Thiết kế đô thị an toàn hơn cho phụ nữ

Công viên Alexandra là một khu đất rộng rợp bóng cây xanh, xinh đẹp ở thị trấn ven biển Hastings của nước Anh. Ngoài cây xanh và một số ao nước, công viên này còn có 2 con đường dài, len lỏi xung quanh những bãi cỏ, khu vườn và thậm chí có cả một đường ray xe lửa thu nhỏ.

Đường phố tối tăm luôn ẩn chứa nhiều rủi ro đối với phụ nữ. Ảnh: BBC

Đường phố tối tăm luôn ẩn chứa nhiều rủi ro đối với phụ nữ. Ảnh: BBC

Dù hội tụ đầy đủ các yếu tố thu hút người dân đến dạo chơi nhưng công viên Alexandra lại khiến người ta e dè bởi nó không có hệ thống đèn chiếu sáng, camera an ninh và các thiết bị an toàn khác. Đơn cử, cô Kay Early hồi tháng 6 năm ngoái khi đang dẫn chó đi dạo thì bị một người đàn ông theo sau và bất ngờ đấm liên tục vào mặt. Anh ta không lấy bất kỳ tài sản nào nhưng vụ việc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Early. Nhân viên hỗ trợ người tự kỷ này kể từ đó đã bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. Song, 9 tháng sau vụ tấn công, cảnh sát nói với Early rằng vụ án của cô bị hủy bỏ do thiếu bằng chứng. Một điều tra viên cho biết vụ án có thể sẽ tiến triển nếu như có camera giám sát trong công viên.

Vụ việc khiến Early và bạn cô là Claire Noble kiến nghị các biện pháp an toàn hơn trong công viên, gồm thiết lập hệ thống camera và đèn chiếu sáng. Song, để giảm thiểu sự xáo trộn đối với động vật hoang dã và giảm bớt những lo ngại về quyền riêng tư, Early và Noble ủng hộ kế hoạch xây dựng một con đường được lắp đặt hệ thống camera giám sát xuyên qua công viên. “Tôi muốn mọi người cảm thấy an toàn hơn khi đi dạo tại công viên” - Early nói.

Theo BBC, các chiến dịch tương tự cũng được triển khai ở những nơi khác trên khắp xứ sương mù, chẳng hạn như nỗ lực cải thiện ánh sáng trong các công viên tại thành phố Sheffield. Dù cả 2 chiến dịch ở Sheffield và Hastings đều được tiến hành nhưng một phụ nữ tên Sarah Everard vẫn không tránh khỏi thảm họa khi đang đi bộ về nhà hồi đầu tháng 3 vừa qua. Cái chết của Everard, cũng như của Bibaa Henry và Nicole Smallman, 2 người bị sát hại trong một công viên ở phía Bắc thủ đô Luân Đôn hồi tháng 6-2020, làm dấy lên cuộc tranh luận về sự an toàn của phụ nữ trong không gian công cộng. Nhiều người đặt câu hỏi là làm cách nào để có thể biến các thành phố thành nơi an toàn cho phụ nữ khi ra khỏi nhà. Theo giới chuyên gia, giải pháp của sự chuyển đổi này chính là thiết kế đô thị tích hợp, toàn diện.

Trong đó, giải pháp có vẻ đơn giản nhất là lắp đặt thêm đèn chiếu sáng tại các nhà ga và ở những không gian mà phụ nữ hoặc những người có khả năng bị tổn thương thường xuyên lui tới. Song, cách làm này không phải lúc nào cũng dễ dàng, giống như trường hợp tại thị trấn Hastings. Do đó, cô Kalpana Viswanath, nhà đồng sáng lập tổ chức thành phố an toàn Safetipin, đã phát triển ứng dụng xác định độ an toàn ở các khu vực khác nhau dựa trên các yếu tố như ánh sáng, phương tiện giao thông công cộng, qua đó nhấn mạnh rằng “tầm nhìn trong khu vực” là yếu tố chính giúp phụ nữ cảm thấy an toàn. Viswanath đưa ra ví dụ rằng nếu một người nào đó đang đi bộ xuống phố thì họ sẽ cảm thấy an tâm hơn khi có sự hiện diện của những người bán hàng rong, cư dân địa phương, chủ cửa hàng và người qua đường. Do đó, những bức tường cao lại có hại cho sự an toàn của phụ nữ, bởi nó che khuất tầm nhìn của những người khác.

TRÍ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/thiet-ke-do-thi-an-toan-hon-cho-phu-nu-a132347.html