Thiên thần trắng

Tôi và chị, họ hàng đã cách ba đời. Chị là người Hà Thành chính cống. Tôi bảo thế, bởi chị sinh ra ở Hà Nội. Nước da của chị trắng hồng. Khuôn mặt trái xoan, cái mũi dọc dừa thẳng tắp. Lại thêm cặp môi đỏ mọng và đôi mắt tròn xoe, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác như con bồ câu vẫn đậu trên cành bưởi trước ngõ.

Hai chị em tôi cùng tuổi, con gái sắp vào độ thập tam thường lớn vống lên. Bởi thế, chị cao hơn tôi tới gần nửa cái đầu.

Tuổi thơ của chị không giống như tôi. Mùa hè năm ấy, chị được về thăm quê, tá túc ở nhà một người họ hàng gần, chỉ cách nhà tôi cái sân gạch và hàng rào dâm bụt. Lần đầu, cái gì cũng thấy lạ lẫm, chị luôn miệng hỏi:

- Cái này gọi là gì?

- Rơm đấy!

Nhìn đống rạ bên cạnh cầu ao, chị bảo:

- Đống rơm to thế?

- Không phải, đống rạ!

Chị lắc đầu cười:

- Chịu, chả biết nữa!

Tôi chỉ cho chị cái khác nhau của hai thứ quê mùa ấy. Chị lại hỏi:

- Để làm gì?

- Rơm để dành cho trâu ăn vào mùa khan cỏ, còn rạ thổi cơm - Tôi giải thích.

- Nấu cơm chứ! - Chị vặn lại.

Tôi buồn cười. Ở quê, chưa nghe ai nói “nấu cơm” bao giờ.

Ngay từ buổi đầu, hai chị em tôi đã quấn quýt bên nhau, y hệt hai đứa trẻ hàng xóm. Tôi xé hàng rào dâm bụt thành một lỗ đủ chui lọt cái đầu, làm lối đi tắt rất tiện.

Tuổi ấu thơ thường có những tín hiệu lạ kỳ như thế, người lớn chưa chắc đã hiểu nổi…

Một buổi sáng, tôi mang giỏ, đeo ngang lưng bằng sợi dây khô tước ở thân cây chuối và một cây sắt ghè khoăm khoăm ở phía đầu, có cán bằng gỗ xoan làm dụng cụ bắt cua từ trong hang, gọi là “cây móc”, rồi rủ chị đi cùng.

Tôi dắt chị đi trên đồng cỏ. Những ngón tay như búp ngọc để trong bàn tay đen đúa của tôi, tạo thành sự tương phản, rất bất đắc dĩ. Bỗng chị reo lên:

- Con gì thế kia?

- Châu chấu! Nhà quê khối, đem rang với nước cà muối, ăn giòn, ngon ra phết.

Cỏ mềm ướt dưới chân. Nắng sớm rơi từng hạt lóng lánh trên những bông hoa dại nở trắng hai bên đường. Gió luồn qua từng chùm phi lao xanh thẫm, trầm trầm, bổng bổng, nghe như tiếng sáo diều.

Chị ngửa mặt lên trời, hít lấy hít để bầu không khí trong lành, rồi chỉ xuống cánh đồng xanh mượt, nói:

- Cỏ đẹp quá!

- Không phải, mạ đấy!

Tôi kể cho chị nghe sự tích của cánh đồng mà quê tôi gọi là Cánh Mạ. Chị thích lắm, phóng tầm mắt xa tít đến tận chân trời:

- Ở quê thích thật đấy!

Tôi xăm xăm lội xuống cái rãnh bờ thửa. Dân “cua đồng” chúng tôi rất sành trong việc mò cua, bắt ốc, chỗ nào có cua là biết liền. Chị nhìn tôi chăm chú. Tôi cậy mà đất, rồi lựa cây móc vào, đầu cây móc luồn lách rất khéo, chỉ một loáng, tôi đã kéo được con cua từ cái hang sâu gần ngập cây móc ra mà không hề bị giập nát, hay gãy một cái cẳng nào.

Mỗi lần bắt được chú cua càng, tôi khoắng xuống nước sạch sẽ, rồi giơ lên cho chị xem. Con cua đen bóng như sừng, hai cái càng to bằng ngón chân cái, nguềnh ngoàng, dường như nó muốn tử chiến không khoan nhượng trước kẻ thù. Tôi lấy làm đắc ý, cười tít cả mắt. Còn chị thì cứ xuýt xoa khen tôi giỏi thế.

