Thiên tình sử lãng mạn của chính trị gia Myanmar Aung San Suu Kyi

Hy sinh hạnh phúc cá nhân vì sự tự do-dân chủ của dân tộc, nữ chính trị gia Myanmar Aung San Suu Kyi (Bông hồng Myanmar) đã nuốt nước mắt không về Anh nói lời vĩnh biệt với người chồng lúc lâm chung. Mối tình của 'ngọn hải đăng hy vọng Myanmar' đã tốn không biết bao bút mực của các nhà nghiên cứu lịch sử.

Tình phu thê, nghĩa nước non

Gặp nhau tại Đại học Oxford (Anh) năm 1964, tiếng sét ái tình đã đưa hai người đến với nhau. Vị sử gia Michael Aris (quốc tịch Anh), bị mê hoặc bởi cô sinh viên bé nhỏ, trầm lặng, tóc đen, luôn vận trang phục truyền thống Myanmar với bông hoa cài trên tóc-Aung San Suu Kyi. Aris thấy Suu giống như hiện thân cho tình yêu và đam mê mà mình dành cho văn hóa phương Đông.

Bà Aung San Suu Kyi

Chuyện tình của họ được kết trái bởi màn cầu hôn lãng mạn trên đỉnh núi tuyết phủ của vương quốc Bhutan. Suu nghẹn ngào nói lời đồng ý nhưng trong lòng đau đáu với giao ước: “Nếu có một ngày dân tộc Myanmar cần đến em thì xin anh hãy giúp em làm tròn nhiệm vụ”. Và Aris không hề do dự gật đầu vì ông rất thông cảm với hoàn cảnh của bà Suu.

Cha bà Suu là tướng Aung San-vị anh hùng vĩ đại đã có công lớn trong việc giải phóng Myamar khỏi ách thống trị của thực dân Anh và phát xít Nhật, đưa nước này trở thành một quốc gia độc lập. Năm 1947, tướng Aung San bị ám sát khi cô con gái út Suu mới lên 2. Lúc đó, mẹ của bà là Khin Kyi-cũng là một chính trị gia tên tuổi-quyết chí nuôi dạy 3 con, đặc biệt là Suu để bà tiếp bước những gì cha còn dang dở.

Những phút giây hạnh phúc của hai vợ chồng bà Suu Kyi

16 năm bên nhau, hạnh phúc của họ luôn trọn vẹn khi bà Suu toàn tâm làm tốt thiên chức người vợ, người mẹ. Họ có 2 con trai Alexander và Kim. Dù bận rộn chuyện gia đình, đã có trong tay tấm bằng danh giá của Đại học Oxford, bà Suu vẫn tập trung nghiên cứu để lấy bằng thạc sĩ Văn học Myanmar tại trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS) thuộc Đại học London và tham gia công tác xã hội.

Sự hy sinh cao cả

Năm 1988, bà Suu trở về nước để chăm sóc mẹ bị đột quỵ. Chào đón bà ở đó là một thành phố hỗn loạn khi quân đội đụng độ với người biểu tình. Ngày 27/12/1988, mẹ bà qua đời. Tin tức về việc con gái của Aung San vĩ đại về nước đã làm dấy lên rất nhiều hy vọng.

Đám cưới của bà Aung San Suu Kyi và ông Michael Aris năm 1972

Khi một đoàn học giả đề nghị bà Suu Kyi lên lãnh đạo phong trào dân chủ, bà đồng ý và nghĩ rằng một khi cuộc bầu cử được diễn ra, bà sẽ được tự do để quay trở lại Oxford (Anh) với chồng con. Bà trở thành người đứng đầu phong trào đối đầu với một chế độ độc tài quân sự từ đó.

Ông Aris đã đền đáp tất cả năm tháng tận tụy mà bà Suu dành cho ông trước đây bằng một lòng vị tha vô bờ bến và phát động một chiến dịch vận động để giúp bà trở thành một biểu tượng quốc tế. Tuy nhiên, ông cẩn thận giữ kín công việc của mình bởi một khi bà nổi lên như là lãnh đạo của phong trào dân chủ mới, việc bà đã kết hôn với người nước ngoài sẽ trở thành yếu điểm cho chính bà. Ở Anh, ông Aris dõi theo tin tức của vợ hằng ngày.

Năm 1989, bà Suu bị quản thúc tại gia. Từ đó, giữa Suu Kyi và Michael Aris cùng hai con trai là nghìn trùng xa cách.

Đến năm 1995, ông Michael bất ngờ nhận được cuộc gọi của bà Suu từ Đại sứ quán Anh. Một lần nữa bà lại được thả tự do. Lúc này ông Michael và các con được cấp visa để bay tới Myanmar. Cuộc gặp đó cũng là lần cuối cùng vợ chồng bà Suu nhìn thấy nhau.

3 năm sau, ông Michael được chẩn đoán bị ung thư giai đoạn cuối. Ông gọi cho bà để báo tin xấu và ngay lập tức xin visa đến Myanmar để được nói lời từ biệt bà. Hồ sơ xin visa của ông bị từ chối, ông tiếp tục xin thêm 30 lần nữa trong khi sức khỏe xuống nhanh chóng.

Cả Giáo hoàng John Paul II và Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ra tay can thiệp việc xin visa của ông nhưng thất bại. Quân đội Myanmar ra điều kiện: Bà có thể trở về Oxford để nói lời vĩnh biệt chồng nhưng điều đó đồng nghĩa với việc bà sẽ bị lưu đày vĩnh viễn khỏi đất mẹ. Suu buộc phải đứng trước sự lựa chọn sinh tử: Gia đình và tổ quốc. Còn Aris thì nhắn nhủ vợ phải theo đuổi cuộc tranh đấu đến cùng.

Để chiến đấu cho tự do và dân chủ của Myanmar, bà Suu nuốt nước mắt nói lời vĩnh biệt với người chồng đang hấp hối. Bà đã mặc một chiếc váy màu ông yêu thích, cài một bông hồng lên mái tóc, đến Đại sứ quán Anh để quay một đoạn video nói lời từ biệt chồng, nói với ông rằng chính tình yêu của ông đã là điểm tựa cho bà. Đoạn video đến được nước Anh năm 1999 nhưng ông Michael đã mất trước đó hai ngày.

Tháng 11/2015, Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử. Ngày 30/3/2016, không thể làm tổng thống do có chồng và các con mang quốc tich Anh, bà Suu Kyi đã hết lòng ủng hộ ông Htin Kyaw lên vị trí tổng thống dân cử đầu tiên của Myanmar.

Bà Suu Kyi giữ hai chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar. Ngày 2/4/2016, bà chính thức trở thành Cố vấn Nhà nước Myanmar.

Sinh năm 1945, bà Suu Kyi đã dẫn dắt phong trào dân chủ của Myanmar đi đến thắng lợi bằng các phương pháp đấu tranh phi bạo lực sau nhiều năm. Bà đã nhận được những giải thưởng cao quý nhất, bao gồm giải thưởng Sakharov, giải Nobel Hòa bình và Huân chương vàng của Quốc hội Mỹ. Bà dành số tiền 1,3 triệu USD tiền thưởng từ giải Nobel hòa bình năm 1991 để giúp cho người dân Myanmar và thành lập quỹ y tế và giáo dục mang tên “Daw Aung San Suu Kyi”.

Ngự Bình (tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/thien-tinh-su-lang-man-cua-chinh-tri-gia-myanmar-aung-san-suu-kyi-post42322.html