Thiết bị đặc biệt giúp trẻ bị down hoàn thiện kỹ năng sống

Gắn bó với nghề giáo viên đã hơn chục năm qua, cô giáo Dương Thị Thu Hà (giáo viên trường THPT Lê Lợi- TP Hà Nội) được biết đến là người luôn có sự sáng tạo đột phá trong giảng dạy áp dụng những kiến thức vào thực tế, giúp tạo cảm hứng cho học sinh.

Cô được biết đến là người sáng tạo trong việc hướng dẫn học sinh trồng hoa gắn với hoạt động kinh doanh và từ thiện trong dự án: “Học sinh Thủ đô trồng hoa tulip gắn với hoạt động từ thiện”, thay đổi cách quyên góp từ thiện truyền thống trước kia như nhịn ăn sáng hoặc góp quần áo cũ, cách làm này đã đạt hiệu quả cao giúp vừa đem lại nguồn đóng góp đáng kể, vừa giúp học sinh hiểu về giá trị của đồng tiền.

Nhưng sáng kiến được đánh giá cao nhất của cô Hà cho tới thời điểm hiện tại lại là việc cô cho ra đời thiết bị PSE hỗ trợ trẻ down học chữ cái thông qua các chủ đề kĩ năng sống. Dự án này được các thầy cô giáo và trẻ down đón nhận rất nồng nhiệt, đồng thời lọt vào top 15 dự án suất sắc nhất toàn quốc chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 và nhận được sự quan tâm từ Bộ GD&ĐT.

Thiết bị PSE tích hợp âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ biểu cảm, tương tác với trẻ dưới hình thức vận động trên viên sỏi một cách sinh động, hấp dẫn. Đây là sản phẩm của cô giáo Dương Thị Thu Hà cùng hai học trò là Bùi Khánh Vy (lớp 11 trường THPT Lê Lợi) và Bùi Minh Ngọc (lớp 11 trường THPT Lê Quý Đôn).

Cô giáo Dương Thị Thu Hà giới thiệu về thiết bị PSE tại buổi gặp mặt tác giả đoạt giải thưởng chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Cô giáo Dương Thị Thu Hà giới thiệu về thiết bị PSE tại buổi gặp mặt tác giả đoạt giải thưởng chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Một thiết bị PSE bao gồm tivi hoặc máy chiếu, tấm thảm gắn sỏi có 4 chip cảm biến kết nối với máy tính có cài đặt phần mềm PSE. Với 15 chữ cái cùng 15 chủ đề khác nhau, thiết bị này giúp trẻ mắc bệnh down học chữ cái thông qua các chủ đề của kỹ năng sống. Ví dụ, với chữ cái “C”, đầu tiên trẻ phải tìm vị trí đúng của chữ cái “C” (trên, dưới, trái, phải), sau đó học phát âm chữ cái, rồi có các từ và hình ảnh liên quan (như “cấp cứu”) để hoàn thiện kỹ năng sống.

Thiết bị cũng đưa ra cảnh báo, hướng dẫn động viên, khích lệ trẻ khi trẻ làm sai và khen ngợi, thưởng khi trẻ làm đúng. Khi mang thiết bị này đến Làng trẻ em Hòa Bình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), được các thầy cô giáo và trẻ mắc hội chứng down đón nhận nồng nhiệt. “Điều quan trọng nhất là thiết bị này đã tạo hứng thú, niềm vui cho trẻ mắc hội chứng down tham gia học tập, từ đó phần nào giúp các em hòa nhập với cuộc sống”, cô Hà chia sẻ.

Theo cô Hà, một lần nhìn thấy một em nhỏ mắc hội chứng down trước cổng trường, cô đã trăn trở làm thế nào để giúp những đứa trẻ này học đọc tốt hơn, đem lại niềm vui cho trẻ? Nghĩ là làm, cô giáo Hà cùng hai học trò là Bùi Minh Ngọc và Bùi Khánh Vy bắt tay thực hiện công trình sáng tạo thiết bị hỗ trợ học đọc cho trẻ down.

“Chúng tôi nghĩ một đứa trẻ luôn có nhu cầu học đọc để làm thay đổi suy nghĩ và tư duy. Nhưng đến thực tế, chúng tôi thấy với trẻ down cần kỹ năng sống nhiều hơn”, cô Hà chia sẻ về ý tưởng ban đầu thực hiện công trình Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống. “Thiết bị của chúng tôi giúp mang lại niềm vui cho bản thân đứa trẻ, cho phụ huynh khi nhìn thấy con em mình học được chữ cái thông qua các chủ đề kỹ năng sống”, cô nói.

Là cô giáo dạy môn sinh học, rất ít cơ hội được tiếp xúc với những đứa trẻ đặc biệt, cô Thu Hà tâm sự, để hoàn thành sản phẩm thiết bị PSE, ba cô trò phải trải qua nhiều lần sửa chữa, thử nghiệm trên 100 kỹ năng sống. Sau mỗi lần đến làng trẻ thử nghiệm, cô trò lại trăn trở tìm tòi ra những điểm mà trẻ chưa thích thú, cải tiến, tìm cách nào phù hợp hơn để làm sao khi bật thiết bị lên là trẻ thích thú và tương tác ngay.

Từ thành công của thiết bị PSE, cô Hà lại ấp ủ và nung nấu những ý tưởng hỗ trợ trẻ mắc chứng down. Đó là những cuốn sách “Cẩm nang cho bà mẹ có con mắc hội chứng down” – tập hợp những kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thử nghiệm thiết bị PSE và những chia sẻ của các cô giáo chăm sóc trẻ mắc hội chứng down. Cô mong muốn có thể phát cuốn sách này miễn phí đến các bà mẹ ở nông thôn, để giúp họ có kinh nghiệm chăm sóc trẻ mắc hội chứng down, từ đó tạo hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho những số phận không may mắn.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thiet-bi-dac-biet-giup-tre-bi-down-hoan-thien-ky-nang-song-141298.html