Đến gần trưa, cái giỏ đeo bên sườn đã xệ hẳn xuống, tôi tháo ra, lắc lắc, thấy cua đầy ắp. Tôi bảo:

- Về thôi! Chị ăn cơm nhà em nhé? Mẹ nấu riêu ngon tuyệt đấy, ăn quên chết luôn.

Chị gật đầu.

Khi đi qua quãng đường lội, chị loay hoay mãi, tôi bèn ghé lưng, bảo:

- Để em cõng!

Chị ngượng, nhưng cũng đành. Tôi dò dẫm từng bước, chỉ chực ngã. Chị co rúm người lại, càng ôm chặt tôi hơn. Tôi cảm giác như sáp nến trên lưng, nóng hôi hổi…

Tôi đặt chị xuống bên kia bờ, rồi ngước nhìn chị, thấy đôi má đỏ lựng như quả cà chua chín. Tôi hoảng hốt:

- Chị say nắng à?

Chị khe khẽ lắc đầu. Tôi nghe tiếng thở dài đánh thượt một cái.

*

Bữa cơm hôm ấy, chị luôn miệng khen ngon. Riêu cua có vị khế vườn, pha thêm chút bỗng rượu chua chua rất ấn tượng. Chị tôi không biết quả khế, nên khi thấy trong bát canh riêu có từng lát mỏng, giống như hình ông sao năm cánh thì ngạc nhiên lắm, cứ hỏi tôi mãi.

Cơm nước xong, tôi kéo chị ra vườn, chỉ cho biết cây khế. Chị nhìn quả sai trĩu, ứa cả nước miếng, làm tôi buồn cười. Tôi với cây sào, có buộc cái vợt bằng lưới, khều mấy quả, xâu vào sợi lạt, đưa chị:

- Liền bà là thích ghê lắm, cứ chấm muối ớt, ăn rôn rốt, ngon tuyệt, đánh bay dăm quả là thường.

Chị đỡ xâu khế, rồi đưa tay quệt mấy sợi tóc bị mồ hôi dính bệt trên má. Trời nắng như đổ lửa. Tôi chợt nhớ đến con sông chảy qua đầu làng. Thường khi nóng nực, tôi vẫn rủ mấy đứa bạn cùng trang lứa chạy ù lên, cởi quần áo, nhảy tùm xuống tắm. Nước sông trong vắt, mát lạnh, lặn xuống tận đáy mà vẫn nhìn thấy người.

Tôi muốn tắm cho thỏa cơn thèm quá, nhưng chị là liền bà, tắm cùng sao được! Thế là tôi bày trò rủ chị đi bơi thuyền. Định bụng khi thuyền đến giữa sông, tôi cứ để nguyên quần áo rồi giả vờ ngã, vừa dọa chị một phen, lại được tắm thỏa mái. Chị tôi nghe nói, không biết được ý đồ của tôi, mừng ra mặt, ừ ngay.

Tôi chạy trước, chị tôi theo sau. Tôi khỏe hơn nên chỉ một loáng đã tới được chân đê. Bến đò ngang nằm ngay lối rẽ vào làng, có cây đa trùm kín, tỏa bóng mát rượi. Trưa hè vắng khách. Dòng sông đầy ắp nắng vàng, có cái gì gợi cảm ghê lắm, nghe cứ thấy mênh mang, mênh mang.

Tôi lăn kềnh ra bãi cỏ chờ chị. Gió từ bên kia sông thổi sang mát rượi làm tôi thiu thiu rồi thiếp đi. Trong lúc mơ màng, tôi thấy mình đang cầm lái con thuyền đưa chị sang sông. Con thuyền bồng bềnh lướt nhẹ trên dòng sông trong vắt. Chị tôi ngồi bên mạn thuyền, thích lắm, té nước sang tôi, làm ướt cả áo.

Bỗng con thuyền xô bờ cập bến, khiến tôi choàng tỉnh. Tôi giật mình thấy chị ngồi bên cạnh, xâu khế vẫn đeo trên cổ. Hình như chị đang khóc, tôi nghe tiếng thút thít, thút thít. Rồi bỗng nhiên chị ù té, chạy ngược trở về.

Tôi hoảng hốt đuổi theo:

- Em xin lỗi chị!

