Thiết bị dạy học mới đáp ứng yêu cầu của chương trình môn học

Để chỉnh sửa, bổ sung, thay thế những quy định hiện hành, phù hợp với yêu cầu của chương trình GDPT mới; đồng thời phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình GDPT, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ban hành 2 thông tư quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6.
Theo đó, danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 bao gồm các môn: Đạo đức, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), môn Tiếng Việt, môn Toán, môn Tự nhiên và Xã hội và thiết bị dùng chung.

Căn cứ vào Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 ban hành kèm Thông tư, các cơ sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc mua sắm, bảo quản và sử dụng thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục tiểu học bắt đầu từ năm học 2021-2022.

Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 được ban hành của các môn học: Môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm và thiết bị dùng chung.

Căn cứ vào danh mục thiết bị tối thiểu lớp 6 được ban hành, các Sở GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo việc mua sắm, bảo quản và sử dụng thiết bị phục vụ dạy học tại các cơ sở giáo dục cấp THCS bắt đầu từ năm học 2021-2020.

Thiết bị dạy học mới được thiết kế phù hợp với chương trình GDPT mới đặc biệt cần đến phòng học bộ môn, tuy nhiên, phòng học bộ môn hiện đạt tỉ lệ rất thấp, nhất là ở bậc tiểu học (quy định tối thiểu 5 phòng). Cấp THCS có 47.383 phòng, đạt tỉ lệ 4,33 phòng/trường (quy định tối thiểu 8 phòng). Cấp THPT có 13.019 phòng, đạt tỷ lệ 5,56 phòng/trường (quy định tối thiểu 9 phòng).

Đáng chú ý, số lượng thiết bị dạy học tối thiểu đang đáp ứng được khoảng 56,5% yêu cầu. Đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 5/4/2020 ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, tính đến 15/9/2020, kết quả báo cáo của 30/63 tỉnh, thành phố cho thấy, số lượng bộ thiết bị đã được mua đáp ứng được 72% so với nhu cầu.

Trên cơ sở thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và yêu cầu của chương trình GDPT mới, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về thiết bị dạy học, danh mục thiết bị tối thiểu từng cấp học, về cơ sở vật chất; cùng nhiều văn bản chỉ đạo khác.

Danh mục thiết bị dạy học còn là căn cứ để các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và cung ứng thiết bị dạy học cho các cơ sở GDPT. Đồng thời, giúp các địa phương, các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục có căn cứ chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, rà soát thực trạng thiết bị dạy học, xây dựng kế hoạch, đầu tư mua sắm, quản lý và khai thác sử dụng thiết bị dạy học, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí.

Theo Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất Phạm Hùng Anh, các doanh nghiệp phải sản xuất thiết bị dạy học với công nghệ tốt nhất, để thiết bị dạy học được sử dụng hiệu quả, lâu dài; đồng thời ông Hùng Anh mong muốn ngành giáo dục địa phương chủ động tham mưu, đề xuất để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thiết bị dạy học, đảm bảo thực hiện chương trình GDPT mới.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/thiet-bi-day-hoc-moi-dap-ung-yeu-cau-cua-chuong-trinh-mon-hoc/413680.vgp