Thiệt hại rất lớn nếu tiếp tục xảy ra El Nino

Theo dự báo, ước tính của các chuyên gia, với mức độ tổn thương cao như Việt Nam, một đợt El Nino với cường độ mạnh tương tự năm 2016 có thể làm giảm 60.000 tỷ đồng của Việt Nam...

CGIAR dành nhiều sự hỗ trợ Việt Nam trong đối phó với BĐKH

Bảng xếp hạng "Rủi ro khí hậu toàn cầu" mới nhất vừa được công bố tại hội thảo "Nghiên cứu phát triển vì một khu vực Đông Nam Á thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu (BĐKH)" vừa diễn ra tại Hà Nội, có tới 4 quốc gia Đông Nam Á nằm trong top 10 nước có chỉ số rủi ro cao nhất giai đoạn từ 1997 - 2016 là Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Trong đó, theo dự báo, ước tính của các chuyên gia, với mức độ tổn thương cao như Việt Nam, một đợt El Nino với cường độ mạnh tương tự năm 2016 có thể làm giảm 60.000 tỷ đồng của Việt Nam và 1,7 triệu người bị đẩy xuống dưới mức đói nghèo.

Ông Leo Sebastian, Giám đốc chương trình CCAFS khu vực Đông Nam Á cho rằng, để hiện thực hóa được "Tầm nhìn của CCAFS" đối với nền nông nghiệp Đông Nam Á, những hoạt động nghiên cứu cho phát triển cần triển khai có tính chiến lược hơn, đẩy mạnh sự hợp tác giữa các bên, đáp ứng sát hơn nhu cầu của từng quốc gia về chống chịu với BĐKH, đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và đẩy mạnh hợp tác, liên kết khu vực.

Chia sẻ trước các đại biểu đến từ khu vực Đông Nam Á, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Ngay trong năm 2018, tính đến thời điểm tháng 9 đã có 386 người chết và mất tích, 364.000ha lúa và hoa màu bị hư hại, con số ước tính thiệt hại kinh tế lên đến 60.000 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để ứng phó một cách hiệu quả với các tác động to lớn của BĐKH và các hiện tượng thiên tai, không một đơn vị nào có thể hoạt động riêng lẻ. Thích ứng và giảm thiểu BĐKH là một cuộc chiến chung, cần có sự chung tay của nhiều quốc gia, nhiều đơn vị, nhiều lĩnh vực. Vì vậy, những kinh nghiệm đúc rút từ các mô hình làng nông thuận thiên thực hiện ở Việt Nam sẽ gợi mở cho việc xây dựng hợp phần thích ứng với BĐKH giai đoạn tiếp theo tại Việt Nam và một số quốc gia có điều kiện tương đồng trong khu vực.

Hội thảo Nghiên cứu phát triển vì một khu vực Đông Nam Á thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, với tư cách là nước chủ nhà và cũng là Chủ tịch của Hội nghị Bộ trưởng nông, lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40, Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên khác trong thúc đẩy sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững khu vực. Để làm được điều này, cần có những hỗ trợ kỹ thuật từ phía CGIAR, nhằm góp phần giúp ASEAN thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch chiến lược hợp tác ASEAN về thực phẩm nông lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2025.

“Chúng tôi rất vui mừng khi một số trung tâm, viện nghiên cứu thuộc khối CGIAR như IRRI, CIAT, ICRAF, ILRI, CIP, CIFOR đặt văn phòng tại Hà Nội cũng như có nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, nông lâm kết hợp và ứng phó với BĐKH. Chúng tôi cũng rất cảm kích khi chương trình CCAFS, một trong những chương trình nghiên cứu trọng điểm lớn của khối CGIAR cũng chọn Việt Nam làm địa điểm đặt văn phòng điều phối cho khu vực Đông Nam Á”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ.

Trong những năm qua, CCAFS hỗ trợ Bộ NN-PTNT xây dựng mô hình "làng nông thuận thiên" và bộ công cụ xây dựng bản đồ nguy cơ khí hậu, kế hoạch thích ứng CS MAP, đồng thời chuyển giao, sử dụng tại vùng ĐBSCL nhằm điều chỉnh kế hoạch sản xuất lúa trong bối cảnh BĐKH đang ngày một tác động mạnh.

NGUYÊN HUÂN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thiet-hai-rat-lon-neu-tiep-tuc-xay-ra-el-nino-post231857.html