Chị vùng vằng làm nũng, nhưng được cái không giận tôi lâu bao giờ, chỉ một lát, cũng chịu quay lại rồi quên ngay chuyện cũ. Tôi nằm úp, hai chân nâng lên, hạ xuống như cần giã gạo, thủng thẳng kể cho chị nghe giấc mơ vừa rồi. Chị nguýt tôi một cái, ánh mắt hiền như ánh trăng, rồi bảo:

- Ghét…!

Tôi cười hì hì:

- Để em mượn thuyền, đưa chị sang sông chơi nhé?

- Ứ thèm nữa!

Minh họa: Lê Tâm

Cả hai cùng im lặng. Tôi chợt nhìn chị đăm đắm:

- Bao giờ chị về Hà Nội ?

- Mai! - Câu trả lời buông thõng như gáo nước chảy tuột xuống, làm tôi sững người, hiện rõ ra mặt. Thấy thế, chị vội làm lành:

- Đùa đấy! chưa chi đã…

- Chị về Hà Nội vui thế, còn nhớ gì đến quê nữa.

Giọng chị tôi run run:

- Đừng nói thế, mình nhớ “ấy” lắm, thật mà!

Nghe chị nói, tôi xúc động quá, thấy có cái gì cứ nghèn nghẹn trong cổ họng, chỉ mong thời gian kéo thật dài để chị cứ ở quê với tôi mãi mãi.

Thế mà nhoằng một cái, đã thấy cái gió hiu hiu chuyển mùa. Cây cỏ may trên đường đang héo dần. Tôi giật mình, buồn ngơ ngác khi biết tin chị sắp trở về Hà Nội.

Hình như chị tôi cũng đang tâm trạng giống tôi, cả ngày hôm ấy không thấy chị cười nói vui vẻ như mọi khi nữa. Hai chúng tôi cứ quấn quýt bên nhau như đôi bướm nhỏ, lặng lẽ, dập dờn trên hàng rào dâm bụt.

Lúc sắp theo mẹ ra bến xe, chị tôi bảo:

- Hè sang năm, “ấy” ra Hà Nội chơi với mình nhé!

Tôi nghe tiếng chị rưng rưng và thấy trên má chị ướt đầm nước mắt.

*

Vào năm học mới, thú thực, hình ảnh chị tôi ngự trị đầy ắp trong trí nhớ, nên tôi chả học được chữ nào, chỉ mong sao hè đến thật nhanh để được ra Hà Nội chơi với chị.

Cứ chiều chiều, tôi lấy cớ ra Cánh Mạ thả trâu, nhưng thực tình chỉ muốn một mình thơ thẩn nhìn về phương trời xa tít. Chỗ ấy, hôm nọ chị chỉ cho tôi: “Hà Nội ở đằng kia kìa”. Tôi thấy cứ da da diết diết thế nào ấy. Rồi nhớ lại câu chuyện chị kể cho tôi nghe về Hà Nội, có nhiều thứ lạ ghê lắm. Tôi hỏi: “Hồ Gươm có đẹp không?”, chị bảo: “đẹp”, rồi chỉ vào cái nia mẹ tôi đang sàng gạo ngoài sân: “Có con Rùa to bằng thế”. Tôi lè lưỡi: “Nó có ăn thịt người không?”. Chị bảo: “Không, Rùa thần đấy!”.

Chị tiếp: “Có cả tầu điện nữa nhé”. Chị bắt chước tiếng chuông kêu, leng keng, leng keng, nghe buồn cười quá. Tôi chẳng biết tầu điện nó thế nào. Thấy tôi ngơ ngác, chị bảo: “Tầu điện để chở người ta đi lại ý”. Tôi cười: “Em đi bộ thích hơn!”. Chị bảo: “Nhưng mà đi xa, đau chân lắm!”. Tôi lại cười hì hì: “Quen hết”…

Tôi chưa thực hiện được ước mơ ra thành phố chơi với chị thì chiến tranh bùng nổ. Người Hà Nội sơ tán về quê tôi đông lắm, dân số bỗng tăng gấp bội phần. Những anh chàng, cô nàng phanh cúc áo ngực, đi dép lê quèn quẹt đầy đường. Chỉ riêng chị tôi thì vẫn chưa thấy bóng dáng đâu cả. Tôi ra Cánh Mạ ngóng chị, rồi cứ đăm đắm nhìn về Hà Nội. Bầu trời phía ấy bây giờ đen kịt, những cột khói như cây nấm khổng lồ bốc lên, cao ngồn ngộn. Tôi lo quá, liệu chúng nó ném bom có trúng nhà chị không? Hay là chị đã chết rồi? Nghe người ta đồn, có biết bao nhiêu người ở Hà Nội trúng bom, chết đấy thôi. Nghĩ vậy, tôi bật khóc hu hu.

