Thiết lập thị trường hàng hóa nợ

Quy mô và tính chất các khoản nợ xấu ngày càng gia tăng, đòi hỏi sớm có thị trường mua bán nợ, góp phần ổn định và tăng cường hệ thống an ninh tài chính.

Việc hình thành sàn giao dịch mua bán nợ sẽ tăng tính minh bạch và công khai của thị trường

Ông Phạm Tiến Đạt – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Bộ Tài chính cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên đến nay, sự phát triển của thị trường này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Trong đó phải kể đến hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ chưa hoàn thiện và đồng bộ. Cơ chế chính sách chủ yếu tập trung vào xử lý nợ bằng các phương pháp nghiệp vụ và mang tính hỗ trợ của Nhà nước mà chưa hướng đến thiết lập một thị trường hàng hóa nợ.

Theo ông Đạt, hiện nay trên thị trường, bên mua nợ có Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là 2 tổ chức có quy mô lớn nhất và đều là 100% vốn nhà nước, ngoài ra có khoảng hơn 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC) trực thuộc các tổ chức tín dụng. Bên bán nợ cũng thuộc nhóm đối tượng hẹp gồm các tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC, DATC hoặc AMC các ngân hàng thương mại. Doanh nghiệp bán nợ cho DATC chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Nghị định số 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh mua bán nợ đã cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia, nhưng sự tham gia của các chủ thể vẫn rất hạn hẹp khi thiếu các nhà môi giới, định giá tài sản chuyên nghiệp, các nhà đầu tư có tổ chức, các AMC tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường mua bán nợ.

Về hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ, ông Đạt cũng cho rằng, hiện tại còn chưa đa dạng, chủ yếu tập trung giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nhà nước trong khi còn nhiều nhu cầu được xử lý nợ, xử lý tài sản ở các lĩnh vực khác như doanh nghiệp phá sản… Bên cạnh đó, chưa có quy chuẩn chung về nợ được mua – được bán. Hoặc có những khoản nợ xấu mà người bán muốn bán, nhưng lại không có người mua hoặc không thỏa thuận được giá mua.

Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhìn nhận, hiện nay hành lang pháp lý đã khắc phục được những khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng nhanh hơn, phát triển an toàn các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc giải quyết nợ xấu vẫn còn có nút thắt. Đó là thiếu thị trường mua bán nợ hiệu quả để thu hút các nguồn lực.

Ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho rằng, xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống tổ chức tín dụng, góp phần ổn định và tăng cường hệ thống an ninh tài chính. VAMC xác định mục tiêu hoạt động là trở thành trung tâm thúc đẩy sự phát triển thị trường mua, bán nợ và tài sản, là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo ông Phạm Tiến Đạt, để phát triển thị trường mua bán nợ, cần xây dựng cơ chế chính sách theo hướng khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường nhằm tăng tính cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty mua bán nợ. Đồng thời, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch mua bán nợ, phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp; Luật hóa các quy định về thị trường mua bán nợ nhằm đưa thêm một kênh huy động vốn vào thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh mà không phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay các ngân hàng thương mại…

Còn ông Lê Việt Dũng - Phó Trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, cần phải phát triển thị trường mua bán nợ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, hình thành sàn giao dịch mua bán nợ. Đây là nơi giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ nhất về các khoản nợ đến các nhà đầu tư. Sàn giao dịch có thể trực thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao dịch, thiết lập các chuẩn mực về niêm yết thông tin khoản nợ, quản lý và phát triển các trung gian tạo lập thị trường, tổ chức đầu tư, xây dựng cơ chế giám sát và quy định bảo vệ nhà đầu tư. Việc hình thành sàn giao dịch sẽ tăng tính minh bạch và công khai của thị trường.

Bên cạnh việc đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ, cần phát triển hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với chủ nợ và tổ chức định giá độc lập đối với các khoản nợ, qua đó giúp bên mua và bên bán xác định được giá trị thị trưởng khoản nợ, từ đó xem xét, quyết định việc mua bán” - ông Lê Việt Dũng đề xuất.

Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2018, tổng nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đang là 2,09% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Tổng nợ xấu bao gồm các các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 486.000 tỷ đồng, chiếm 6,67% tổng dư nợ. Tuy nhiên, các số liệu này mới phản ánh quy mô nợ xấu trong các tổ chức tín dụng, chứ chưa phản ánh hết mức độ nợ xấu của nền kinh tế.

Mai Hằng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thiet-lap-thi-truong-hang-hoa-no-140799.html