Thiết bị cảnh báo thiên tai giá 1 triệu: Băn khoăn...

Để giảm thiểu thiên tai, phòng tránh (chứ không chống được) thiên tai, mà cụ thể là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất,… cần phải làm nhiều thứ.

Không thể cảnh báo sạt lở, lũ quét

Thông tin mới đây cho biết, người Việt đã tự chế tạo được thiết bị cảnh báo thiên tai giá một triệu đồng. Thiết bị được thiết gồm 4 bộ phận chính: Dây nối cảm biến; cầu đo mưa; còi báo động; bộ xử lý.

Thiết bị cảnh báo thiên tai do người Việt chế tạo. Ảnh: VnE

Bằng cách đo lượng mưa, thiết bị sẽ phát ra cảnh báo nguy hiểm cho người dân khi lượng mưa vượt ngưỡng, nguy cơ gây ra sạt lở, lũ quét.

Trao đổi với Đất Việt, GS. Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, rất ngưỡng mộ những sáng kiến trên, nhất là trong bối cảnh các hiểm họa thiên tai luôn rình rập trên đất nước ta, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, nơi núi non hiểm trở, thường xuyên xảy ra những trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng.

Tuy nhiên, vị GS cũng đặt ra không ít những băn khoăn.

Vị GS cho biết, thiết bị đo mưa nếu theo đúng chuẩn thì miệng thùng đo, kích thước và những chỉ tiêu kỹ thuật khác phải đảm bảo quy chuẩn quốc tế.

"Tôi không rõ cái thiết bị này đạt đến chuẩn nào nên không thể nói là nó tốt đến đâu và kèm theo đó là giá thành đắt hay rẻ. Vì chưa biết đặc điểm, tính năng kỹ thuật nên không thể nói nó có nổi trội không. Tuy nhiên, hạn chế thì có thể nhận thấy ngay:

Mưa là một đại lượng rất bất liên tục theo thời gian (lúc mưa, lúc không, lúc mưa to, lúc mưa nhỏ) và không gian (cùng một thời điểm hai nơi gần nhau nhưng nơi này có mưa còn nơi kia không mưa). Do đó rất cần một mạng lưới trạm quan trắc dày đặc. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các trạm này đặt ở đâu để có được nguồn điện 220V?

Liệu có thể đặt ở những nơi vùng sâu, vùng xa không có dân ở? Hay chỉ đặt ở những nơi gần nhà dân? Nếu vậy thì ích gì khi dân cũng thấy được mưa lớn đến mức độ nào?", GS Phan Văn Tân băn khoăn.

Vị GS phân tích tiếp, lũ, lụt là do sự tích nước thành dòng chảy trên cả một lưu vực sông, chí ít cũng là những nơi trọng yếu. Liệu từ những con số đo mưa đó thiết bị có tính ra được mực nước sông hay không?

"Cần nhớ rằng lượng mưa mới chỉ là một tham số đầu vào của bài toán dự báo lũ. Đấy là chưa nói đến cường suất mưa (tổng lượng mưa tích lũy trong khoảng thời gian của một trận mưa). Cường suất mưa càng lớn càng có nguy cơ lũ. Nếu tổng lượng mưa lớn nhưng trải ra trên một khoảng thời gian đủ dài, hoặc cường suất mưa lớn nhưng thời gian kéo dài của trận mưa/đợt mưa ngắn thì cũng chưa chắc sinh lũ", GS Tân nói.

Đề cập tới cảnh báo nguy cơ sạt lở, GS Phan Văn Tân cho rằng, ngoài mối liên quan đến nguyên nhân mưa còn được quyết định bởi nền địa chất nữa.

Lũ quét xuất hiện do sự “nổ” quả “bom nước” nghẽn dòng làm nước mưa tích lại một cách không mong muốn ở phía thượng nguồn của các dòng suối. Các dòng suối này có thể chỉ là những suối cạn, thậm chí không có nước vào mùa khô.

Khi bị đất đá, cây cối, vật cản... chặn ngang dòng, những “con đập” vắt ngang các con suối này có thể được hình thành mà thường ngày không ai để ý.

Nhưng nếu có mưa, nhất là mưa lớn, mưa kéo dài nhiều ngày, nước ở phía trên bị tích lại, chẳng khác gì một “hồ thủy điện”. Nếu lượng nước tích lại lớn đến mức các đập này không chịu nổi tải, nó sẽ vỡ và lũ quét hình thành.

Ngoài ra, lũ quét còn liên quan tới việc mất lớp phủ rừng đầu nguồn... Vì thế, rất khó để có thể dự báo được lũ quét. Sạt lở đất lại liên quan đến nền địa chất và lớp phủ thực vật.

"Nếu có đóng góp cho việc nâng cao chất lượng dự báo thì toàn bộ số liệu phải được sử dụng và số liệu phải đạt chuẩn như đã nói trên đây. Bài toán dự báo là nói về cái sẽ xảy ra trong tương lai. Việc đo mưa chỉ là xác định cái đã và đang xảy ra. Nó có thể có ích cho một số bài toán dự báo nhưng không thể thay thế thông tin dự báo.

Xin nhớ rằng, hôm nay mưa, thậm chí mưa to, nhưng ngày mai chưa chắc đã mưa. Do đó việc đo được lượng mưa lớn của hôm nay chưa chắc có thể dùng để cảnh báo hiện tượng sẽ xảy ra vào ngày mai", GS Phan Văn Tân nói rõ.

Dân leo nóc nhà, thủy điện xả lũ vẫn đúng quy trình

Hữu ích nếu...

Vị GS khẳng định thêm, thiết bị cảnh báo thiên tai, cụ thể là lũ lụt, sạt lở đất, khác với thiết bị đo mưa. Do đó, dù không thể thay thế hệ thống thiết bị cảnh báo được nhưng GS Tân vẫn cho rằng, nếu có được một mạng lưới quan trắc mưa dày đặc bằng thiết bị nói trên cũng sẽ rất hữu ích.

"Để giảm thiểu thiên tai, phòng tránh (chứ không chống được) thiên tai, mà cụ thể là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất,… cần phải làm nhiều thứ, nhưng ở góc độ nhà nước thì:

Thứ nhất, đầu tư nâng cao chất lượng và mức độ chi tiết các bản tin dư báo: Chi tiết cả về không gian và thời gian, chính xác hơn và định lượng hóa, giảm bớt những bản tin dự báo khống.

Thứ hai, nếu có thể thì cần lắp đặt hệ thống giám sát, cảnh báo sớm: Ví dụ tại những nơi xung yếu, có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ lụt,…", vị GS nói.

Lam Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/thiet-bi-canh-bao-thien-tai-gia-1-trieu-ban-khoan-3363058/