Thiên Vương tự

Chiều xuân. Nắng ấm. Đồng đang vào vụ cấy. Đường vệ nông xưa giờ đã được bê tông hóa. Đang dịch COVID, nhiều người đi bộ thể dục buổi chiều, đeo khẩu trang, chào nhau bằng những cái gật đầu. Tôi đưa Tuệ Thông, bạn thân từ những năm học ở Hà Nội, thăm khu đất xưa Thiên Vương tự tọa lạc. Qua khu đồng Bổ Ổ, Đồng Thẹo để đến khu đất trước là nhà chú Thái. Nhà chú đã chuyển vào làng từ lâu. Chú đã là người thiên cổ.

Nhớ lần đầu tiên chú Thái dẫn tôi sang thăm chùa Thiên Vương. Chùa tọa lạc trên một gò đất cao, giữa đồng, phía Tây - Bắc làng. Chái đằng Tây chùa có cây rưới vừa to vừa cao. Mùa rưới chín, chim sáo, chim cà cưởng về ăn trái hót rộn một bên chùa. Chú Thái bảo: “Đây là chùa Thiên Vương. Không biết chùa được xây năm mô. Chỉ nghe người ta kể, ngày xửa ngày xưa, quân ác tà quấy nhiễu dân ta, Ngài Thiên Vương tả đột hữu xung cứu phật tử, cứu bá tánh. Giặc tan, Ngài hóa về trời!... Ghi nhớ công ơn Ngài, nhà vua cho xây chùa ngay chỗ Ngài hóa để thờ tự. Nay sư tăng Trần Công Hoa, người Thái Bình, trụ trì cả chùa Nhờn (còn gọi là Thiên Nhiên tự) với chùa Thiên Vương đây”. Chú Thái vừa nói vừa dẫn tôi lại chỗ có phiến đá to ở trước sân chùa, kể tiếp: “Đây là tấm đá che huyệt đạo, người ta nói có “bùa ngãi” ở dưới. Các bậc thông thạo phong thủy biết đây là đất thiêng nên mới yểm khi làm chùa. Rồi chú đọc: “Thiên Vương tọa tiền/ Huyệt tạc nê điền/ Hà nhân táng đắc/ Phú quý thiên niên!”. Chú còn đưa tôi lại cái giếng ở chái đằng đông chùa, giống cái giếng đất của nhà chú nhưng xung quanh xếp những hòn đá to, nhỏ, màu đen và nhẵn như đá cuội. Đá chỉ xếp lên ngang mặt đất chứ không cao như giếng thường thấy trong làng. Nước giếng trong như mắt mèo, chỉ dùng pha với nước mài trầm hương để tắm cho phật, giặt khăn lau tượng Ngài Thiên Vương và đồ thờ trong chùa. Cúng đã có nước mưa, đựng trong cái chum sành có nắp đậy, để cạnh cái cột nanh phía đằng đông chùa. Chú lại dẫn tôi vào sát hiên chùa. Chú chắp tay thưa với sư tăng: “Nam mô a di đà phật! Thưa thầy, cho phép chú cháu tôi ăn mày cửa phật”. Sư tăng mặc quần nâu, áo dài nâu tươi màu. Da thịt hồng hào, đôi mắt đen và sáng, nhìn chú rồi chắp hai tay trước ngực: “A di đà phật!” thay cho trả lời đồng ý. Thiên Vương tự nhỏ, không có nơi trú ngụ nên sư tăng trụ trì chính ở Thiên Nhiên tự, cách một ngày mới ra đây một buổi, khi thì sáng, khi thì chiều. Thường có chú tiểu, mặc bộ quần áo màu xám, đầu trọc, vai đeo túi đãi đi theo.

Tôi bước lên gian bên hiên chùa, ngó qua song cửa sổ thấy ông Thiên Vương cao to ngồi trên ngai, chật cả một gian nhà, mắt cứ trừng trừng nhìn tôi. Tôi sợ, run bắn người lên. Không dám vào chùa nữa, tôi chạy thục mạng trở về nhà chú Thái.