Mấy ngày liền tôi bị ốm, không ăn uống gì. Mẹ đặt tay lên trán thấy nhiệt độ vẫn bình thường, bảo:

- Cứ như bị tương tư ấy.

Tôi cũng chẳng biết tương tư là gì, nhưng mẹ nói thế, chắc là phải nghiêm trọng lắm, làm tôi thấy sợ.

Tôi đang thiêm thiếp, bỗng thấy ai đó nắm chặt tay mình, hơi ấm quen thuộc làm tôi bừng tỉnh. Bản năng tự nhiên khiến tôi nghiêng đầu ra phía ngoài, con mắt mệt mỏi hé mở. Tôi bỗng giật mình nhìn thấy chị ngồi bên cạnh. Tưởng mình nằm mơ, tôi bèn chớp mắt liền mấy cái. Chị vẫn đấy, vẫn nắm chặt tay tôi, vẫn đôi mắt tròn xoe nhìn tôi đăm đắm:

- Mình về sơ tán rồi này!

Đúng chị thật rồi! Tôi vùng dậy.

- Nằm xuống đi - Chị tôi nói như ra lệnh.

Nhưng tôi thấy mình khỏe rồi, tôi khỏi ốm thật rồi. Tôi vui quá, tự nhiên nước mắt cứ trào ra. Tôi cười hì hì:

- Em cứ …tưởng…chị…

- Chết rồi chứ gì? - Chị tôi tiếp lời.

Tôi lại cười hì hì, rồi nhảy tót xuống đất, kéo tay chị, bảo:

- Em đưa chị đến gặp thầy hiệu trưởng xin học nhé!

*

Thật may, chị tôi được xếp vào cùng lớp với tôi. Lớp học sơ tán về ngôi chùa ở giữa cánh đồng thôn bên. Tôi bện cho chị một cái mũ rơm vành rộng như chiếc mũ nan và bảo:

- Đội vào để tránh mảnh đạn.

Chị đội thử, rồi cười như nắc nẻ:

- Khiếp, kinh cả người.

Tôi bảo:

- Còn hơn vỡ sọ.

Hai chị em cứ thế cười ngặt nghẽo. Tôi bẻ cành dâm bụt có mấy bông hoa cài lên vành mũ, màu hoa đỏ rực làm má chị hồng lên. Tôi buột miệng:

- Chị Gái xinh thế.

Chị ngượng, trông càng xinh hơn.

Từ hôm chị về, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, chăm học ghê lắm, chẳng mấy chốc đã bù lại được lỗ hổng. Thầy giáo khen. Cuối năm lại đạt danh hiệu học sinh giỏi. Chị tặng tôi cây bút chì và quyển sổ tay chị tự đóng. Tôi khoái lắm.

- Chị khéo nhỉ? - Tôi nói, rồi chép một bài thơ đưa chị xem. Chị đọc xong, tấm tắc :

- “Ấy” làm thơ hay thế?

- Không phải, thơ của Nguyễn Bính đấy.

Tôi lấy bút chì gạch đít mấy câu mà tôi thích nhất. Chị ngó ngó:

- Lãng mạn thế! - Rồi nở nụ cười, để lộ hàm răng trắng muốt, đều tăm tắp.

Vào năm học sau, tôi bắt đầu tuổi lớn, ăn năm bát cơm vẫn thấy thòm thèm. Chẳng thế, tôi cao vượt chị bao nhiêu rồi mà không ai kịp để ý. Cũng vừa lúc, chiến tranh đã tới rất gần quê tôi. Chị sợ lắm. Tôi bảo:

- Sợ gì? Nó chỉ ném bom xuống cầu Riền là cùng thôi! - Tôi đoán thế, vì mấy hôm nay thấy bộ đội kéo pháo về, đông lắm.

Cầu Riền chỉ cách nhà tôi chừng non một cây số, bắc qua hai đầu của bờ đê bên này bị cắt bởi một nhánh sông đào, dẫn nước cho mấy huyện trồng màu phía Đông Nam quê tôi.

