Thiết bị cấy ghép mắt mới cho người bị lão thị

* Đọc sách ngoài trời tốt hơn cho mắt

Bệnh lão thị (Presbyopia) xảy ra khi thủy tinh thể - cấu trúc trong suốt nằm sau giác mạc - cứng dần theo tuổi tác. Ngoài đeo kính, người bệnh có thể cấy ghép thủy tinh thể nhân tạo để phục hồi thị lực. Tin vui là các nhà khoa học châu Âu vừa phát triển thành công một thiết bị cấy ghép mới ít xâm lấn hơn và giúp người dùng loại bỏ nhu cầu đeo mắt kính vốn nhiều bất tiện.

Bệnh lão thị (Presbyopia) xảy ra khi thủy tinh thể - cấu trúc trong suốt nằm sau giác mạc - cứng dần theo tuổi tác. Ngoài đeo kính, người bệnh có thể cấy ghép thủy tinh thể nhân tạo để phục hồi thị lực. Tin vui là các nhà khoa học châu Âu vừa phát triển thành công một thiết bị cấy ghép mới ít xâm lấn hơn và giúp người dùng loại bỏ nhu cầu đeo mắt kính vốn nhiều bất tiện.

Thiết bị được chế tạo từ collagen tổng hợp - loại prôtêin phổ biến nhất trong cơ thể, nên có thể loại trừ nguy cơ thải ghép hoặc gây sẹo giác mạc, thường gặp với các thiết bị cấy ghép khác. Để cấy thiết bị vào mắt, kỹ thuật viên sẽ dùng tia laser tạo một lỗ hổng tại trung tâm giác mạc rồi đưa thiết bị vào trong. Khi các bề mặt bên trong lành lại, chúng sẽ ôm lấy thiết bị vào đúng vị trí. Toàn bộ quá trình phẫu thuật kéo dài chưa đầy một phút và có thể điều chỉnh về sau (nếu thị lực tiếp tục suy giảm).

Trong thử nghiệm tiến hành tại Đại học Linkoping (Thụy Điển), thiết bị đã cải thiện thị lực trên cả 6 bệnh nhân được cấy ghép. Những người tham gia các thử nghiệm tương tự tại Viện Mắt Gemini ở CH Séc và Áo cũng cho biết thiết bị đã giúp họ cải thiện thị lực đáng kể. Cuộc thử nghiệm quy mô lớn hơn trên 110 bệnh nhân ở miền Trung nước Áo dự kiến hoàn thành vào năm tới.

+ Cũng liên quan đến sức khỏe mắt, các nhà khoa học Mỹ phát hiện việc đọc sách ở ngoài trời tốt cho “cửa sổ tâm hồn” hơn khi đọc ở trong nhà.

Để tìm hiểu về lợi ích của việc đọc sách trong những điều kiện ánh sáng khác nhau, nhóm nghiên cứu tại Đại học Bang New York đã tiến hành đo phản ứng của các tế bào thần kinh thị giác trên mèo và người khi ở trong điều kiện ánh sáng tối hoặc sáng, dựa trên sóng não theo dõi bằng thiết bị đo điện não đồ. Kết quả cho thấy độ nhạy tương phản thị giác tăng lên khi ở ngoài trời, chứng tỏ việc đọc sách dưới ánh sáng tự nhiên sẽ kích thích vùng não phụ trách thị giác hoạt động hiệu quả hơn.

Theo nhóm chuyên gia, điều kiện ánh sáng ngoài trời giúp chúng ta nhìn thấy chữ trên trang sách rõ ràng hơn, do đó khuyến khích mọi người đọc sách ngoài trời nhiều hơn, góp phần bảo vệ đôi mắt tốt hơn.

HƯƠNG THẢO (Theo Daily Mail)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/thiet-bi-cay-ghep-mat-moi-cho-nguoi-bi-lao-thi-a130126.html