Hai, ba năm sau. Được bà và mẹ giảng về sự bình an khi đi lễ chùa nên thường chiều mười tư hoặc rằm tôi theo bà ngoại ra lễ chùa. Đồ lễ là hoa quả và hương vàng, mẹ đi chợ sắm cho bà. Vào ngày lễ trọng, mẹ thường đồ xôi đóng thành oản. Ngoại có cái mủng nhỏ chỉ dành đi lễ chùa. Nhẹ nhàng và đẹp hơn mủng của mẹ đi chợ. Gọi là mủng dâu, có cái tràn đậy vừa khít.

Chùa làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói. Hai gian bên là cửa sổ có chấn song vuông. Cửa vào, ra ở gian giữa. Ngoại khép nép dắt tôi sang gian phía tay trái, gian đàng đông. Ở đây, trên tường có vẽ một người rất đẹp, nhưng khó phân biệt là đàn ông hay đàn bà. Nét mặt Ngài phúc hậu, mắt sáng, tóc dày trông giống như búi tó trên đỉnh đầu. Ngài ngồi trên tòa sen và có những ánh hào quang tỏa sáng. Ngoại nói đây là Đức Phật Thích ca Mâu ni. Là Phật tổ. Ngoại bảo tôi phải đứng lệch sang bên. Ngoại bày lễ lên ban thờ xây bằng gạch, thắp hương rồi quỳ xuống nền chùa. Tôi quỳ xuống theo ngoại, hai gối quỳ gập, hai cánh tay trải dài cho trán sát xuống nền gạch cùng hai bàn tay để ngửa. Vừa quỳ vừa khấn khẽ a di đà phật!... Lễ xong ở ban thờ Đức Phật Thích Ca, ngoại sang ban thờ ở hồi phía đông. Cũng như ban thờ Đức Phật tổ, kệ thờ xây gạch, bát hương bằng sứ, cây đèn, cây nến và ba cái đài bằng gỗ, sơn son thếp vàng rất đẹp. Trên tường có hình hai người phụ nữ đẹp đài các, một luống tuổi, một người còn trẻ. Rồi từ gian giữa, mới sang gian đằng tây. Ở đây có tượng ngài Thiên Vương. Đầu cao tận nóc. Hai chân to, bàn chân đặt lên lưng hai con rùa.

Tối hôm đó về, tôi ngồi dưới trăng và nghe ngoại kể: “Chùa làng ta thờ cả Phật và ngài Thiên Vương. Ngài là một trong Tứ Đại Thiên Vương, là "Tứ đại Kim cương”, thuộc các đại tướng của Thiên triều. Ngoài việc diệt ác bảo vệ Phật - Pháp - Tăng, các Ngài còn trông nom bốn phương cho mưa thuận gió hòa, giúp cuộc sống của phật tử, bá tánh được an lành no ấm, vì thế các Ngài còn được gọi là “Hộ thế Thiên tôn”.

Ngoại nói Ngài Thiên Vương chùa làng tôi thờ là ngài Bắc Thiên Vương. Nhiệm vụ của Ngài là bảo vệ Đức Phật Như Lai thuyết giảng và các đức phật cũng như các đấng tăng, ni, phật tử lĩnh hội lời thuyết giảng. Vì thế lúc này, thay bằng cầm dù che mưa che nắng Ngài cầm thanh bảo kiếm. Dáng vẻ của Ngài khi này còn hướng cho mọi người làm việc lành, lánh xa cái ác. Chính nhiệm vụ bảo vệ đạo trường để Đức Phật Như Lai thuyết giảng, Ngài Bắc Thiên Vương được nghe nhiều thuyết pháp nhà Phật nên còn có tên là Đa Văn thiên. Ngài đội mũ nhà võ. Tay phải cầm thanh bảo kiếm; tay trái cầm tượng bảo tháp thu nhỏ. Trên áo giáp của Ngài có hình con rồng vắt ngang từ vai phải, luồn qua hông ra sau lưng để sang hông bên trái và đầu rồng dừng lại ở trước ngực như biểu hiện sức mạnh và quyền uy. Người ta nói Ngài chỉ huy 8 tướng quân và 91 người con trai canh giữ mười phương thế giới. Tương truyền, khi hạ giới bị bọn tà ác quấy phá, Đại sư Bất Không Kim Cương niệm chú Đà-la-ni gọi các vị thiên tướng xuống giúp. Ngài Bắc Thiên Vương và Tây Thiên Vương hiện xuống đánh tan bọn tà ác, nhà vua biết ơn và từ đó cho xây tượng các Ngài Thiên Vương thờ trong chùa cùng các Đức Phật.