Thế rồi cầu Riền bị oanh tạc thật, tôi dắt tay chị chạy xuống hầm. Bom nổ xé rách cả màng nhĩ, làm tai tôi ù đặc. Cái hầm chữ A rung lên bần bật. Chị tôi hoảng sợ, ôm chầm lấy tôi, hai hàm răng cứ va vào nhau lập cập như người bị lên cơn sốt rét.

Tôi ôm choàng lấy chị, ấp vào ngực mình. Cũng thật may, đợt oanh kích ào đến bất ngờ nhưng qua đi cũng thật nhanh. Tiếng bom vừa ngớt, chị ngước mắt nhìn tôi, hai cánh tay cứ như càng thít chặt hơn. Tôi nhìn chị, hai khuôn mặt sáp nhau đến mức cảm nhận rõ từng hơi thở, hối hả, ấm nồng. Dường như chị đã nằm gọn trong lòng tôi. Bỗng tôi rùng mình, khắp cơ thể như có sự thay đổi kỳ lạ, các đốt xương như bị rời ra. Tôi từ từ duỗi thẳng hai chân, lưng tựa vào vách hầm. Lúc này, tôi như kẻ thất thần, mọi hành động hoàn toàn do bản năng chi phối chứ không làm sao điều khiển được chính mình nữa…

Vừa đúng lúc, tôi nghe tiếng huyên náo, rồi tiếng gào thét, cả tiếng người chạy rất gần, tất cả mọi thứ âm thanh hoảng loạn trên mặt đất khiến tôi choàng tỉnh. Tôi bối rối:

- Chị Gái - Tiếng gọi như tiếng nấc, vỡ vụn từng mảnh, nhưng cảm xúc thì vẫn đọng nguyên trong tận cùng của trái tim. Tôi vùng dậy, kéo chị ra khỏi hầm…

Nhìn mặt chị nhọ nhem nhọ thỉu, tôi đoán chắc mình cũng thế. Tôi cười hì hì đánh trống lảng, cố xua đi mọi chuyện vừa diễn ra dưới hầm, chỉ mong sao chị tôi đừng biết gì về những cảm xúc bất thường ấy. Nhưng có lẽ, chị tôi còn nhạy cảm hơn tôi tưởng rất nhiều…

Từ đó, hai chị em tôi đã có nhiều đổi thay trong cách sống. Chúng tôi hay ngượng với nhau mỗi khi lỡ lời về một điều gì đó. Chúng tôi đã lớn hơn nhiều so với ngày đầu mới gặp nhau, và càng thân thiết hơn. Nhưng trong thứ tình cảm ngây thơ, trong sáng ngày xưa, đã nhuốm một thứ sắc màu vô cùng lãng mạn…

*

Sau một tuần bị oanh tạc liên tục, tự nhiên, mấy ngày liền, cầu Riền không bị bắn phá nữa. Nhưng ngoài quốc lộ chính lại bị oanh tạc dữ dội hơn. Làng tôi cách xa khoảng ba cây số đường chim bay nên cũng chẳng hề hấn gì. Mặc dù vậy, không khí chiến tranh vẫn sôi sục ghê lắm.

Tôi bẻ cành cây tết thành hai vòng lá ngụy trang, đưa chị một, rồi đeo vòng còn lại trên lưng. Tôi hỏi chị:

- Chị Gái trông em có giống bộ đội không? - Chị tôi chưa kịp trả lời, tôi đã dập hai chân, đưa bàn tay lên ngang vành mũ rơm - Nghiêm, đề nghị đồng chí Gái chấp hành tốt kỷ luật, đeo vòng lá ngụy trang như thầy giáo đã căn dặn!

Chị tôi cười nắc nẻ, khoác hai cái dây lên vai, rồi cả hai đứa dung dăng, dung dẻ đến trường.

Buổi sáng, bầu trời đầu thu trong vắt như không có vẻ gì đang là thời chiến. Vòng ngụy trang còn thơm thơm mùi lá, che kín lưng áo chị tôi, lất phất theo từng nhịp bước của chị.

Bỗng tôi nhìn thấy con bướm trắng, chẳng biết từ lúc nào cứ là đà theo miết, như bị chị tôi hút hồn. Tôi bảo :

- Trong thơ Nguyễn Bính cũng có con bướm như thế đấy!

- Nếu mình chết, sẽ nhập hồn vào con bướm này, đi học cùng “ấy” nhé! - Chị tôi buột miệng.

