Thiết bị huấn luyện đa năng cho bộ binh

Một bộ thiết bị nhỏ gọn song mang trong đó rất nhiều tính năng tác dụng, phục vụ thiết thực hoạt động huấn luyện chiến sĩ bộ binh. Đó là thiết bị huấn luyện đa năng có 'xuất xứ' từ Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).

Được trưng bày phục vụ Đại hội Thi đua Quyết thắng LLVT tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2013-2018, thiết bị huấn luyện đa năng đã tạo ra sự chú ý đặc biệt đối với các đại biểu tham dự đại hội. Đây là sáng kiến của Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng, Trợ lý dân quân tự vệ, Ban CHQS thành phố Bắc Giang.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng giới thiệu về thiết bị huấn luyện đa năng.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, trong quá trình huấn luyện chiến thuật cho bộ binh và dân quân tự vệ, các đơn vị thường phải sử dụng “quân xanh” để thể hiện hành động của địch. Với thiết bị này, bộ đội có thể điều khiển từ xa để tạo giả âm thanh các loại hỏa lực của địch mà không phải cắt một bộ phận quân số làm “quân xanh”, qua đó đảm bảo lực lượng tham gia huấn luyện cao nhất.

Thiết bị huấn luyện đa năng còn có khả năng thể hiện hành động địch quét đèn pha, bắn pháo sáng, sử dụng hỏa lực khi chiến sĩ bộ binh của ta tiến hành trinh sát thực địa ban đêm, chuẩn bị đánh địch phòng ngự. Với đèn pha quét 360 độ và 2 ống chiếu tia laser tượng trưng cho hỏa lực của địch đang bắn, chiến sĩ của ta buộc phải nâng cao ý thức địch tình, vận dụng linh hoạt các tư thế vận động trên chiến trường, như lăn phải, lăn trái, vọt tiến hay lùi lại phía sau để tránh bị đèn pha làm lộ diện và tránh bị “hỏa lực” của địch bắn trúng.

Cụm đèn pha và ống “bắn” tia laser của thiết bị huấn luyện đa năng.

Ngoài ra, thiết bị huấn luyện đa năng còn có 2 cột cờ có thể rút lên xuống hoặc tháo rời, để cắm cờ Tổ quốc và cờ Đoàn, đảm bảo đúng quy định về hoạt động cổ vũ thao trường trong quá trình huấn luyện dã ngoại.

Tác dụng thứ năm phải kể đến của thiết bị huấn luyện đa năng là khả năng kết nối với micro, phục vụ giáo viên huấn luyện chiến thuật truyền đạt bài giảng. Điều này vừa giúp cán bộ giữ được âm giọng trong thời gian huấn luyện dài, đồng thời giúp chiến sĩ dễ tiếp thu bài giảng.

Thông thường, khi ra thao trường huấn luyện, các đơn vị phải phân công chiến sĩ mang theo hộp sách báo thao trường. Nhưng khi sử dụng thiết bị huấn luyện đa năng nói trên, các đơn vị không phải mang theo hộp sách báo, bởi nó đã được “tích hợp” vào thiết bị này.

Ngăn đựng sách báo thao trường được “tích hợp” vào thiết bị huấn luyện đa năng.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng giới thiệu tính năng thứ bảy của thiết bị huấn luyện đa năng: Có thể kết nối USB vào thiết bị này để phát các bài hát quy định trong Quân đội; hay có thể kết nối thiết bị với điện thoại thông minh, phục vụ cán bộ, chiến sĩ cùng nhau ca hát trong thời gian giải lao, giúp bộ đội thoải mái tư tưởng, hăng hái bước vào giờ huấn luyện tiếp theo.

Được biết, linh kiện, vật tư dùng để chế tạo thiết bị huấn luyện đa năng vừa dễ kiếm, vừa có giá thành hợp lý. Thiết bị này đã giành giải A trong cuộc thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ của Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang năm 2018. Theo chủ nhân của sáng kiến, nếu được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng thu nhỏ và phát triển thêm một số tính năng khác, thiết bị huấn luyện đa năng sẽ phục vụ hiệu quả hơn nữa công tác huấn luyện bộ đội.

Bài, ảnh: HOÀNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thiet-bi-huan-luyen-da-nang-cho-bo-binh-552231