***

Rồi thời hoàng kim của chùa cứ vơi dần. Trẻ trâu ném nhau đá văng lên mái chùa làm ngói vỡ không ai lợp lại. Mùa mưa trong chùa ướt át. Cửa không ai đóng mở, thậm chí có người còn lấy cánh cửa chùa ra chấn bùn ở các hố lấy đất làm gạch để be bờ tát nước, bắt cá. Người đến lễ chùa ít dần. Không còn sư trụ trì ở Thiên Nhiên tự kéo theo không còn sư ra chăm nom Thiên Vương tự. Các ban thờ mốc meo, tượng ngài Thiêng Vương và các tượng Phật ám bụi. Chim sẻ làm tổ trong tai ngài Thiên Vương. Mấy anh bạo phổi trèo lên ngai, đứng lên đùi Ngài, thò tay vào lỗ tai Ngài bắt chim non. Một sự kiện náo động làng là có kẻ khoét rốn ngài Thiên Vương ra tìm quý vật tiền nhân yểm trong bụng. Người ta đoán già đoán non trong bụng Ngài Thiên Vương có vàng nên mới có kẻ liều chết làm chuyện đó. Phiến đá nơi người ta bảo là huyệt đạo trước sân chùa bị đào bới, không biết họ lấy được gì ở huyệt đạo. Một số hòn đá vuông dưới chân móng chùa cũng bị cậy ra, người ta bảo có người tìm vàng của người Tàu cất giấu. Có người còn quả quyết: Một nhóm người Tàu truy gia phả bên họ rồi sang ta, giả làm những người bán thuốc, tìm đường đến Thiên Vương tự đào lấy vàng bạc, đồ quý người ta yểm, giấu chứ dân ta không ai giám làm việc tày đình thế.

...Chẳng biết thực hư thế nào!

Tôi nói nhẹ với Tuệ Thông: Một thời ta cho chùa chiền là tàn dư của chế độ phong kiến nên nhiều nơi phá chùa, phá miếu. Làng tôi phá các đền cầu phúc, các miếu, phá Thiên Vương tự, giữ lại Thiên Nhiên tự. Các tượng phật ở Thiên Vương tự rước về thờ ở Thiên Nhiên tự. Tượng ngài Thiên Vương to và nặng không chuyển được thì hóa giải để phá. Ban đầu sợ ảnh hưởng bản thân đã xong lại còn con cái cháu chắt sau này nên ai cũng không dám làm. Chùa dỡ đi rồi còn Ngài Thiên Vương vẫn ngồi cùng nắng cháy và sương giăng. Phải đến nửa tháng sau, có một người tên là Ngạnh, ở làng bên, hơn bốn mươi tuổi không vợ con, chuyên làm nghề nhặt xương cốt cho các đám cải táng, anh ta nói: “Sợ đếch chi! Cho đây bữa rượu với thịt chó đây làm cho!”. Rồi không biết ai, trong mấy người được Ban bài phong cử phá tượng Ngài Thiên Vương, dúi tiền cho Ngạnh, Ngạnh ra quán thịt chó đánh một bữa no say rồi ra đập nát tượng Ngài Thiên Vương!

- Thế sau đó ông Ngạnh có bị sao không? Tuệ Thông hỏi.

