Thiết lập cơ chế giữa ASEAN và Trung Quốc giải quyết xung đột Biển Đông

Đó là ý kiến của GS. Jay L. Batongbacal, Giám đốc Viện luật pháp và Các vấn đề biển (Đại học Philippines) trong cuộc phỏng vấn do PV Thanh Niên thực hiện.

GS. Jay L. Batongbacal, Giám đốc Viện Luật pháp và Các Vấn đề biển (Đại học Philippines) trả lời phỏng vấn PV Báo Thanh Niên - Ảnh: HOÀNG SƠN

Bên lề hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 10 tại .Đà Nẵng, PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn với GS. Jay L. Batongbacal xung quanh những vấn đề về Biển Đông mà dư luận đang quan tâm.

Hy vọng vào cơ chế giải quyết xung đột

PV: Ông đánh giá như thế nào về cục diện Biển Đông trong tương lai gần?

Ông Jay L. Batongbacal: Trong tương lai gần, tôi nghĩ, về tổng thể Biển Đông sẽ tương đối ổn định. Xung đột chủ quyền vẫn tồn tại nhưng tôi hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ thiết lập được một cơ chế để giải quyết. Tôi nghĩ đó là mục tiêu cơ bản và hàng đầu mà các bên muốn đạt được. Bởi nếu không đạt được cơ chế thì khu vực sẽ bất ổn.

PV: Ông có bằng chứng nào để chứng minh cho dự báo trên?

Có! Đó là những nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong vài tháng trở lại đây nhằm tăng cường niềm tin và hướng tới một hình ảnh ổn định. Thách thức lớn là các bên cần thế nào để đạt được đồng thuận về lợi ích, các bên cần loại "hòa bình" nào. Hòa bình chỉ để làm giảm căng thẳng nhất thời hay hòa bình để thỏa mãn lợi ích chung một cách lâu dài.

PV: Theo ông, Việt Nam nên làm gì để bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông?

Tôi nghĩ Việt Nam đang làm tốt, khéo léo và mềm dẻo. Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng nhất là phải cương quyết trong bảo vệ chủ quyền.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hội thảo quốc tế Biển Đông lần này? Sau 10 năm tổ chức, liệu hội thảo này có trở thành một diễn đàn có uy tín với các học giả thế giới không?

Tôi nghĩ hội thảo đã thành công. Hiện nay, Việt Nam đang tiếp cận theo cách hợp lý bởi vì thông qua kênh học giả sẽ chuyển tải được thông điệp rất quan trọng cho chính phủ các nước. Qua đó, các nước hiểu rõ Việt Nam hơn, tăng uy tín của Việt Nam hơn trong quan điểm về Biển Đông, giúp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông…

Khả năng Trung Quốc và Philippines đạt được thỏa thuận chung

PV: Ông có thể nêu khái quát về chính sách của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông?

Chính sách Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về Biển Đông rất rõ, trong đó ưu tiên mở rộng phát triển hợp tác kinh tế hơn là tập trung vào tranh chấp.

Chủ trương này khiến cho chính quyền Rodrigo Duterte trở nên linh động và thỏa hiệp hơn. Điều này có thể thấy qua các vụ việc vừa qua trên Biển Đông.

Trung Quốc tận dụng rất mạnh cơ hội thân thiện của Tổng thống Duterte hiện nay và muốn đề nghị các ưu đãi kinh tế nhiều nữa cho Philippines.

GS. Jay L. Batongbaca phân tích, dự báo về mối quan hệ của Philippines với Trung Quốc trong thời gian tới - Ảnh: ẢNH: HOÀNG SƠN

PV: Dường như bây giờ Tổng thống Rodrigo Duterte đã tạm gác phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016, ông nghĩ thế nào về vấn đề này? Mục đích của việc tạm gác này là gì?

Thực tế không phải Tổng thống Duterte bỏ qua phán quyết mà chỉ tạm gác thời điểm triển khai mà thôi, để dành thời gian cho cải thiện quan hệ, hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, với tôi, đây là vấn đề đáng lo ngại vì nếu xảy ra sự cố trên biển và chính phủ Philippines không phản ứng thích đáng sẽ gây nên làn sóng phản đối rất lớn.

PV: Ông đánh giá như thế nào về triển vọng Philippines và Trung Quốc ký kết một thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp tới. Nếu có, thỏa thuận sẽ tác động thế nào tới Philippines, Trung Quốc và các bên liên quan?

Khả năng cao là hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận nhưng sẽ chỉ nêu rất khái quát, chung chung như một tuyên bố chung của 2 nước. Thỏa thuận này nói chung sẽ không ảnh hưởng đến các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông vì nó không mang tính pháp lý.

Tôi đánh giá chính sách của Tổng thống Duterte với Trung Quốc mang tính rủi ro cao vì đã cho Trung Quốc quá nhiều, quá nhanh và quá sớm.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/thiet-lap-co-che-giua-asean-va-trung-quoc-giai-quyet-xung-dot-bien-dong-1021579.html