Thiên thần trong tôn giáo và văn hóa đại chúng

Hình ảnh các thiên thần (hay thiên sứ) hẳn đã trở nên quá quen thuộc và đóng vai trò quan trọng trong nhiều tôn giáo. Như Hồi giáo tin rằng thiên thần sinh ra từ ánh sáng, còn trong Thiên Chúa giáo, họ lại được tạo ra từ bàn tay của Chúa.

Hình ảnh thiên thần đang ngày càng mang tính đại chúng. Ảnh: Live Science

Khởi nguồn từ những biểu tượng tôn giáo đặc trưng, hình ảnh thiên thần đang ngày càng trở nên gần gũi với văn hóa đại chúng qua phong trào Kỷ Nguyên Mới (the New Age) do chính những người ngoại giáo khởi xướng.

Nhiều cuốn sách viết về thiên thần cùng mối liên hệ giữa con người với họ cũng rất phổ biến, chẳng hạn như “Nơi thiên thần cất bước” (Where Angels Tread) hay “Thiên thần: Họ là ai và Giúp được gì?” (Angels: Who They Are and How They Help?). Nội dung chủ yếu của những cuốn sách như vậy là nhắc đến các cuộc thảo luận về thiên thần trong kinh thánh, cùng với những câu chuyện cảm động có thật trong thời hiện đại. Ngoài ra, một số chương trình truyền hình được yêu thích như “Xa lộ thiên đường” (Highway to Heaven, 1984 – 1989) và “Chạm đến thiên thần” (Touched by an Angel, 1994 – 2003) đã góp phần làm củng cố thêm vị trí nổi bật của thiên thần trong văn hóa đại chúng Mỹ.

Đôi lúc, thiên thần cũng hay xuất hiện trong những báo cáo về trải nghiệm cận tử của các tín đồ. Trong số những người tin vào sự tồn tại của UFO, có thuyết cho rằng người ngoài hành tinh thực sự bị thiên thần bắt cóc, thay vì chính họ bắt cóc lẫn nhau. Erich von Daniken – tác giả của một số cuốn sách nổi tiếng hồi thập niên 1970 (tuy còn gây nhiều hoài nghi về mặt khoa học) lập luận, các câu chuyện trong Kinh thánh của Abraham và Joseph đã mô tả cuộc gặp của họ với người ngoài hành tinh chứ không phải thiên thần.

Thiên thần trong tôn giáo

Từ “angel” (thiên thần) có nguồn gốc từ chữ “anglos” trong tiếng Hy Lạp, và mang nghĩa là “sứ giả” trong tiếng Hebrew (Do Thái). Thiên thần thường xuất hiện trong nhiều hình dạng, có thể giống như con người hay có hào quang bao quanh. Đặc biệt, trong các thảm kịch hay thiên tai, sự hiện diện của thiên thần chủ yếu được thể hiện qua hành động cứu giúp của họ. Nếu những điều bất ngờ, tốt lành xảy ra và gần như không thể lý giải được, người ta thường gán cho đó là nhờ sự can thiệp của thiên thần.

Những thiên thần hay được công chúng biết đến nhiều nhất là của Cơ đốc giáo, bắt nguồn từ Kinh Thánh Hebrew. Giáo hội Công giáo đã dày công xây dựng nên một danh mục thiên thần phong phú, với rất nhiều chức danh, chẳng hạn như tổng thiên thần (archangels, đối với các tôn giáo bắt nguồn từ Abraham) và thiên thần tối cao (seraphim, trong Thiên chúa giáo) – theo một con số thống kê chính thức lên đến gần nửa triệu chức danh.

Trong cuốn “A Dictionary of Angels” (Từ điển thiên thần), nhà nghiên cứu Gustav Davidson đã dành gần 400 trang sách để liệt kê danh sách các thiên thần. Trong số đó, nhiều vị được tạo ra (hay được xác nhận) bởi các lãnh đạo tôn giáo, nhưng số khác lại do bàn tay thêu dệt của các học giả tôn giáo và tín đồ.

Theo Davidson, “Để sáng tạo ra một thiên thần có thứ bậc hay nằm trong một hệ thống có trật tự, đòi hỏi trí tưởng tượng, song không cần quá khéo léo. Có thể chỉ cần: 1) kết hợp lẫn lộn các ký tự trong bảng chữ cái Hebrew; 2) hoặc đặt các ký tự ở dạng đảo ngược, viết tắt hay mã hóa; 3) gán cho thiên thần một chức vụ, tài sản, chức năng, thuộc tính hay đức tính nào đó, thêm vào tên họ các hậu tố như “-el” hoặc “-irion”. Chẳng hạn như “Hod” (có nghĩa là sự huy hoàng) đã biến thành tên của thiên thần Hodiel. Theo cách như vậy, giống như người Hy Lạp cổ đại đã xây Patheon để thờ phụng các vị thần, những người đam mê thiên sứ cũng tạo ra một đền thờ riêng cho họ”