- Tôi không được nghe kể chuyện về sau của ông ấy. Hè lớp 6 lên lớp 7, tôi xin thầy mẹ đi bưng hồ cho cụ thợ cả Đồng. Trong những ngày này tôi mới tường tận về việc đắp phục dựng lại tượng Ngài Thiên Vương. Thợ xây làng tôi vang tiếng tỉnh Thanh thời bấy giờ. Cụ Đồng là thợ xây giỏi, đắp vẽ đẹp có tiếng trong tỉnh nên được làng và bản hội giao cho việc phục dựng lại tượng Ngài Thiên Vương sang gian đàng tây, tức bên phải gian thờ Phật. Chuyện này thì làng tôi ai cũng biết.

Đó là một đêm hè. Lặng gió. Gần biển mà vẫn nực. Nhà chủ trải mấy chiếc chiếu ra sân cho thợ nằm khểnh, uống nước chè. Người mệt, lưng mỏi. Sau hai ba tuần nước các cụ đã kềnh. Kềnh mà tay vẫn không rời quạt mo vì muỗi và nóng. Tôi đánh bạo thưa với cụ cả Đồng:

- Cháu nghe làng kể ông cả là người chuyển tượng Ngài Thiên Vương từ gian giữa sang gian bên của chùa, có thật không ạ?

Cụ cả Đồng phì phạch chiếc quạt mo đuổi muỗi, thở dài, ngồi lên uống nước, rồi nói:

- Đã ba chục năm rồi. Ngày đó ta còn trai tráng, khỏe mạnh. Chuyện đắp tô lại tượng Ngài Thiên Vương, ban đầu có người nảy ra ý chuyển một gian của chùa dịch về hướng đông. Thành ra, Ngài Thiên Vương lại ngồi gian bên phải chùa, gian đàng tây. Nhưng như vậy lại đụng đến nền móng. Đó là điều tối kỵ, các vị Đại đức, Thượng Tọa và Hòa Thượng bảo không được.

- Thế là các cụ kê con lăn rồi lấy đòn bấng Ngài sang gian phải chùa?

- Đâu được! Tượng Ngài đã cao lại to. Nặng hàng tấn mà móng ngai Ngài ngồi dáng hình sư tử, chân ăn chìm xuống nền cả mét. Cứng như đá vững như đồng, có mà trời bấng! Mà làm sao qua được khoái giang mà bấng!

- Thế cụ cắt chuyển từng bộ phận thân thể Ngài?

- Đâu được! Cứ để nguyên Ngài yên vị còn ta nhìn Ngài mà làm móng, đắp thân Ngài ngồi trên ngai dáng hình sư tử. Tứ chi sư tử thành một khối nhưng phần âm đến một mét là hai chi sau. Ngài ngồi trong lòng sư tử, dựa vào đường trước sống lưng của sư tử; khó nhất là hai tay Ngài tựa vào hai chi trước con sư tử đang vờn lên, dựng đứng. Hơi giống thôi. Nhưng khi người ta nhìn vào họ hình dung được và công nhận giống!... Bắt đầu là tứ chi, bụng rồi đến ngực, vai... Đầu mặt cổ vẫn là đầu mặt cổ của Ngài ở pho tượng cũ, để không làm thay đổi thần thái và sự dũng mãnh võ tướng của Ngài.

- Thế là để phục dựng, cụ phải phân ra bốn phần: Đầu - mặt - cổ, ngực, bụng và tứ chi. Cụ chỉ đắp ngực, bụng, tứ chi. Đầu - mặt - cổ chuyển từ tượng cũ sang?

