Thiết bị dạy học Chương trình giáo dục phổ thông mới: Lo ngại lãng phí

Bộ GD&ĐT vừa ban hành danh mục thiết bị tối thiểu lớp 1 phục vụ việc dạy và học bắt đầu từ năm học 2020 - 2021. Liệu thiết bị dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông mới có lặp lại tình trạng tiền tỷ bay theo gió như với chương trình hiện hành?

Thiết bị dạy học tối thiểu không thể thiếu trong dạy và học Ảnh: Nguyễn Đại

Thiết bị dạy học tối thiểu không thể thiếu trong dạy và học Ảnh: Nguyễn Đại

Khác với chương trình hiện hành chỉ có 1 bộ SGK, chương trình mới sắp tới có nhiều bộ SGK. Cô giáo T.T.H ở Đà Nẵng cho biết, tính chi phí thiết bị tối thiểu đối với lớp 1 sắp tới khoảng 120 triệu đồng/1 lớp với 35-40 học sinh.

Cô T.T. H đặt câu hỏi hiện vẫn chưa biết các trường sẽ chọn SGK nào, đồ dùng dạy học mua sắm trước có phù hợp để giảng dạy không, nhiều bộ SGK nhưng chỉ 1 bộ đồ dùng giống nhau trên toàn quốc có hợp lý không.

“Cô T.T.H nêu thực tế, khi dạy tiếng Anh theo giáo trình First Friend có bộ tranh của sách đi kèm, còn bộ tranh của giáo trình Let’s Go thì lại không thể dùng cho dù cùng 1 cấp độ hoặc khi chương trình yêu cầu dạy về cảnh đẹp quê em nhưng mỗi SGK lại sử dụng một hình ảnh cảnh đẹp khác nhau, tranh được cấp sẵn, có dùng được không.

Lo ngại lãng phí, không sử dụng hết công năng của các bộ thiết bị, cô giáo này chia sẻ: “Chương trình hiện hành chỉ có 1 bộ SGK mà thiết bị còn đắp chiếu. Giờ nhiều bộ SGK thì không biết thế nào. Nên chăng để sau khi các trường chọn SGK xong mới mua đồ dùng dạy học của sách đó, sẽ phù hợp hơn. Thậm chí những đồ dùng, để cho học sinh, giáo viên, phụ huynh tự làm”.

Sẽ thay đổi cách sử dụng thiết bị

Trước những băn khoăn của giáo viên, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, danh mục thiết bị tối thiểu đối với chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng trên cơ sở chương trình môn học.

Ví dụ dạy Tiếng Việt 1 có nhiều phương pháp cho học sinh tiếp cận trong đó có thẻ chữ. Học sinh có thể lấy thẻ chữ vừa chơi vừa ghép vần, dùng chung cho tất cả các loại sách. Với chương trình hiện hành, thiết bị căn cứ trên SGK vì SGK chỉ có 1 bộ, còn chương trình mới, nhiều SGK nên thiết bị phải theo chương trình môn học, không phải làm theo SGK.

Đề cập đến việc lãng phí, không sử dụng hết công năng của các thiết bị giáo dục đối với chương trình hiện hành, ông Phạm Hùng Anh thừa nhận, trước đây Bộ chỉ quy định mục đích sử dụng của sản phẩm thiết bị không quy định chất lượng nên với những thẻ số, thẻ chữ ở tiểu học nhiều công ty in lên bìa, học sinh học một hai buổi là hỏng.

Trong khi đó, kinh phí do nhà nước chi, năm nào cũng phải bỏ tiền ra mua nên có hiện tượng lãng phí. Lần này, Bộ yêu cầu cụ thể vật liệu bằng gỗ hoặc nhựa an toàn cho học sinh và thời gian sử dụng lâu hơn.

Về quy trình sử dụng thiết bị, ông Phạm Hùng Anh cho hay, chương trình hiện hành, thiết bị thiết kế theo SGK, SGK lại thiết kế theo từng tiết học. Tuy nhiên trong 45 phút/tiết học, giáo viên vừa dạy lý thuyết vừa sử dụng thiết bị thì không bao giờ đủ thời gian. Vì vậy, đưa thiết bị vào sử dụng rất hạn chế. Chương trình mới được thiết kế bằng tổng số tiết cho mỗi môn học, không quy định mỗi tiết phải dạy nội dung gì mà thiết kế theo chủ đề dạy học.

Vì dựa vào chủ đề để viết SGK nên mỗi tác giả có thể đưa ra số tiết dạy khác nhau. Với những môn có thiết bị kết thúc một chủ đề sẽ có một bài tổng hợp sử dụng thiết bị thực hành nên thiết bị này không sử dụng trong tiết học lý thuyết nữa.

Khi thực hành phải có phòng học bộ môn, như vậy giáo viên mới có đủ thời gian để hướng dẫn học. Chương trình mới, Bộ vẫn khuyến khích giáo viên, học sinh tự làm đồ dùng dạy học, nhất là giáo viên mầm non, lớp 1, lớp 2. Do vậy ông Hùng Anh cho rằng, các Sở GD&ĐT sẽ không mua đủ 100% số lượng thiết bị tối thiểu theo yêu cầu.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/thiet-bi-day-hoc-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-lang-phi-tien-ty-1482080.tpo