Trong Kitô giáo và Hồi giáo, thiên thần chủ yếu đóng vai trò sứ giả của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đối với thời hiện đại, chức năng của thiên thần có vẻ lại giống như người giám hộ nhiều hơn. Thật vậy, từ “thiên thần” hay được dùng để mô tả các vị anh hùng hay ân nhân. Mặc dù các thiên thần, về bản chất là để phục vụ Thiên Chúa, nhưng như vậy cũng phải trực tiếp phục vụ nhân loại. Ngoài ra, thiên thần cũng đảm trách nhiều nhiệm vụ khác, từ chữa bệnh cho con người đến tìm ra những điểm yếu để giúp họ đánh bại kẻ thù và giành chiến thắng. Nhiều người tin rằng thiên thần có khả năng hiện thân khi được triệu hồi, vì vậy mới có truyền thống sử dụng phép thuật và bùa chú để triệu hồi thiên thần.

Tổng lãnh thiên thần Michael và Satan. Ảnh: Steam Community

Thiên thần ngoài đời thực

Con người đã có những suy luận thần học trong nhiều thế kỷ để nghiên cứu về thiên thần, nhưng không ai biết chính xác sự tồn tại của họ bên ngoài những câu chuyện về truyền thuyết.

Ngay đến Plato và Aristotle cũng bị thuyết phục rằng thiên thần có tồn tại. Đến thời hiện đại, một số cuộc thăm dò ý kiến cho thấy gần 70% người Mỹ cho rằng thiên thần là có thật. Trong cuốn “Nước Mỹ huyền bí” (Paranormal America), ba nhà xã hội học Christopher Bader, F. Carson Mencken và Joseph Baker viết: “Thiên thần đã đi vào văn hóa đại chúng qua sách vở, chương trình truyền hình, phim ảnh, … và hơn một nửa dân số Mỹ (53%) tin rằng họ được thiên thần hộ mệnh bảo vệ.”

Cuộc điều tra tôn giáo Baylor được thực hiện vào năm 2007, cho thấy 57% số người Công giáo, 81% tín đồ Tin Lành da màu, 66% Tin Lành Phúc Âm, và 10% người theo Do Thái giáo cho biết họ đã từng có trải nghiệm cá nhân với một thiên thần hộ mệnh. Ngay đến 20% số người vô thần cũng tuyên bố rằng họ đã từng gặp thiên thần.

Năm 2008, một người phụ nữ ở tiểu bang North Carolina tên là Colleen Banton cho biết thiên thần đã xuất hiện và chữa lành bệnh cho con gái cô. Theo lời kể, từ khu nhà chờ của bệnh viện, Banton nhìn thấy một quầng sáng xuất hiện bên ngoài cửa sổ và chiếu khắp cả hành lang bên ngoài căn phòng con gái cô đang nằm. Sau đó, cô bé nhanh chóng hồi phục và Banton tin rằng đó là nhờ cuộc viếng thăm của thiên thần. (Trong khi ai cũng rất đỗi vui mình vì tình trạng của cô bé, một số người cho biết những ánh sáng như vậy thường hay xuất hiện trong khu vực bệnh viện, và bệnh nhân có thể hồi phục hoặc không)

Mặc dù các thiên thần thường được cho là trú ngụ trên thiên đường, song những chuyến viếng thăm trần gian của họ không phải lúc nào cũng diễn ra tốt đẹp. Một thiên thần nổi tiếng nhất chính là Satan, kẻ nổi loạn chống lại Thiên Chúa và bị đuổi khỏi thiên đường. Bằng thù hận, Satan đã bận trang phục riêng và gieo rắc chiến tranh, chiếm đóng các thành phố và tàn sát con người. Vì vậy, Tổng lãnh thiên thần Michael, chỉ huy Quân đội Đức Chúa Trời, đã tiêu diệt đạo quân của Satan với sức mạnh khủng khiếp cùng thanh kiếm rực lửa. Nhưng trong văn hóa hiện đại, để cổ xúy cho chủ nghĩa nhân ái, hình tượng thiên thần báo thù dường như đã biến mất.

Trận chiến trên thiên giới giữa đội quân thiên sứ do Tổng lãnh thiên thần Michael dẫn dắt, chống lại đội quân của Satan. Ảnh: Wikipedia

Có thể nói, hình ảnh của các thiên thần đang ngày càng trở nên phổ biến vì nhiều lý do, từ việc họ là đại diện cho thứ tình yêu vô điều kiện cho đến thu hút những trải nghiệm cá nhân của con người. Để rồi bất cứ sự may mắn, trùng hợp có ý nghĩa, hay điều bất ngờ tốt lành nào cũng đều có thể được diễn dịch thành nhờ công lao của các thiên thần. Nhưng dù có thật hay chỉ là hư cấu, hình tượng thiên thần đã gắn liền với nhân loại suốt hàng thiên niên kỷ qua và sẽ tiếp tục như vậy, để đảm bảo mang lại chút an ủi cho những tín đồ trần thế.

Hải Đăng (Theo Live Science)

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/kham-pha/thien-than-trong-ton-giao-va-van-hoa-dai-chung/20180522081139429p1c879.htm