'Thiên Thịnh trường ca' tập 1 - 2: Thiên Thịnh lập quốc, Ninh Dịch được ban hôn với Phượng Tri Vi

Bom tấn 'Thiên Thịnh trường ca' (天盛长歌 - Hoàng Quyền) đã lên sóng sau bao ngày chờ đợi. Phim diễn biến vô cùng nhanh, mới hai tập đầu tiên đã xảy ra rất nhiều đại sự.

Bắt đầu tập 1 Thiên Thịnh trường ca (天盛长歌 – Hoàng Quyền)là lời giới thiệu về bối cảnh lịch sử sự thành lập của vương triều Thiên Thịnh. Những năm cuối Đại Thành, Ai Đế Trưởng Tôn Minh Đức là hôn quân vô đạo, chỉ gần nịnh thần, xa lánh quân tử. Dân chúng lầm than ai oán thấu trời, các Châu phủ nổi lên khởi nghĩa khắp mọi nơi.

Mân Hải Hầu Ninh Thế Chinh vì muốn cứu bách tính khỏi cơn nước sôi lửa bỏng, dưới sự ủng hộ của Mân Hải tướng quânThường Viễn, trải qua nhiều năm chinh chiến, thành công lật đổ vương triều Đại Thành, xây dựng vương triều Thiên Thịnh. Vương triều Đại Thành diệt vong từ đó.

Thiên Thịnh khai quốc đế Ninh Thế Chinh

Thiên Thịnh khai quốc đế Ninh Thế Chinh

Để đảm bảo “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”, Thiên Thịnh đế phái hai con trai là trưởng tử Ninh Xuyên và lục hoàng tử Ninh Dịch, truy bắt hậu duệ hoàng gia của vương triều Đại Thành, bao gồm Cửu hoàng tử còn đang trong tã của Ai Đế Trưởng Tôn Minh Đức và toàn bộ Huyết Phù Đồ.

Ninh Dịch khi còn nhỏ, đây thực sự là phong thái và lời nói của một đứa trẻ sao?

Ninh Dịch tuy nhỏ tuổi nhưng khí phách hơn người, vốn đã thuyết phục được tướng quân Cố Diễn giao Cửu hoàng tử cho mình, nhưng Ninh Xuyên vốn độc ác, muốn đuổi cùng giết tận, bất chấp mạng sống của Lục đệ, sai quân lính tiến lên giết chết Cố Diễn và Cửu hoàng tử.

Cửu hoàng tử – huyết mạch hoàng tộc cuối cùng của Đại Thành – bị tung lên cao rồi rơi xuống, liệu có thể sống sót?

Hoàn cảnh cấp bách, Cố Diễn tung Cửu hoàng tử lên cao, bản thân ném ra khói độc che mắt Ninh Xuyên rồi nhảy xuống vực, không rõ sống chết.

Ninh Xuyên nhờ công truy diệt toàn bộ huyết mạch Đại Thành, được phong làm Thái tử, còn Ninh Dịch, thì lại có một số phận khác.

Mẫu phi của Ninh Dịch bị ai giết hại?

Ninh Dịch vốn có một mẫu thân rất yêu thương hắn, mẫu tử hòa thuận vui vẻ, nhưng đột nhiên vị mẫu phi này bị giết hại, lại còn là vì hắn mà chết?

18 năm sau, Ninh Dịch trưởng thành, thường xuyên mơ thấy ác mộng cảnh mẫu phi bị giết. Trong khi Ninh Xuyên được phong làm Thái tử cao cao tại thượng, thì Ninh Dịch trở thành tội nhân bị giam lỏng tại chùa Tông Chính? Đường đường là Lục hoàng tử, sao lại trở thành tù nhân?

Ninh Dịch trưởng thành trong đau khổ và ác mộng, lại còn là tội nhân.

Thiên Thịnh năm thứ 18, Yến Châu ôn dịch, gần đến Phủ Mẫn Hải Châu. Nước Mẫn hạ lệnh, phong tỏa quan ải, không ai được ra vào. Bệnh dịch theo dân lưu lạc, lan tràn đến gần Đế Kinh. Thiên Thịnh đế thấy tình hình cấp bách, trong buổi triều sớm, trước mặt triều thần và các hoàng tử, bàn bạc cách xử lý bệnh dịch.

