Thiết chế văn hóa cho người dân TP.HCM cần thay đổi

Cần tạo ra những thiết chế văn hóa hiện đại, phù hợp với các nhu cầu, xu hướng chọn lựa của người dân TP.HCM.

Xây dựng các thiết chế văn hóa xứng tầm với một đô thị hiện đại ôm trong lòng nhiều di sản như Sài Gòn - TP.HCM là một câu chuyện không phải mới nhưng vẫn luôn nóng hổi, vì cần những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn.

Thiếu hụt cơ sở hạ tầng lẫn nhân lực

Khi nhắc đến thiết chế văn hóa, chủ yếu ở TP.HCM chính là bảo tàng, thư viện, sân vận động, sân khấu biểu diễn, rạp phim, lễ hội truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên, một thiết chế văn hóa hoàn chỉnh ngoài các yếu tố cơ sở vật chất kể trên còn là một chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí…

Thế nhưng hệ thống các nhà hát trên địa bàn TP chủ yếu sử dụng cơ sở vật chất xây dựng từ trước năm 1975. Trong tám đơn vị biểu diễn nghệ thuật trực thuộc TP chỉ có Nhà hát nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang là có Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo (nhưng hiện không sử dụng được), Nhà hát kịch TP có rạp Công Nhân để diễn. Tất cả sáu đơn vị nghệ thuật đều chưa có nhà hát riêng ổn định.

Nổi bật nhất trong đó là dự án Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) đã được đưa ra từ rất lâu nhưng rồi hơn 20 năm qua vẫn chưa có nhà hát. “Nhiều lần chúng tôi từng đề nghị chuyển đơn vị đầu tư về HBSO để chúng tôi có thể giám sát chất lượng xây dựng. Chúng tôi sẽ thuê đội ngũ tư vấn, thiết kế chuyên nghiệp để làm… nhưng đến giờ vẫn chưa đâu vào đâu” - NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, chia sẻ.

Lĩnh vực sân khấu kịch, ca nhạc cũng không phải không ngoi ngóp. Các sân khấu kịch, ca nhạc trên TP hầu hết là sân khấu xã hội hóa, thế nhưng những năm gần đây, sân khấu ca nhạc ở các điểm diễn phục vụ số đông người dân TP như Trống Đồng, 126, Lan Anh… thoái trào. “Cơ sở vật chất yêu cầu của các chương trình hiện nay không chỉ mặt bằng rộng, mà phải hệ thống âm thanh, ánh sáng, tiện nghi sân khấu… đi kèm. Một mặt sức bán vé giờ không còn bởi công chúng có nhiều giải trí khác từ truyền hình, YouTube. Các chương trình này họ đầu tư hơn, mới mẻ nên tác động đến thị trường; các sân khấu cũ giá vé có thể rẻ nhưng không nâng cấp đồng bộ khiến ngày càng xuống cấp” - ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP, phân tích.

Rạp phim là thiết chế văn hóa phát triển nhất tại TP.HCM năm năm trở lại đây. Ảnh: CGV

Rạp phim là thiết chế văn hóa phát triển nhất tại TP.HCM năm năm trở lại đây. Ảnh: CGV

Cần có những thiết chế văn hóa hiện đại hơn

Những thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện càng lạc hậu, cũ kỹ hơn. Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM xây từ trước năm 1975 không hề được nâng cấp. Ngay cả báu vật của thư viện là bức tranh Hoài niệm xứ Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí xuống cấp cũng khó khăn trong phục chế do kinh phí quá lớn. Hệ thống bảo tàng công lập của TP.HCM có 10 cơ sở thì trừ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được xây mới, số bảo tàng còn lại sử dụng cơ sở vật chất cũ từ trước năm 1975 hiện cũng xuống cấp. Kinh phí để đầu tư cho bảo tàng, làm mới bảo tàng cũng gặp không ít khó khăn.

Tính đến ngày cuối cùng của năm 2019, địa bàn TP.HCM có 177 di tích được xếp hạng, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt, 50 di tích quốc gia. TP vẫn còn 114 di tích cấp TP và 100 công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích cho đến hết năm 2020.

Cũng phải thấy rằng nhu cầu của đô thị hiện đại đã làm thay đổi các thiết chế văn hóa. Người trẻ ở TP.HCM không còn đến các bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa… mà thay vào đó là các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ… Nhu cầu của giới trẻ hiện nay hướng đến giải trí nhiều hơn nghệ thuật. Chính điều này đòi hỏi các thiết chế văn hóa phải tự chuyển mình để phù hợp với thời cuộc. Nếu tiếp tục giữ hình thức và nội dung hoạt động như hiện nay, tức không khác cách đây hàng chục năm thì bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa… sẽ trở nên khó có sức sống.

Hiện nay, trong danh sách những thiết chế văn hóa hiện hữu của TP, lĩnh vực đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân chính là lĩnh vực điện ảnh. Chưa bao giờ TP có nhiều rạp phim như hiện nay với đủ các công nghệ tiên tiến: 4DX, Screenx, Starium, Imax, Dolby Almos… Và tất cả hệ thống rạp phim ở TP.HCM phát triển đều là của các nhà đầu tư nước ngoài, tư nhân.

Hãy thực hiện bằng hành động

Những người làm văn hóa, muốn đóng góp cho văn hóa TP.HCM đều phấn khởi khi TP.HCM chọn 2020 là năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa…

Có thể với nhiều người văn hóa mông lung nhưng thực tế không mông lung lắm đâu, bất cứ ngành nghề nào từ kinh tế, văn hóa, giáo dục… đều có những mục tiêu, tiêu chí cụ thể. Ví dụ như năm 2019, sau khi kết thúc Giai điệu mùa thu mùa thứ 12, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) đã chuẩn bị cho mùa tiếp 2021. Và ngay sáng 29-1 (mùng 5 tết), ban tổ chức nhận được xác nhận trở về biểu diễn vào ngày 22-8-2021 trong mùa Giai điệu mùa thu thứ 13 của NSND Đặng Thái Sơn. Đó là niềm vui đầu năm, là mục tiêu cụ thể mà ban tổ chức cũng như nhà hát làm được.

Tôi ví dụ một điều cụ thể để nói rằng trên bình diện năm văn hóa phải có một góc nhìn, chính sách và quan điểm toàn diện. Đã toàn diện phải biết nhìn trước sau, xa gần.

Thiết chế văn hóa cho TP.HCM rất quan trọng, chúng ta hay nhìn cái trước mắt mà thiếu tầm lâu dài, nó không phải là câu chuyện một năm và không phải chúng ta mới nói đến. Với năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa, khi xác định tiêu chí, tiêu điểm năm văn hóa chúng ta sẽ có chương trình và chính sách cụ thể để thực hiện đúng cái mình mong muốn.

NSƯT TRẦN VƯƠNG THẠCH, Giám đốc Nhà hát giao
hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM

QUỲNH TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/thiet-che-van-hoa-cho-nguoi-dan-tphcm-can-thay-doi-888573.html