Thiêng liêng những đền thờ Bác

Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam'… Lời một ca khúc ấy luôn đúng với mỗi người dân Việt. Có lẽ bởi thế, khi Bác về với 'thế giới người hiền'...

“Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam”… Lời một ca khúc ấy luôn đúng với mỗi người dân Việt. Có lẽ bởi thế, khi Bác về với “thế giới người hiền”, nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, những đền thờ Bác được người dân vì nhớ thương, tôn kính vị Cha già dân tộc mà lập nên! Ngoài đền thờ Bác trên đỉnh Vua - núi Ba Vì (Hà Nội), khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 15 ngôi đền thờ Bác Hồ được người dân xây dựng ngay khi nghe tin Bác từ trần.

Mỗi ngôi đền thờ Bác là một huyền thoại diệu kỳ, một câu chuyện cảm động về lòng kính yêu Bác vô vàn…

Đền thờ Bác trên đỉnh Ba Vì (Hà Nội).

Đền thờ Bác trên đỉnh Ba Vì (Hà Nội).

Đền thờ Bác Hồ tại đỉnh Vua ở độ cao 1.296m

Đền thờ Bác Hồ được khởi công ngày 1/3/1999, hoàn thành ngày 31/8/1999. Đền có diện tích khoảng 150m2, đặt tại đỉnh núi Vua thuộc dãy núi Ba Vì (huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

Ở độ cao 1.296m so với mặt nước biển, đền thờ Bác Hồ được thiết kế theo phong cách cổ, hai tầng tám mái đao cong, nhìn về hướng nam, kết cấu bê tông giả gỗ.

Xung quanh đền thiết kế dãy ghế dài để mọi người đến thăm được ngồi quây quần. Tượng Bác được đúc bằng đồng, thờ chính giữa đền… Từ năm 1999 tới nay, đền đã tiếp đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước tới dâng hương và tham quan. Vào ngày giỗ và ngày sinh của Bác Hồ, du khách lại càng đông, nhiều khi tắc nghẽn cả đường.

Đều đặn, cứ sáng mùng Một, ngày Rằm hằng tháng hoặc những dịp lễ, Tết, trên “nóc nhà” của Thủ đô, nơi chỉ có mây trời giao hòa với rừng xanh thẳm, trong ngào ngạt hương thơm và tiếng chuông ngân vang, những chiến sĩ kiểm lâm mang trang phục chỉnh tề, trang nghiêm làm lễ tại Đền thờ Bác.

Theo nghi thức Nhà nước, ngày 2/9 Dương lịch hàng năm là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Nhưng nếu theo phong tục dân tộc ta, ngày 21/7 Âm lịch mới là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh bước sang “thế giới người hiền”. Vì thế, nhiều người vẫn thắp nén hương nhớ Bác vào cả ngày Âm lịch nói trên.

Một trong những nơi lâu nay người dân xem như chốn hương khói linh thiêng, ấy chính là nơi Bác trút hơi thở cuối cùng tại Nhà 67 trong Phủ Chủ tịch và một điểm nữa là Đền thờ Bác Hồ đặt trên bình độ 1.100 + 196 m của ngọn núi Ba Vì thuộc Hà Nội. Nơi đây gắn bó với biết bao truyền thuyết huyền bí về Thần Tản Viên (Sơn Tinh), một trong bốn vị Thánh bất tử của người Việt (Tản Viên Sơn Thánh).

Sau khi Bác mất, những người trong dòng tộc quê Bác có trăn trở một điều từ suốt ba chục năm trước đó.

Đó là việc an nghỉ của Bác không theo đúng phong tục tập quán phương Đông. Tuy nhiên, không ai dám bày tỏ tâm tư này với Trung ương để sao cho hài hòa, khi đã xác định nơi đặt thi hài Người vĩnh viễn là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như bây giờ.

Vì lẽ đó, những người trong dòng tộc của Người cùng những “tình nguyện viên” đã chính thức tập hợp nhau lại thành một nhóm để thực hiện di nguyện của Bác. Ban đầu họ đi khảo sát một số địa phương có núi cao, phong cảnh đẹp từ Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho tới Ba Vì (Hà Tây cũ) và sau cùng thì thấy không đâu hơn được nơi huyền ảo và kỳ vĩ như đỉnh Ba Vì này.

