Thiết bị tiết kiệm điện: Tác dụng ảo, mất tiền thật

Đánh vào tâm lý muốn giảm lượng điện năng tiêu thụ của các hộ gia đình, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện một số thiết bị tiết kiệm điện đi kèm với những lời quảng cáo 'có cánh' được rao bán tràn lan trên mạng. Thực tế, những thiết bị này có thực sự giúp tiết kiệm điện hay không?

Dạo quanh các trang bán hàng online với từ khóa “thiết bị tiết kiệm điện”, người tiêu dùng dễ dàng nhận được hàng loạt sự lựa chọn các thiết bị đa dạng về chủng loại, mẫu mã và giá cả. Các sản phẩm này đi kèm với lời quảng cáo: Thiết kế đơn giản, gọn nhẹ và đặc biệt là siêu tiết kiệm đến 30 - 50% lượng điện năng tiêu thụ. Đặc điểm chung về hình thức của những sản phẩm này là cấu tạo bên ngoài được thiết kế như một chiếc hộp nhỏ bằng nhựa, có đèn báo sáng. Giá cả của các thiết bị thường dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy mẫu. Cách sử dụng cũng được tư vấn là rất đơn giản, người dùng chỉ cần cắm thiết bị vào bất kỳ ổ điện nào trong nhà cũng có thể phát huy hiệu quả.

Về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, hầu hết người mua được giới thiệu là sản phẩm Việt Nam sản xuất theo công nghệ của nước ngoài. Theo những người bán, trong thiết bị tiết kiệm điện năng mà họ cung cấp có 1 tụ bù công suất, giúp tối ưu điện năng thừa, không hao phí điện. Do đó, điện năng tiêu thụ sẽ giảm khi sử dụng thiết bị này.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sản phẩm tiết kiệm điện

Thực tế, theo các chuyên gia, các thiết bị tiết kiệm điện trong lời quảng cáo không đem lại hiệu quả và hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Tụ bù chỉ có tác dụng giảm phần điện năng hao phí do đường dây và phụ tải, góp phần ổn định dòng điện chứ không giảm công suất tiêu thụ như nhiều người lầm tưởng. Các nghiên cứu và thực tế hiện nay chỉ thực hiện tiết kiệm được 1 - 5% lượng điện tiêu thụ. Vì vậy, chỉ một thiết bị với kết cấu vô cùng đơn giản lại có thể tiết kiệm tới 30 - 50% lượng điện tiêu thụ là điều không thể.

Nguyên nhân khiến không ít người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền ra mua một thiết bị được quảng cáo “thần thánh” đến khó tin như vậy phần lớn xuất phát từ thử nghiệm “thực tế” mà người bán đăng lên. Theo đó, các địa chỉ bán sản phẩm này có kèm theo một video quay hình ảnh đồng hồ đo lượng điện tiêu thụ giảm một nửa ngay khi cắm thiết bị tiết kiệm điện vào ổ song song với sử dụng một thiết bị điện thông thường. Thực chất, đây chỉ là một chiêu trò được thực hiện bằng thủ thuật.

Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần cẩn trọng với các sản phẩm tiết kiệm điện nhập khẩu trôi nổi ngoài thị trường, vì phần lớn đây chỉ là thiết bị giảm tổn thất trên hệ thống điện, không nên tin vào những chiêu quảng cáo về thiết bị có thể tiết kiệm điện đến mức cao như vậy.

Hơn nữa, nếu các thiết bị thực sự có tác dụng đến hoạt động công tơ điện có nghĩa là người sử dụng đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Thay vì tin tưởng những sản phẩm tiết kiệm điện chưa được xác minh công dụng, người dân nên tiết giảm điện năng bằng các giải pháp mà ngành điện khuyến cáo như: Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn… và sử dụng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương kiểm định…

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ thuật của các chuyên gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin, mua, sử dụng các sản phẩm này vì không có tác dụng mà còn gây tiêu tốn điện nhiều hơn, thậm chí gây ra những nguy hiểm như chập cháy...

Nguyễn Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thiet-bi-tiet-kiem-dien-tac-dung-ao-mat-tien-that-139734.html