Thiệt hại của Anh khi cấm TikTok và Huawei

Sau lệnh cấm Huawei, chính phủ Anh đã khiến TikTok dừng đàm phán đặt trụ sở tại Anh - những quyết định khiến London thiệt hại không hề nhỏ.

Theo truyền thông Anh, TikTok đã rút khỏi các cuộc đàm phán để đặt trụ sở của mình ở London vì cuộc chiến thương mại giữa Anh và Trung Quốc ngày càng xấu đi, đồng thời bỏ luôn ý định tạo ra 3.000 việc làm tại Anh.

Quyền sở hữu của Công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), TikTok là ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám với hơn 1 tỉ người dùng trên toàn cầu.

ByteDance đã dành nhiều thời gian đàm phán với Anh để mở rộng hoạt động bên ngoài Trung Quốc với gần 800 nhân viên của TikTok. Đây như một phần trong chiến lược của TikTok nhằm tách khỏi quyền sở hữu của Trung Quốc.

Giới lãnh đạo của ByteDance đình chỉ cuộc đàm phán trong bối cảnh mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh xấu đi, đặc biệt là khi Chính phủ Anh cấm công ty viễn thông Trung Quốc Huawei phát triển mạng điện thoại di động 5G ở quốc gia này.

TikTok hy vọng Anh nhượng bộ để thuê tòa nhà làm trụ sở công ty ở London nhưng bây giờ sẽ xem xét chuyển sang Dublin (Thủ đô Ireland), nơi một số nhân viên của họ đang làm việc.

TikTok dừng đàm phán đặt trụ sở tại Anh.

TikTok dừng đàm phán đặt trụ sở tại Anh.

Giới chuyên gia cảnh báo TikTok có thể là công cụ gián điệp cho Bắc Kinh và nên bị Anh cấm giống như Huawei. Song, ByteDance chỉ ra rằng TikTok có một giám đốc điều hành người Mỹ là Kevin Mayer (Cựu giám đốc của Walt Disney) và một số nhà lãnh đạo người Mỹ trong hội đồng quản trị của mình.

TikTok liên tục phủ nhận các cáo buộc về việc chia sẻ dữ liệu người dùng cho Chính phủ Trung Quốc. Ngay trước đó, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump, gợi ý TikTok có thể tách khỏi ByteDance ở Trung Quốc và hoạt động như công ty Mỹ độc lập để tránh bị cấm.

Ông Trump đã đe dọa sẽ cấm TikTok như cách trừng phạt Trung Quốc vì để bùng phát đại dịch coronavirus. Giới chuyên gia Anh đoán rằng ByteDance có thể sẽ nối lại các cuộc đàm phán về việc đặt trụ sở TikTok ở London sau khi được làm rõ rằng Anh chỉ cấm Huawei do áp lực từ Mỹ.

Theo CNN, lệnh cấm với Huawei có thể làm Anh thiệt hại nhiều tỷ USD để thay thế các thiết bị Huawei, đồng thời tiến trình triển khai mạng 5G cũng bị đình trệ. Anh chính thức công bố lệnh cấm với Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei ngày 14/7, chấm dứt mối quan hệ hợp tác kéo dài hai thập kỷ.

Theo đó, các nhà khai thác mạng BT và Vodafone sẽ có thêm thời gian tới năm 2027 để loại bỏ những thiết bị Huawei đã lắp đặt ra khỏi hệ thống. Các hãng viễn thông khác cũng không được mua bất kỳ thiết bị 5G nào từ công ty Trung Quốc.

Thủ tướng Johnson ban đầu phản đối lệnh cấm Huawei, cho phép công ty Trung Quốc triển khai mạng tốc độ cao mới ở Anh hồi tháng một. Nhưng những lệnh trừng phạt của Mỹ hồi tháng 5 đã ngăn Huawei dùng con chip cùng các linh kiện điện tử quan trọng khác sử dụng công nghệ Mỹ, khiến London thay đổi chính sách.

Không có chúng, Huawei không thể xây dựng các trạm 5G cùng hệ thống thiết bị liên quan. Quyết định này là một thắng lợi lớn đối với Mỹ khi mà chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây liên tục thúc giục các đồng minh loại thiết bị Huawei khỏi mạng lưới 5G với lý do rằng tập đoàn công nghệ Trung Quốc là một mối đe dọa về an ninh.

Tuy nhiên, nó cũng có nguy cơ nhận về phản ứng gay gắt từ Trung Quốc trong bối cảnh Anh đang tìm kiếm những cơ hội thương mại mới trên toàn thế giới hậu Brexit, đồng thời trì hoãn tiến trình triển khai mạng 5G trên toàn đất nước.

Giới chuyên gia nhận định động thái mới nhất của Anh thực sự là đòn giáng mạnh đối với tập đoàn. Huawei đã hoạt động tại Anh 20 năm và họ luôn coi châu Âu là một thị trường chủ chốt, đóng góp 24% doanh số của công ty trong năm ngoái.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đối mặt áp lực ngày càng tăng từ các nghị sĩ trong đảng của ông và từ cả chính quyền Trump, những người tin rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng Huawei cho mục đích gián điệp hay thậm chí phá hoại.

Huawei khẳng định họ không bao giờ giúp chính phủ Trung Quốc thực hiện các hành vi gián điệp và rằng công ty "100% thuộc quyền sở hữu của các nhân viên".

Trước thời điểm Anh công bố cấm cửa Huawei, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại lời cảnh báo rằng quyết định này sẽ tạo ra hậu quả đối với mối quan hệ lớn hơn giữa hai nước.

Các đối thủ châu Âu của Huawei cho biết họ đã sẵn sàng lấp đầy chỗ trống mà tập đoàn công nghệ Trung Quốc bỏ lại. Nokia tuyên bố họ "đủ khả năng và chuyên môn để thay thế tất cả thiết bị Huawei trong mạng viễn thông của Anh ở mọi quy mô và tốc độ".

Arun Bansal, chủ tịch Ericsson khu vực châu Âu và Mỹ Latinh, khẳng định họ "có đủ công nghệ, kinh nghiệm và chuỗi cung ứng" nhằm giúp Anh đạt được các mục tiêu 5G. Dù vậy, Anh vẫn phải trả cái giá đắt vì cấm cửa Huawei.

Chính phủ Anh cho hay việc thay thế thiết bị và công nghệ của Huawei sẽ khiến tiến trình triển khai mạng 5G bị trì hoãn từ hai đến ba năm, tổng chi phí lên tới 3,1 tỷ USD.

Điều này đồng nghĩa người tiêu dùng và doanh nghiệp Anh sẽ phải chờ lâu hơn và có thể phải trả nhiều tiền hơn cho những dịch vụ mà mạng 5G hỗ trợ, như xe tự lái hay các ứng dụng sản xuất và chăm sóc sức khỏe hiện đại khác.

"Hiển nhiên, chúng tôi thất vọng bởi như chính phủ đã nói, quyết định mới nhất sẽ trì hoãn việc triển khai mạng 5G ở Anh và làm phát sinh nhiều chi phí cho ngành công nghiệp", phát ngôn viên của Vodafone nói.

Thanh Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/thiet-hai-cua-anh-khi-cam-tiktok-va-huawei-3414826/