468 trường hợp liệt sĩ được công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Tất cả trường hợp đã giải quyết đến nay không có đơn, thư hoặc khiếu nại.

 Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng ban Tổ chức Cuộc đua xe đạp "Về Điện Biên Phủ-2019, Cúp Báo Quân đội nhân dân" trao quà tặng thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: TRỌNG HẢI

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng ban Tổ chức Cuộc đua xe đạp "Về Điện Biên Phủ-2019, Cúp Báo Quân đội nhân dân" trao quà tặng thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: TRỌNG HẢI

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng; mở rộng phạm vi đối với người có hồ sơ lưu ở các ngành, cấp huyện, xã và trong nhân dân; thí điểm giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng đối với lực lượng thanh niên xung phong…

-----------------------------------

Bà ĐINH THỊ LIỄU, Phó trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam:

Nhiều việc làm cụ thể quan tâm người có công và thân nhân

Những năm qua, các địa phương ở Quảng Nam đã chủ động làm tốt công tác phân bổ nguồn tài chính hợp lý cho nhiều hoạt động cải thiện đời sống NCC bên cạnh trợ cấp, phụ cấp hằng tháng được chi từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tặng quà, học bổng tới con em gia đình NCC; ưu tiên giúp đỡ, tạo việc làm cho số con em gia đình NCC khi ra trường; yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất, ưu tiên cho các gia đình NCC vay vốn… Hằng năm, vào mùa thu hoạch, các tổ chức thanh niên, phụ nữ huy động lực lượng giúp đỡ gia đình NCC.

Nhờ những giải pháp, cách làm phù hợp, đến nay, tỉnh Quảng Nam có gần 99% số gia đình NCC có đời sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của nhân dân trên địa bàn cư trú; 241 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh-liệt sĩ và NCC, đạt hơn 98,7% so với tổng số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

-----------------------------------------

Đại tá NGUYỄN THANH PHONG, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3:

Triển khai toàn diện công tác chính sách

Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 đã triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác chính sách. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn quân đoàn đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng 31 nhà tình nghĩa, nhà chính sách, nhà đồng đội và “Ngôi nhà 100 đồng” tặng gia đình NCC với cách mạng, quân nhân khó khăn về nhà ở… với tổng chi phí hơn 2,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quân đoàn 3 cũng thường xuyên thăm hỏi, tổ chức tặng quà, khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình NCC với kinh phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cũng được tiến hành hiệu quả, giải quyết tốt chế độ, chính sách cho các đối tượng theo quy định...

----------------------------------

Ông NGUYỄN MINH CHUYÊN, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình:

Kiên trì, đặt niềm tin vào cơ quan chức năng

Ngày 22-7 vừa qua, tôi vinh dự nhận được Bằng Tổ quốc ghi công của bố tôi do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trực tiếp trao tại Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức. Tháng 10-1951, bố tôi là du kích, trực tiếp chiến đấu tại địa phương và bị địch bắt sống, chặt đầu ném xuống sông. Gia đình tôi làm đơn đề nghị nhiều lần nhưng do không tìm thấy thi hài bố tôi và nhiều nguyên nhân nên vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ khiến gia đình tôi có lúc chán nản. Đến năm 2017, gia đình tôi được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình tạo mọi điều kiện giúp đỡ và Cục NCC xem xét, trình Chính phủ quyết định. Vậy là sau 68 năm hy sinh, bố tôi đã được xác nhận danh phận liệt sĩ. Đây là sự kiện trọng đại đối với gia đình tôi.

Chiến tranh đã lùi xa, việc thực hiện chính sách đối với NCC còn nhiều khó khăn do nhân chứng, giấy tờ chứng minh bị thất lạc, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Trước thực tế đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm giải quyết tồn đọng, hướng dẫn xác lập hồ sơ đối với NCC và đã có nhiều trường hợp được giải quyết, trong đó có gia đình tôi. Tôi mong rằng, quá trình chờ xác minh, giải quyết, người dân nên kiên trì, đặt niềm tin vào các cơ quan chức năng.

------------------------------

Thương binh NGUYỄN QUANG HÙNG, phường Hồng Hà, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái:

Luôn nhận được sự quan tâm về nhiều mặt

Cuối năm 1972, tôi lên đường nhập ngũ. Đúng một năm sau, trong một trận chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên, tôi bị thương. Tạm nghỉ điều trị ít ngày, tôi tiếp tục xin ra chiến hào cùng đồng đội chiến đấu. Đến tháng 12-1975, tôi xuất ngũ về quê sinh sống và hưởng chế độ thương binh hạng 4/4.

Trở về địa phương, tôi luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng bà con làng xóm, nhất là vào dịp lễ, Tết và kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ hằng năm. Ngoài chế độ ưu đãi hằng tháng, Nhà nước còn có chính sách miễn, giảm học phí đối với con em thương binh nên gia đình tôi bớt được gánh nặng, đồng thời động viên các con tôi cố gắng học tập, vươn lên. Nhờ thế, các con tôi được học hành đầy đủ và trưởng thành, trở thành công chức, viên chức, đảng viên tiêu biểu ở địa phương.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thiet-thuc-quan-tam-cham-lo-gia-dinh-nguoi-co-cong-583385