Sau một hồi thảo luận, đại thần Diêu Anh đứng ra tâu bẩm, Sở Vương Ninh Dịch nhiều năm nghiên cứu dệt kim gấm Tây Xuyên, đã đem số gấm tích lũy nhiều năm đó ra bán lấy tiền vốn để tu bổ quanh đền chùa, đốt hương ngải thảo, lên kế hoạch thành lập bi điền lệnh phường để đẩy lùi bệch dịch.

Diêu Anh tâu lên hoàng đế công trạng của Sở Vương Ninh Dịch

Ba vị hoàng tử Ninh Xuyên, Ninh Thăng và Ninh Nghiên bàn luận chuyện Ninh Dịch từ một phế tử trở thành công thần, nhưng giọng điệu đều hết sức coi thường.

Ninh Dịch vào cung tạ ơn nhưng lại giả bệnh giả ngu, vừa nhìn đã biết “không phải dạng vừa” rồi.

Nghe công công bẩm báo về việc Ninh Dịch uống say không thể diện kiến, Thiên Thịnh đế thở dài, cảm thán mưa to gió lớn sắp đến rồi, quả là một chính trị gia lão luyện, đôi mắt tinh tường, nhìn xa trông rộng.

Bệ hạ thánh minh.

Thái tử Ninh Xuyên ra lệnh cho Triệu vương lấy tiền của Hộ bộ vốn để tu sửa cầu cống, lại đi mua lương thực và thảo dược phân phát cho người dân gặp nạn, liền lấy được lòng dân, được các đại thần khen ngợi.

Thái tử được ngợi ca là người có tấm lòng nhân hậu, là phúc phận của Thiên Thịnh, là trụ cột quốc gia.

Có thể nhẫn những gì người khác không thể nhẫn, mới có thể làm nên đại nghiệp.

Ninh Dịch nhờ quyên góp gấm lụa cứu nạn, được Hoàng đế tha tội và ban thưởng. Nhưng Lục điện hạ quả thật khác người, khi được hỏi muốn ban thưởng gì, không muốn vàng bạc hay tước vị, mà lại muốn có tên ngục tốt Hoắc Lão Tam, lý do đưa ra là người này có khả năng thêu Thục Cẩm tốt.

Yêu cầu của Sở Vương tuy hài hước nhưng không có gì khó, Hoàng đế đồng ý ngay.

Nhưng cũng nhờ vậy mà Ninh Dịch được Hoàng đế khen là có công mà không đòi thưởng, càng thêm thiện cảm, cho đến thư viện Thanh Minh học tập chuyện triều chính, lựa chọn nhân tài.

Hoàng đế cho Sở Vương tới thư viện Thanh Minh, theo các đại thần lựa chọn nhân tài cho đất nước.

Trên điện, Ninh Dịch diễn kịch khóc lóc từ chối, nói mình nửa đời sau chỉ muốn dệt gấm mưu sinh, xin Phụ hoàng thành toàn. Hoàng đế anh minh, hiểu rõ Ninh Dịch giả bộ yếu đuối, thực chất hắn nguy hiểm giống như cái đinh, nhưng ông lại không muốn gây bất lợi cho hài tử huyết thống của mình, nên đang cân nhắc xem nên “đặt đinh ở đâu” để bảo vệ Ninh Dịch chu toàn.

Cuối cùng chọn được Thu gia.

Chọn xong liền ban hôn cho Ninh Dịch và Thu Ngọc Lạc – thiên kim tiểu thư của Thu gia, kết thành gia quyến.

Sở vương điện hạ miệng thì tạ ân nhưng thực lòng không quan tâm hôn sự, chỉ thích ở tiệm vải dệt gấm thêu hoa và đo người để may y phục.

Lần đầu có một vị hoàng tử đích thân dệt vải may áo cho khách, hơn nữa còn coi như nghề chính để kiếm sống.

Thu lão gia hết mực buồn phiền vì hôn sự được ban này, lo lắng một hoàng tử không địa vị lại từng là tội nhân như Ninh Dịch không thể đảm bảo cho tiểu thư một đời an toàn, thậm chí nếu có cơ sự gì sẽ liên lụy đến Thu gia. Đồng thời nếu chấp nhận hôn sự này tức là chống đối phe Thái tử và Thường gia, công khai ủng hộ Lục hoàng tử Ninh Dịch.

Điện hạ không thích thành hôn với Thu tiểu thư, Thu gia cũng thở ngắn than dài không muốn gả.

Trong cuộc nói chuyện với Tử Nghiên ở tiệm may, Ninh Dịch và Tử Nghiên cũng đã bộc lộ rõ mục đích: muốn Ninh Dịch trở thành minh quân, không chỉ để trả thù cho Tam hoàng tử Ninh Kiều đã bị thái tử hại chết, mà còn để quét sạch bè lũ sâu mọt phe Thái tử, đem lại chính nghĩa cho người dân.