- Phải làm thế chứ. Đắp định hình kích thước thân Ngài rồi ta bồi ngực và bụng bằng vữa kích thước cũ. Chính xác đến từng ly. Xong ngực bụng mới đến đắp bồi thêm hai chi dưới. Hai con rùa Ngài để chân bên tượng cũ, ông Hồng người Phú Cả, thợ đầu cánh, đào chuyển sang, gần như y nguyên không phải phục trang mấy. Bồi đắp hai chi trên khó hơn: Tay phải cầm gươm, nách phải mở, vai phải rộng, khuỷu tai phải gấp trước ngực, ngang tầm với hình mắt rồng sẽ vẽ trên áo giáp. Bàn tay Ngài nắm gươm nhìn phải chắc. Tay trái, lòng bàn tay mở, hơi nâng lên, trong lòng bàn tay có hình bảo tháp. Riêng bồi đắp phần bụng, ngực và tứ chi hết cả tháng. Đo đến từng đốt ngón tay, đốt ngón chân..., không sai một ly với tượng cũ. Đắp thân và tứ chi xong thì tô màu áo giáp hệt tượng cũ, khi đó lại mời các vị Đại đức, Thượng Tọa và Hòa Thượng về duyệt xem còn sửa chữa gì nữa không. Các vị đồng ý rồi thì xin các vị làm lễ cho chuyển đầu của Ngài từ thân cũ sang thân mới. Như vậy tượng mới của Ngài nhìn về hồn cốt, dung nhan không khác gì tượng cũ. Việc hóa phần thân cũ của Ngài cũng phải có lễ lạt cầu xin đức Phật Tổ xong xuôi mới giao cho các ông thợ đầu cánh và đàn em làm.

- Thế trong bụng Ngài có yểm vàng bạc không ạ!

- Có một gói giấy nhỏ, gọi là bùa, chừng bằng gói thuốc lào ta hay mua ngoài hàng. Thấy sư tăng đưa ra rồi vị đại đức tự tay đặt vào phần bụng còn để mở, ở rốn. Ta chỉ lấy vữa hàn lại. Cúng bái xin thần phật đã có các thầy.

- Thế người ta nói móng chùa tọa lạc trên các linh vật và người ta yểm vàng bạc châu báu gì đó phải không? Thưa cụ!

- Đó là chuyện người ta đồn về việc làm của các ông thầy địa lý. Các ông ấy nói chùa tọa lạc trên sống lưng con voi, nhìn thẳng vào giữa hai tai voi có cái vòi ở giữa và hai ngà hai bên vòi. Các ông thầy địa lý xem phong thủy nói vậy thì ta biết vậy chứ nhìn ra được thế đất như vậy không phải ai cũng làm được!

- Chắc dưới những lớp đá đó người ta có yểm bùa và chôn vàng bạc?

Cụ Đồng lại phì phạch quạt mo đập muỗi:

- Ai biết dưới lớp đá, móng có gì. Vàng bạc ở đâu không biết chỉ thấy móng đá gắn kết trong đất thó vững như thành đồng.

Tôi lại càng tò mò. Hai ông thợ đầu cánh và anh thợ cùng phu hồ như tôi hình như cũng muốn nghe nhưng lại nể cụ cả nên gắt tôi:

- Cái thằng! Hỏi chi mà hỏi lắm rứa. Để ông cả còn nghỉ!

Cụ cả Đồng lại đập chiếc quạt mo, rồi nói với mọi người:

- Cháu nó là học trò nên nó muốn nghe, muốn biết. Thằng ni được cái ham học! Câu chuyện chỉ có thế thôi mà cu cháu!

***

Tôi và Tuệ Thông quay trở về. Nhưng Tuệ Thông vẫn cứ bần thần như đang còn vướng mắc điều gì. Tôi hỏi Tuệ Thông:

- Chắc ông hơi ngại vì thấy khu đất xây chùa đang còn mênh mông bể sở, đầy những cỏ lác, cỏ năn chứ gì?

- Không hẳn thế. Qua thông tin đại chúng tôi biết việc khôi phục và mở rộng khuôn viên Thiên Vương tự đáp lại nguyện vọng của đông đảo phật tử cũng đã được tỉnh đồng ý và đã trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Chắc vì dịch COVID nên nguồn kinh phí còn vướng mắc chăng? Cầu trời cho đại dịch nhanh qua, mọi việc được hanh thông. Và, không chỉ có tôi, ông mà phật tử thập phương nhanh được đến vãn cảnh Thiên Vương tự, được thắp nén hương bái đức Phật như là nhủ lòng mình sống theo lời đức Phật đã dạy: “Không làm các điều ác/ Nguyện làm các hạnh lành/ Giữ tâm ý trong sạch...”, như tinh thần bình đẳng nhập thế của đạo Phật.

Truyện ký của NGUYỄN HUY SÚC

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-nghe/thien-vuong-tu/19751.htm