Tôi thấy rờn rợn, nhìn chị:

- Sao nói gở thế? - Rồi phủi phui cái miệng, để xua đi những xui xẻo cho chị.

- Thời buổi chiến tranh, biết thế nào được - Chị tôi cười hồn hậu. Còn tôi chợt man mác buồn. Chị tôi bảo:

- Ấy chép cho bài thơ của Nguyễn Bính đi, mình thích lắm!

- Tối nhé - Tôi gật đầu.

Rồi chị cứ nhìn tôi chằm chặp:

- Ấy lớn nhanh quá, cao hơn mình bao nhiêu rồi đấy! - Chị nói, nụ cười vẫn còn tươi nguyên trên môi…

Buổi học đã sang tiết thứ hai. Cả lớp im phăng phắc nghe thầy giảng bài. Bỗng có tiếng kẻng báo động. Thầy giáo hô:

- Cả lớp xuống hầm, mau!

Rồi chỉ trong chớp mắt, tiếng máy bay đã gầm rú trên đầu. Mọi người tá hỏa như đàn ong vỡ tổ, đổ xô ra ngoài. Tôi chạy sau cùng nên chưa kịp xuống hầm. Chị tôi nhoài ra:

- Mau lên!

Bỗng tiếng réo như xé rách cả bầu trời, rồi một sức mạnh như cơn lốc cực mạnh ào đến, hất tôi ngã xuống. Tôi chỉ kịp thấy bóng chị nhào ra khỏi hầm… rồi mắt tối sầm lại, hai bên thái dương buốt nhói, tất cả mọi thứ chao đảo, mù mịt, sau đó là cảm giác lâng lâng như đang bay bổng trong thế giới vô định.

Tôi bị sức ép của một quả bom nổ gần. Khi tỉnh lại, nhìn đội cứu thương của lớp vây quanh, tôi gọi:

- Chị Gái ơi!

Không thấy chị tôi thưa. Tôi hỏi:

- Chị mình đâu?

Vẫn không ai trả lời, chỉ có tiếng sụt sịt đang cố kiềm nén để khỏi bật thành tiếng khóc. Tôi lại hỏi:

- Chị ấy đâu rồi?

Ai đó nắm chặt tay tôi:

- Bạn ấy… chết… rồi!

Tôi kinh hoàng thét lên: Chị Gái! Rồi ngất xỉu ngay sau đó.

*

Tin chị tôi chết, làm tôi quỵ hẳn, mấy tháng sau mới hồi phục dần. Cũng đúng lúc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Từ bệnh viện trở về, tôi ra thăm mộ chị ngay. Trên nấm mộ chị, cỏ đã phủ xanh như mạ non ở ngoài Cánh Mạ. Tôi không khóc nữa, có lẽ vì đã hết nước mắt, mà chỉ lặng lẽ trồng lên mộ chị một loài hoa trắng.

Cây hoa ấy lớn rất nhanh. Hết mùa thì tàn đi, sang năm lại đâm chồi nảy lộc. Cứ mỗi bận thu sang, lại một lần hoa nở. Nhưng bao giờ cũng chỉ có một bông duy nhất. Bông hoa tươi mãi, tươi mãi, đúng ngày chị ra đi thì héo cánh rồi rụng xuống.

Tôi không lập gia đình. Có người biết chuyện, bảo tôi vì nặng nợ với kiếp tiền duyên, chắc phải làm lễ cắt tơ hồng thì mới thoát khỏi. Tôi chỉ im lặng, khuôn mặt xinh đẹp, hồn hậu của chị lại hiện ra…

Không biết có phải linh hồn chị tôi đã khôn thiêng nhập vào con bướm trắng mà buổi sáng hôm ấy đã bay theo chị. Nhưng lạ lắm, tôi đã đi đến cùng trời, cuối đất trên khắp thế gian, ở bất cứ nơi nào, tôi cũng bất chợt lại gặp. Đúng là con bướm ấy rồi, tôi nhận ra bởi hương thơm loài cúc trắng mà tôi đã trồng lên mộ chị ngày xưa ấy, phảng phất theo đôi cánh huyền huyền, ảo ảo, như thực, như hư.

Phải chăng, đó chỉ là ảo giác? Nhưng có một điều tôi hiểu rất rõ: chị đã trở thành Thiên thần, ngự trị vĩnh cửu trong trái tim tôi…

Truyện ngắn của Thế Đức

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/thien-than-trang-524359/