Thu gia không muốn gả con gái bảo bối, liền nghĩ ra một kế: đem đứa trẻ được Phượng phu nhân Thu Minh Anh đem về nuôi giả thành tiểu thư Thu Ngọc Lạc, gả cho Sở vương Ninh Dịch.

Và cô gái đó chính là nữ chính Phượng Tri Vi của chúng ta.

Phượng Tri Vi đúng là rất thích thú với số trang sức gấm lụa được ban cho dưới danh phận Thu tiểu thư, nhưng là do nàng đang tính toán xem chúng đáng giá bao nhiêu tiền, bán đi có đủ tiền chạy trốn không, có đủ mua một ngôi nhà cho hai mẹ con nàng sinh sống không. Phượng phu nhân rất đau đầu vì chuyện này, bà vốn không muốn gả Tri Vi đi, nhưng cũng không đồng ý chuyện nàng bỏ trốn, nên rất khó xử.

Phượng Tri Vi kết thành tỷ muội kim lan với Chu Nhân – một cô nương ở Lan Hương Viện.

Hóa ra Cố Diễn năm xưa không chết, hắn đầu hàng Thiên Thịnh, còn được phong làm Đại tướng quân.

Cuối tập 1, Cố Diễn phát hiện ra thủ kích bắn vào Kim vũ vệ là thủ kích của Huyết Phù Đồ. Có vẻ như Ninh Dịch và Tử Nghiên đang mượn thế lực tiền triều Huyết Phù Đồ để gây náo loạn, bọn họ thực sự có âm mưu gì?

Mở đầu tập 2, Yên vương thưởng tiền cho Ninh Trừng – người theo hầu Ninh Dịch từ khi còn ở chùa Tông Chính, sai hắn về nói với Ninh Dịch rằng Yên vương lâu năm không gặp Lục đệ, vô cùng nhớ mong. Liệu vị vương gia này có dụng ý gì khác?

Yên vương có mưu đồ gì khi mua chuộc người hầu của Ninh Dịch?

Trong khi Yên vương ung dung bình tĩnh, chủ trương lấy lùi làm tiến, thì Triệu vương lại đang tức sôi máu vì bị phụ hoàng mắng trên triều đình do việc mà hắn tuân lệnh Thái tử làm theo. Hắn rất khó chịu và oán trách Thái tử, bởi việc nặng nhọc thì do hắn làm, nếu làm tốt thì phong thưởng cho Thái tử hết, nếu có phạm lỗi gì sai thì hắn lại là người chịu tội chịu phạt.

Triệu vương cực kỳ bất mãn với Thái tử, xem ra phe Thái tử cũng lục đục nội bộ chứ chẳng đoàn kết gì cho cam.

Vụ việc thủ kích Huyết Phù Đồ và tin đồn Cửu hoàng tử tiền triều còn sống khiến Thái tử vô cùng lo lắng bất an và nghi ngờ Ninh Dịch là chủ mưu.

Ninh Trừng bị Yên vương gọi đến mua chuộc, nhưng dĩ nhiên mấy đồng bạc không đổi được sự trung thành. Ninh Dịch và Ninh Trừng cũng bàn mưu tính kế để đáp lại Yên vương “một phần đại lễ” cho xứng với sự “ban thưởng” của hắn.

Phượng Tri Vi ở nhà nhàn rỗi, liền nổi hứng chạy đến Lan Hương viện thăm tỷ tỷ Chu Nhân vừa kết nghĩa của nàng. Nhưng có vẻ người này không phải là kỹ nữ bình thường…

… mà là thuộc hạ của Ninh Dịch, dùng mỹ nhân kế đi thu thập thông tin từ Thu gia.

Lần đầu tiên gặp mặt của nam nữ chính là ở kỹ viện, chẳng lấy gì làm lãng mạn, mà chị lại còn hiểu nhầm anh là thợ may…

… còn anh nghĩ chị là Thu Ngọc Lạc, khen một câu “thú vị đấy”.

Phượng Tri Vi và đệ đệ Phượng Hạo hồi nhỏ bị cả Thu gia xem là “đôi nghiệp chướng”.

Phượng Tri Vi thông minh hiểu chuyện từ nhỏ, nhờ vậy giúp ba mẹ con được ở lại Thu gia. Tài diễn của nam nữ chính quả thực xứng đôi vừa lứa.

