Thiệt hại 600 tỷ đồng/năm vì bệnh dại

Theo chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 69 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố.

Cam kết mạnh mẽ phòng, chống bệnh dại

Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm nay với chủ đề "Bệnh dại: Chia sẻ thông điệp, cứu sống tính mạng”. PGS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay, ở Việt Nam bệnh dại còn xuất hiện trên nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Vì vậy, cần nỗ lực và đầu tư nhiều hơn nữa nhằm cải thiện nhận thức cho cộng đồng, thực hiện các biện pháp phòng chống nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh dại ở người; tăng số điểm tiêm vaccine và tăng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc y tế, nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine dại cho đàn chó.

TS Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, phòng bệnh bằng vaccine dại cho người và động vật là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người; nhận thức và tham gia của cộng đồng là chìa khóa then chốt cho sự thành công trong công tác phòng chống bệnh dại. Mặt khác, phòng, chống và loại trừ bệnh dại cần theo hướng Một sức khỏe, cụ thể là sự hợp tác hiệu quả giữa các ngành y tế và ngành thú y. Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO) và WHO đều nhận thức rõ và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam loại trừ bệnh dại ở tất cả các tuyến.

Mỗi năm ở nước ta khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại(ảnh minh họa). Ảnh tư liệu

Trong năm 2017, Chính phủ đã phê duyệt chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, tiếp theo chương trình phòng chống và loại trừ bệnh dại quốc gia giai đoạn 2011-2015. Cũng trong năm 2017, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 31 ngày 6.7.2017 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Đây là các hoạt động phản ánh cam kết mạnh mẽ của quốc gia trong công tác phòng chống, kiểm soát và tiến tới loại trừ bệnh dại.

Chủ quan là... chết

Theo WHO, bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh gây tử vong khi các triệu chứng

“100% người bị chó, mèo cắn đều có nguy cơ phơi nhiễm với bệnh dại. Do đó, người dân không nên chủ quan mà không đi tiêm phòng”.

Khuyến cáo của Bộ Y tế

biểu hiện trên cả người và động vật. Thống kê của WHO, mỗi năm có hơn 50.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vaccine và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại.

Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, WHO khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm vaccine điều trị dự phòng bệnh dại.

Còn tại nước ta, theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số tử vong do dại ghi nhận tăng cao trong giai đoạn 1990 - 2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Cùng với con số tử vong đó, hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, mỗi ca điều trị dự phòng động vật cắn (chủ yếu là chó) tốn khoảng 1,5 triệu đồng. Thiệt hại trực tiếp về kinh tế ước khoảng 600 tỷ đồng/năm, ngoài ra còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân.

Đáng lo ngại là, sau thời gian số cả tử vong do dại trên cả nước giảm, thì trong giai đoạn đoạn 2015 - 2016, tình hình bệnh dại tại Việt Nam có chiều hướng tăng cao trở lại với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt năm 2016 có 91 ca tử vong do dại (tăng 17% so với năm 2015 và 38% so với năm 2014). Năm 2017 kết thúc với con số 63 người chết vì bệnh dại. Bệnh xảy ra ở 31/63 tỉnh, nhưng số người chết do bệnh dại tập trung chủ yếu ở miền Bắc, chiếm 71% số ca bệnh dại của cả nước. Từ đầu năm 2018 đến nay cả nước ghi nhận 69 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh thành phố.

Lý giải tình trạng bệnh nhân mắc và tử vong vì bệnh dại vẫn cao, đại diện Văn phòng Dự án khống chế và loại trừ bệnh dại (Bộ Y tế) cho rằng người dân không đi tiêm phòng dẫn đến tử vong đa số là chủ quan, cho rằng bị chó nhà cắn là bình thường. Đáng tiếc là những trường hợp tử vong này hoàn toàn có thể tránh được bằng cách tiêm phòng bệnh dại cho chó; nếu bị chó mèo nghi dại cắn, cào thì cần tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ. Tuy nhiên, thay vì đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng, nhiều người chữa ở thầy lang, đắp thuốc nam…

Lan Anh - B.T

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/thiet-hai-600-ty-dong-nam-vi-benh-dai-925655.html