Thiên tính nữ trong tranh lụa Nguyễn Thu Hương

Thiên tính nữ, những câu chuyện về tâm lý, cảm xúc thông qua hình thể về phụ nữ là dấu ấn xuyên xuốt trong tranh lụa của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Hương.

 Họa sĩ Nguyễn Thu Hương

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương

Triển lãm "Hương" vừa khai mạc tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP Hồ Chí Minh) được nữ họa sĩ Nguyễn Thu Hương tổ chức nhân dịp tròn 10 năm chị chọn lụa là chất liệu chính để vẽ (từ 2012). Tròn 1 thập kỷ hoạt động hội họa chuyên nghiệp, chị vẫn sử dụng lụa dệt tay của làng Quan Phố, Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Nguyễn Thu Hương chia sẻ: "Trong thời gian là sinh viên khoa Hội họa - Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tôi có tham gia triển lãm sinh viên của trường và được một số giải thưởng của trường, của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đó là những bức tranh sơn dầu, lụa do tôi sáng tác, không phải bài tập. Có thể gọi lụa là các tác phẩm hội họa đầu tiên của tôi".

Theo nữ họa sĩ, tuy lụa quen thuộc với người Việt, nhưng vẽ lụa và sống được với lụa theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen, thì chưa bao giờ là việc dễ dàng. Những nghi ngại về độ bền, những mặc cảm về chủ đề và ngôn ngữ tạo hình (cho rằng tranh lụa gò bó, quê kiểng)… đã làm cho tranh lụa Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20 có những thất thế, lạc lõng, thậm chí bị bỏ rơi.

Bước qua thế kỷ 21, đặc biệt từ khoảng năm 2010 trở lại đây, tranh lụa Việt Nam đã có được cuộc hồi sinh khá ngoạn mục với các tác giả mới, chủ đề mới, biểu cảm, vật liệu mới… Và Nguyễn Thu Hương là một trong số những họa sĩ đã góp sức đáng kể vào cuộc hồi sinh này.

Một tác phẩm tranh lụa của Nguyễn Thu Hương

Dấu ấn khác biệt trong tranh lụa của Nguyễn Thu Hương là thiên tính nữ được thể hiện rõ nét. Chia sẻ lý do chọn thiên tính nữ, những câu chuyện về tâm lý, cảm xúc thông qua hình thể về phụ nữ xuyên suốt quá trình sáng tác của mình, nữ họa sĩ tự bạch: "Tôi quan sát hiện thực ngoài kia bằng đôi mắt mở to, vì muốn hiểu thấu bản chất sự vật hiện tượng, muốn tìm xem đâu là ranh giới đúng sai, hay dở, đẹp xấu... Nhưng, mọi hình ảnh cứ trôi qua vùn vụt không chờ đợi, tâm trí tôi chỉ kịp lưu lại một phần rất nhỏ hiện thực. Và rồi, cảm xúc chủ quan cùng với óc tưởng tượng đã biến chút nhỏ nhoi kia thành một "hiện thực" khác. Như một đoàn tàu đã đi qua, mọi hình ảnh, màu sắc, hình dáng, và âm thanh được lưu trong ký ức sẽ không còn là nó nữa... Hội họa của tôi ghi lại điều này".

Một điều đặc biệt của tranh lụa Nguyễn Thu Hương trong cả hành trình 10 năm, chính là khả năng biến hóa thành nhiều phong cách như lập thể, trừu tượng… Các chủ thể, các motif dù được lặp lại, nhưng chưa bao giờ là giống nhau, tôn vinh cái tôi và bản thể nữ.

Khi đến xem triển lãm "Hương lụa", họa sĩ Nguyễn Thanh Bình nhận định: "Trước đây, tôi không quen biết cô họa sĩ trẻ này, nhưng khi lần đầu nhìn thấy tác phẩm, tôi đã ngạc nhiên và cảm thấy thích thú. Thích thú vì kỹ thuật vẽ truyền thống chẳng những được xử lý tốt, mà còn thể hiện một cách nhìn riêng, một yếu tố quan trọng để họa sĩ tìm được chỗ đứng riêng.

Thường thường, trong các tác phẩm lụa, người ta nhìn thấy mảng, miếng và nét với chủ đề gần gũi, thật thà, nhưng lụa của Hương cho thấy một con đường khác: Chất liệu ấy hoàn toàn có thể thể hiện những phong cách hiện đại như lập thể, trừu tượng, nó có thể tạo ra những "motif" lặp đi lặp lại theo điệu thức trang trí mà vẫn biến hóa, ngẫu hứng tạo ra tác phẩm lôi cuốn.

Tranh lụa của Hương cho thấy chất liệu không "gò" cảm hứng, ngược lại, nó cho người xem thấy "chất" của nghệ sĩ. Bởi vì, lụa cũng như sơn mài, đòi hỏi sự cần mẫn, thời gian, do đó, cảm xúc phải đủ "dày" đủ "mạnh" để đi hết tiến trình sáng tạo một tác phẩm. Một nữ họa sĩ nhỏ nhắn, dịu dàng lại có đủ tố chất để tạo ra hàng loạt tác phẩm phong phú, hấp dẫn, có bề dày, chiều sâu, há chẳng đáng cho ta chiêm ngưỡng sao!".

Với tranh lụa, Nguyễn Thu Hương hướng đến tôn vinh cái tôi và bản thể nữ

Trước đó, vào năm 2019, triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Thu Hương được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với tên gọi "Lụa của Hương". Triển lãm thứ 2 có tên "Hương lụa" diễn ra vào năm 2021. Đến lần thứ 3, tên triển lãm chỉ còn một chữ "Hương". Điều này phần nào cho thấy hành trình tìm kiếm, đúng hơn, quay về bên trong, tìm về chính mình của Nguyễn Thu Hương.

Nguyễn Bình

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thien-tinh-nu-trong-tranh-lua-nguyen-thu-huong-20221018075618305.htm