Thiết kế chính sách thu hút FDI cho giai đoạn mới

Sáng 4-10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị '30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới'. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Thủ tướng chỉ đạo, cần nghiên cứu các giải pháp hợp tác, thu hút vốn FDI theo hướng mang lại giá trị gia tăng cao hơn, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất

Hội nghị có sự tham dự của hơn 3.500 đại biểu đại diện các bộ, ngành, Trung ương, địa phương, Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội, hàng nghìn nhà đầu tư nước ngoài và trong nước… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trải qua 30 năm phát triển, đến nay, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận và động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tính đến hết tháng 9-2018, Việt Nam có 26.646 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 334 tỷ USD. Hiện có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đáng chú ý, FDI có đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; số thu nộp ngân sách của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách Nhà nước. Tính đến nay, khu vực FDI đã tạo việc làm cho gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp khác.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Huân chương Lao động hạng Ba tặng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Thống Nhất

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Huân chương Lao động hạng Ba tặng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Thống Nhất

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới thời gian qua. “Việc mở cửa thu hút FDI là chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu của đất nước. Khu vực FDI là bộ phận không thể tách rời với nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Tại hội nghị, cùng với việc ghi nhận những đóng góp tích cực của đầu tư FDI tại Việt Nam, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra một số mặt hạn chế. Đó là, các DN FDI chủ yếu sử dụng công nghệ ở mức trung bình so với khu vực và trên thế giới. Khu vực FDI không lan tỏa nhiều công nghệ cao, công nghệ nguồn, tỷ lệ đầu tư cho phát triển còn thấp. Việc liên kết khu vực FDI và trong nước, việc chuyển giao công nghệ chưa như kỳ vọng, chủ yếu ở mức gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao. Nhiều dự án FDI tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, báo lỗ, chuyển giá, không đảm bảo quyền lợi xứng đáng cho người lao động, trình độ quản lý còn yếu kém. Quản lý Nhà nước về FDI còn thiếu chặt chẽ, thiếu sự nhất quán ở các cấp, các địa phương.

Môi trường kinh doanh minh bạch - mong muốn hàng đầu của nhà đầu tư

Gợi ý các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút FDI, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho rằng, mức độ tin cậy trong môi trường, chính sách nhất quán thu hút FDI của một quốc gia là thứ ưu tiên hàng đầu với nhà đầu tư. Do vậy, điều quan trọng bậc nhất với Việt Nam là phải xây dựng được môi trường đầu tư kinh doanh để các nhà đầu tư hiện tại có thể tiếp tục mở rộng đầu tư. Cùng với đó, để có được hoạt động đầu tư chất lượng, Việt Nam nên mạnh dạn đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin để các thủ tục hành chính được xử lý rõ ràng, minh bạch và nhanh chóng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu nhận văn kiện hợp tác đầu tư. Ảnh: Thống Nhất

Cũng nhấn mạnh tới yêu cầu cao trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội cho rằng, con đường ngắn để thu hút đầu tư đó là trên cơ sở luật pháp quốc tế, Việt Nam xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch và vận dụng rõ ràng, hợp lý. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, có nhiều dư địa để mở rộng phát triển. Theo đó, Việt Nam cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần làm rõ được lĩnh vực muốn tập trung chú trọng trong sản xuất chế tạo. Chỉ khi đó, các DN nước ngoài mới hợp tác hỗ trợ một cách thuận tiện, hiệu quả.

Có cùng quan điểm, ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) gợi ý, Việt Nam phải nâng cao kỹ năng kiến thức cho người lao động, để có thể vận hành công nghệ tự động hóa trong công nghệ 4.0. Việt Nam phải tiếp tục cải cách nền giáo dục; phải thúc đẩy nhân rộng các công ty dạy nghề độc lập.

Đại diện cho địa phương thu hút được nhiều nguồn vốn FDI trong thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất, Chính phủ xem xét giao các tỉnh, thành phố kêu gọi đầu tư, triển khai thực hiện các dự án trong quy hoạch vùng trên cơ sở phù hợp với năng lực, hài hòa về lợi ích, trách nhiệm, bình đẳng và khai thác tối đa thế mạnh của mỗi địa phương, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án này.

Lựa chọn hợp tác để mang lại giá trị gia tăng cao hơn

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, DN FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế và Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài.

Để đạt được hiệu quả toàn diện trong việc thu hút FDI, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Việt Nam thực hiện chính sách hợp tác thu hút FDI với nội hàm mở rộng hơn. Hợp tác thu hút FDI là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội. Việt Nam khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao, thu hút các dự án công nghệ tương lai của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác đa quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới để hình thành liên kết ngành, từng bước thực hiện các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn trong nền kinh tế toàn cầu, phù hợp với quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng. “Hợp tác thu hút FDI là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy”, Thủ tướng nêu rõ.

Đáp lại những mong muốn của nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều biến đổi, đan xen cơ hội và thách thức, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điều không dễ, đòi hỏi phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về hợp tác đầu tư nước ngoài và triển khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. “Việt Nam sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, mang tính cạnh tranh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, phù hợp với những cam kết tiêu chuẩn cao trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao các phần thưởng cao quý của Nhà nước tặng các cơ quan, tập thể, cá nhân, các DN FDI có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Huân chương Lao động hạng Ba tặng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thiet-ke-chinh-sach-thu-hut-fdi-cho-giai-doan-moi-551207