Thiệt hại không của riêng ai

Khi nhắc tới câu chuyện xăng giả, kém chất lượng, anh Lê Ngọc Hùng (trú tại quận Hà Ðông, Hà Nội) không khỏi bức xúc cho biết, cách đây khoảng hơn hai tháng, anh có việc phải đi công tác khu vực phía bắc. Trên đường đi, anh có tạt vào đổ xăng Ron 95 III cho xe ô-tô nhãn hiệu BMW 330i tại một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với tổng số tiền 1,2 triệu đồng. Sau khi đổ xăng và đi được hơn 20 km thì chiếc xe bỗng dưng xuất hiện tình trạng giật cục, chết máy, đề khó nổ. Do xe mới, từ trước tới nay chưa gặp hiện tượng này cho nên anh Hùng ngay lập tức gọi điện về hãng xe và được tư vấn nên gọi xe cứu hộ, đưa xe về hãng để kiểm tra, xử lý.

Khi nhắc tới câu chuyện xăng giả, kém chất lượng, anh Lê Ngọc Hùng (trú tại quận Hà Ðông, Hà Nội) không khỏi bức xúc cho biết, cách đây khoảng hơn hai tháng, anh có việc phải đi công tác khu vực phía bắc. Trên đường đi, anh có tạt vào đổ xăng Ron 95 III cho xe ô-tô nhãn hiệu BMW 330i tại một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với tổng số tiền 1,2 triệu đồng. Sau khi đổ xăng và đi được hơn 20 km thì chiếc xe bỗng dưng xuất hiện tình trạng giật cục, chết máy, đề khó nổ. Do xe mới, từ trước tới nay chưa gặp hiện tượng này cho nên anh Hùng ngay lập tức gọi điện về hãng xe và được tư vấn nên gọi xe cứu hộ, đưa xe về hãng để kiểm tra, xử lý.

Qua quá trình kiểm tra tại hãng xe cho thấy, lọc xăng bẩn, gây tắc xăng và không cung cấp đủ nhiên liệu cho động cơ hoạt động đúng công suất. Không chỉ vậy, nó còn ảnh hưởng tới chất lượng, tuổi thọ của cả bộ phận bơm xăng, kim xăng, buồng đốt,... khiến tổng chi phí thay thế phụ tùng cho chiếc xe của anh Hùng mất gần 300 triệu đồng. Ðiều đáng bàn ở chỗ, sau khi sự việc xảy ra, anh Hùng đã liên hệ với quản lý cửa hàng đã mua xăng để yêu cầu kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng như có trách nhiệm với vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, đại diện cửa hàng đã thẳng thừng chối bỏ trách nhiệm khi khẳng định xăng bán ở cửa hàng hoàn toàn bảo đảm chất lượng, được các cơ quan chức năng cấp phép nên không thể gây ra hiện tượng hỏng hóc, chết máy được. Hơn nữa, khách phải xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh hàng đã mua của đại lý,... mới được "xem xét, hỗ trợ theo quy định". Sự việc xảy ra với anh Hùng không phải hiếm trên thị trường. Thực tế, không ít trường hợp mua phải xăng dầu giả, kém chất lượng gây hỏng hóc thiết bị, động cơ phương tiện nhưng vì ngại va chạm, phản ánh tới các cơ quan chức năng nên đành móc tiền túi ra mua phụ tùng thay thế, sử dụng. Còn nhớ, cách đây khoảng 10 năm, hàng loạt xe ô-tô, xe máy đang lưu thông trên đường, bỗng dưng bị bốc cháy khiến dư luận hết sức hoang mang. Nguyên nhân lý giải nào là do cơ học, chập điện, cấu tạo của các xe khác nhau..., thậm chí, xăng sinh học E5 Ron 92 (loại xăng pha 5% độ cồn) lúc đó mới đưa ra thị trường cũng bị đưa vào danh sách nghi ngờ là nguyên nhân gây ra cháy nổ,... nhưng ít ai nghĩ tới nguyên nhân do mua và sử dụng xăng dầu giả, kém chất lượng.

Hàng loạt các vụ pha chế, làm giả xăng dầu thời gian gần đây bị các lực lượng chức năng bóc gỡ, triệt phá đã phần nào giúp người dân yên tâm hơn khi mua và sử dụng xăng dầu trên thị trường. Tuy nhiên, hiện tượng xăng giả, xăng kém chất lượng vẫn còn tồn tại do buông lỏng quản lý, thiếu các cơ chế, chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Ðồng thời, có thể nói một số cán bộ thực thi trách nhiệm bị tha hóa, cố tình "bảo kê" cho các vi phạm lộng hành, kiếm lời bất chính. Chính vì vậy, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt, các lực lượng chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm, góp phần đẩy lùi, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Minh Ðức

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/thiet-hai-khong-cua-rieng-ai-623391/