Ý tưởng của hậu duệ dòng tộc Nguyễn Sinh là tìm một ngọn núi gần Hà Nội có cảnh đẹp để làm một ngôi đền nhỏ thờ Bác.

Nhưng ngay lúc đầu, vị này đã nhấn mạnh việc đại sự sẽ làm theo hướng vận động anh em, bạn bè đóng góp, trong đó có cả cá nhân ông. Ông bảo cả nhóm: Dứt khoát chúng ta không xin tiền của ngân sách nhà nước.

Trong quá trình xây dựng, từ lúc mới còn là ý tưởng cho đến khi hoàn thành, nhiều lúc cũng gặp khó khăn, song tất cả đều đã vượt qua, đúng như tâm nguyện của mọi người là thực hiện bằng được di nguyện của Bác muốn có ngôi nhà nhỏ trên núi, nơi đặt bình tro của Người để mọi người lên với Bác có chỗ nghỉ ngơi...

Nay, dù không có bình tro, nhưng lại có tượng Bác. Một cán bộ quản lý Đền cho biết, mẫu tượng này có xuất xứ nguyên gốc từ tấm hình Bác ngồi ghế đọc Báo Đảng, do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp tìm chọn giúp rồi nhờ một nhà điêu khắc của quân đội tham gia phác thảo, giữ lấy thần thái của bức hình và chuyển sang mẫu tượng thờ. Cũng không có các cụ phụ lão trông coi mà thay bằng những cán bộ, nhân viên Kiểm lâm đầy trách nhiệm và nhiệt huyết...

Theo ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2/9/1989, ngày mà Bộ Chính trị công bố lại ngày mất chính thức của Bác, ông đã đón Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Phạm Văn Đồng, nguyên Thủ tướng Chính phủ đến thăm lại Nhà 67, nơi Bác nhắm mắt để thắp nén hương tưởng nhớ Bác vào đúng 9 giờ 47 phút -giờ Bác đi xa.

Hai ông đã cho ý kiến là sau này, nên tìm một nơi khác trang trọng để thờ cúng Người. Ở thời điểm khác, khi cuối đời, ông Phạm Văn Đồng hơn một lần nhắc các cán bộ lãnh đạo Khu di tích, cần làm giỗ Bác cả ngày Âm lịch đúng như phong tục của dân tộc Việt Nam ta, đó là ngày 21 tháng Bảy hàng năm.

Ông Trần Viết Hoàn cho hay, theo phong tục cúng giỗ tổ tiên của người Việt Nam, từ 1994, hàng năm cứ đến ngày 21/7 Âm lịch (2/9/1969 nhằm 21/7 Âm lịch), chúng tôi sắp mâm cơm giỗ Bác. Tại Đền thờ Bác ở Ba Vì, các cán bộ Kiểm lâm của Khu rừng Quốc gia Ba Vì vào ngày đó cũng đều làm mâm cơm giỗ Bác.

Những ngôi đền ở miền Nam ngay sau khi Bác từ trần

Toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 15 ngôi đền thờ Bác Hồ được người dân xây dựng ngay khi nghe tin Bác từ trần. Trong tình cảm sâu thẳm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền thờ Bác là biểu trưng về lòng kính yêu vị lãnh tụ của đồng bào Nam bộ.

Mỗi ngôi đền thờ Bác dựng trên đất sông nước miền Tây là một huyền thoại diệu kỳ, một câu chuyện cảm động về lòng kính yêu Bác Hồ. Ở khu vực ĐBSCL hiện có 7 trong số 13 tỉnh, thành phố xây dựng 30 đền thờ, phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những đền thờ Bác tiêu biểu: Đền thờ Bác ở xã Long Đức (TP Trà Vinh); Lương Tâm (huyện Long Mỹ, Hậu Giang), An Thạnh Nhất (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng), Trí Lực (huyện Thới Bình, Cà Mau)…

Cà Mau mảnh đất cực Nam Tổ quốc có nhiều đền thờ Bác nhất cả nước (15 đền thờ, phủ thờ). Sau khi Bác mất (1969), xuất phát từ tình cảm thiêng liêng của nhân dân Thới Bình đối với Bác Hồ, Huyện ủy Thới Bình (Cà Mau) xây dựng phủ thờ Bác tại xã Trí Lực. Những năm chống Mỹ nhiều lần giặc tìm cách phá, dân trong vùng ra sức bảo vệ, hàng chục người đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh với giặc để giữ đền thiêng.