Phượng phu nhân và Tông phu tử nói chuyện đầy ẩn ý, cho rằng việc Tri Vi gả vào Sở vương phủ là một cơ hội tốt. Hai người đắn đo cân nhắc một hồi lâu, Phượng phu nhân đau lòng rơi nước mắt nhớ lại chuyện cũ. Đúng lúc đó Tri Vi bước vào, liền nói với mẹ rằng mình đồng ý gả cho Sở vương, lại an ủi mẹ rằng Sở vương là người phóng khoáng, cũng không đến nỗi ngược đãi nàng.

Tri Vi an ủi mẹ, đồng ý gả cho Sở vương.

Về phần Sở vương, do hiểu nhầm Tri Vi là Thu Ngọc Lạc – vị hôn thê của mình, liền phái người đi điều tra. Dĩ nhiên kết quả là Thu Ngọc Lạc thật và Phượng Tri Vi khác nhau một trời một vực. Tri Vi đã đồng ý gả, liền giả trang lẻn vào Sở vương phủ tìm hiểu xem Sở vương là người như thế nào. Phượng Tri Vi bị thị vệ phát hiện, nàng nhanh trí nói mình là cô nương Lan Hương viện được mời đến dự tiệc ở phủ.

Lại gặp nhau và vẫn hiểu nhầm như cũ.

Kết quả là Tri Vi bị Sở vương gian xảo đem nhốt lại trên một điếm gỗ giữa hồ để “thử thách khả năng”, nhốt luôn từ sáng đến tối.

Trời xanh nước biếc, khung cảnh bị nhốt quả là nên thơ hữu tình.

Trong tiệc tối tổ chức ở Sở vương phủ, Thái tử giả nhân giả nghĩa an ủi chuyện Ninh Dịch không thể đến thư viện Thanh Minh tiếp quản, đồng thời ngỏ ý muốn lôi kéo Ninh Dịch về phía Đông cung.

Thái tử lôi kéo Ninh Dịch về phe của mình.

Ninh Dịch đương nhiên từ chối, nói mình không thể nhận ân huệ này, lại bày tỏ cả đời chỉ muốn dệt gấm làm vui, không mong vinh hoa phú quý, không quan tâm quốc gia đại sự.

Sở vương giả say khước từ sự lôi kéo của Thái tử, bày tỏ không quan tâm tranh giành ngôi báu, không tham gia quốc sự.

Thái tử tạm thời yên tâm, nói mong Lục đệ luôn tiêu dao tự tại như vậy, từ nay không miễn cưỡng nữa. Vốn mong Sở vương về triều để phò tá mình, nhưng nếu Sở vương không quan tâm quốc gia đại sự, Thái tử nhân từ cũng không ép, sẽ làm theo tâm nguyện của Lục đệ.

Trong thành bấy giờ xuất hiện tin đồn ở Yến Châu có huyết mạch hoàng thất Đại Thành còn sống sót, khiến lòng người hoang mang, còn Thái tử bị ảnh hưởng trực tiếp. Bởi Thái tử năm xưa được phong tước Thái tử là nhờ bắn chết Cửu hoàng tử Đại Thành, nếu hiện nay Cửu hoàng tử còn sống, Thái tử ắt phạm tội khi quân.

Chuyện cô nhi của Đại Thành còn sống khiến Thái tử lo sợ.

Ở Thu phủ, Ngũ di nương lấy tính mạng Phượng Hạo ra đe dọa Phượng phu nhân và Phượng Tri Vi, bắt Tri Vi phải ngoan ngoãn, đừng ảo tưởng bay lên cành cao làm phượng hoàng.

Hậu duệ Đại Thành liệu thật sự còn sống ở Yến Châu? Ninh Dịch sẽ tiếp tục diễn kịch đối phó với ba vị huynh đệ như thế nào? Hôn sự của Ninh Dịch và Tri Vi liệu có thành được không? Ngũ di nương sẽ tiếp tục xúi giục Thu phu nhân làm khó Phượng Tri Vi liệu có ảnh hưởng xấu gì đến nàng?

Đón xem Thiên Thịnh trường ca (天盛长歌) – phát sóng vào 20h trên đài Hồ Nam, mỗi ngày 2 tập, bắt đầu công chiếu từ ngày 14.08.2018 – để biết câu trả lời.

Băng Ly

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/thien-thinh-truong-ca-tap-1-2-thien-thinh-lap-quoc-ninh-dich-duoc-ban-hon-voi-phuong-tri-vi-3467530.html