Còn phủ thờ Bác hiện nay được xây dựng trên khuôn viên nền phủ thờ Bác trước đây với 3 căn, 1 chái theo kiểu hình chóp, xây dựng trên diện tích hơn 4.000m2, với mặt bằng có nhiều hố bom sâu của địch trút xuống, với các hạng mục công trình: Phủ thờ Bác khung sườn nhà chủ yếu là cây tràm, cây mắm và mái lợp tôn thiếc đơn sơ mà trang nghiêm, tôn kính.

Đền thờ Bác ở xã Long Đức (TP Trà Vinh) cách trung tâm TP Trà Vinh khoảng 5km về phía bắc được khởi công xây dựng cuối tháng 3/1970 dưới tầm đạn pháo của địch. Vì thế, công việc phải làm vào ban đêm, bất chấp bom đạn, sự đánh phá ngăn cản của địch, du kích cùng nhân dân địa phương chia ra làm nhiều tổ, vừa bảo đảm vận chuyển nguyên vật liệu vào khu vực xây đền, qua mắt các căn cứ quân sự của Mỹ-ngụy, vừa phải trực chiến chống càn, bảo vệ nhân dân và khu vực xây dựng đền.

Vào đúng ngày 30 Tết Nguyên đán năm 1971, trong niềm vui của nhân dân, ngôi đền rộng 16m2 được làm bằng các vật liệu thiên nhiên, thiết kế kiểu hình khối vuông, nóc bánh ú, mái lợp lá, khung sườn bằng loại gỗ tạp, vách tôn, nền tráng xi-măng, phía trước đền khoảng 10m có một đài liệt sĩ bằng tôn, hình tháp. Gần 5 năm bảo vệ ngôi đền, nhiều chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh anh dũng, nhưng khu vực đền vẫn được giữ vững và nhanh chóng xây dựng lại sau mỗi lần bị địch phá hủy, đốt cháy.

Còn các chiến sĩ ta, trước mỗi trận đánh đều đến đền dâng hương, hạ quyết tâm xung trận “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trước bàn thờ Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc.

Đã 50 năm trôi qua, những đền thờ, phủ thờ Bác Hồ trên cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nam bộ, vẫn vững vàng, uy nghiêm tỏa ngát hương thơm và đón nhận đông đảo người dân đến dâng hương, tham quan. Mỗi đền thờ Bác, không chỉ là câu chuyện kể về tấm lòng thành kính của người dân Nam bộ đối với Bác, mà còn là chứng nhân lịch sử, ghi đậm truyền thống đấu tranh kiên cường của Đảng bộ và nhân dân địa phương trong cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại của dân tộc.

Trong đó, có nhiệm vụ thiêng liêng là gìn giữ, bảo vệ Đền thờ Bác Hồ. Những đền thờ ấy, ngày ngày vẫn nghi ngút hương thơm, bởi nơi đây đã trở thành biểu tượng bất diệt, là “Công trình của trái tim”, là “Pháo đài của niềm tin”, là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo của người dân Nam bộ ở vùng sông nước ĐBSCL…

Trong Di chúc Bác để lại, biết bao nhiêu điều tâm huyết Bác dặn lại Đảng ta, nhân dân ta, các tầng lớp đồng bào trong cả nước không sót một ai, không thiếu điều gì chỉ với một ước vọng sao cho nhân dân ta, đồng bào ta thật sự ấm no, tự do, hạnh phúc, nước nhà độc lập, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới và “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”…

Và có lẽ không đâu như ở Việt Nam, Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc dù đã đi xa, nhưng trong sâu thẳm mỗi người dân Việt Nam, đều có một “đền thờ” Bác rất đỗi thiêng liêng và tự hào…

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thieng-lieng-nhung-den-tho-bac-d124682.html