'Thiên thần áo trắng' đẹp lung linh trên màn ảnh

Những phim tôn vinh người làm nghề y phát trên nền tảng số hóa đang được khán giả quan tâm, tìm kiếm nhiều nhất trong mùa dịch Covid-19

Trong lúc dịch bệnh đang đe dọa sức khỏe người dân toàn cầu, đội ngũ y - bác sĩ là những chiến sĩ tuyến đầu trên mặt trận phòng chống dịch được công chúng trông cậy nhất. Những phim tôn vinh "thiên thần áo trắng" phát trên nền tảng số hóa vì thế đang được khán giả quan tâm, tìm kiếm nhiều nhất.

Phim “Những bác sĩ tài hoa”. Ảnh: tvN

Phim “Những bác sĩ tài hoa”. Ảnh: tvN

Những bác sĩ tài hoa

Phim "Những bác sĩ tài hoa" (Hospital playlist) của Hàn Quốc hiện đang nằm trong tốp 10 phim được xem nhiều nhất trong ngày ở khu vực Việt Nam trên Netflix. Nội dung xoay quanh câu chuyện nghề, chuyện đời của 5 người bạn thân đều là bác sĩ. Họ làm bạn với nhau được 20 năm kể từ khi cùng bước chân vào trường y năm 1999. Năm người 5 cá tính, chuyên môn khác nhau và những câu chuyện về họ hòa vào nhau tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống giới bác sĩ. Đây không phải tác phẩm duy nhất gần đây của Hàn Quốc về ngành y hấp dẫn và cuốn hút khán giả.

Phim "Người thầy y đức" phần 2, kết thúc phát sóng ngày 25-2, cũng là một trong những tác phẩm ấn tượng về nghề y. Phim xoay quanh bác sĩ thiên tài nhưng lập dị Bong Yong-joo hay còn gọi là bác sĩ Kim (Han Suk-gyu thủ vai) tạo ấn tượng với hàng loạt cảnh phẫu thuật, cấp cứu cho bệnh nhân. "Người thầy y đức" phần 2 lồng ghép khéo léo chuyện tình yêu nam - nữ, chuyện ganh ghét tài năng của nhau trong ngành y tế nhưng tất cả đều chỉ là phông nền cho hàng loạt các ca phẫu thuật cuốn hút người xem, với tài diễn xuất chân thật của đội ngũ diễn viên trong những tình tiết kịch tính cao trào dồn dập.

Chỉ xoay quanh chủ đề về ngành y, đội ngũ biên kịch Hàn Quốc khai thác được nhiều khía cạnh mới lạ, thu hút khán giả không thua kém những chủ đề tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa. Ngoài chuyện về bác sĩ khoa cấp cứu, bác sĩ nội khoa, sản khoa, chuyên chữa bệnh hiếm, bác sĩ thời cổ đại, màn ảnh nhỏ Hàn Quốc còn khai thác cả bác sĩ cho giới xã hội đen trong phim "Thiên tài lang băm" từng gây sốt năm 2015.

Ngoài Hàn Quốc, Trung Quốc sở hữu nhiều bộ phim truyền hình rất hay về ngành y tế. Phim truyền hình Trung Quốc cũng không ít tác phẩm khai thác thành công đề tài này: "Bác sĩ khoa cấp cứu", "Bác sĩ ngoại khoa", "Bác sĩ khoa sản", "Mật mã xanh"... Hình ảnh đội ngũ y - bác sĩ ở đất nước này vì thế đẹp lung linh trên màn ảnh và trong lòng công chúng

Phim “Người thầy y đức” phần 2. Ảnh: SBS TV

Kỳ vọng phim Việt hậu đại dịch

Nhiều người trong giới cho rằng phim đề tài bác sĩ muốn hấp dẫn và cuốn hút đòi hỏi biên kịch phải chịu khó thu thập tư liệu chuyên sâu, có kiến thức y khoa, có một câu chuyện hấp dẫn. Biên kịch Châu Thổ cũng cho rằng không chỉ Hàn Quốc, Trung Quốc mà phim về bác sĩ của Mỹ cũng hấp dẫn vì kịch bản của họ rất sâu, đi thẳng vào khai thác tâm tư, xung đột trong ngành mà những người có vốn sống, kiến thức mới thể hiện được.

Điều này không dễ dàng đối với điện ảnh Việt trong tình trạng thù lao của biên kịch Việt thấp, chưa tương xứng nếu so với những biên kịch của Hàn Quốc, Trung Quốc để sáng tạo nên kịch bản hay.

"Khi viết về đề tài nào, biên kịch cũng phải hiểu rõ mới có thể viết tốt được, nhất là những gì thuộc về chuyên ngành riêng như ngành y. Một số phim đề tài này của Việt Nam làm chưa chinh phục được khán giả là do phần kịch bản chưa đủ chiều sâu, chỉ mới khoác lên chiếc áo bác sĩ làm nền rồi xoáy nội dung quanh chuyện yêu đương, đấu tranh trong ngành. Muốn viết sâu về ngành y đòi hỏi biên kịch phải có thời gian trao đổi với nhiều người trong giới bác sĩ, thu thập tư liệu và nhiều yếu tố khác mới có thể tạo nên câu chuyện hấp dẫn" - biên kịch Thanh Hương nhận định.

Diễn viên đòi hỏi họ phải tập luyện vững các kỹ năng chuyên môn, từ động tác đặt ống nghe, cấp cứu hô hấp, kích hoạt nhịp tim, cầm kim tiêm, dao mổ, khâu vết thương... Nếu chỉ lột tả được phong thái của một bác sĩ thôi thì chưa đủ. Trường hợp phải xử lý kỹ xảo những thủ thuật này thì lại thêm gánh nặng kinh phí cho nhà sản xuất. Thêm vào đó, theo các nhà chuyên môn, phim về ngành y rất khó tìm được bối cảnh, nếu tự dựng bối cảnh thì chi phí đầu tư rất lớn. Đây là lý do phim về ngành y của Việt Nam đã không nhiều lại còn kém sức hấp dẫn.

Người trong giới cho rằng có thể sau đại dịch Covid-19, phim khai thác đề tài bác sĩ sẽ được nhà sản xuất Việt Nam chú ý đầu tư trở lại. "Tôi nghĩ trước hết nên có phim tài liệu, ghi lại những hình ảnh các y - bác sĩ dốc sức chống dịch. Những hình ảnh này sẽ cho khán giả thấy được các bác sĩ đã nỗ lực thế nào để ngăn đà lây lan của Covid-19. Với phim truyền hình đòi hỏi thời gian lâu dài hơn, biên kịch nào nhanh nhạy, cảm xúc nhiều họ có thể viết những tác phẩm hay về ngành y của Việt Nam nhờ giai đoạn này" - nhà báo Cát Vũ cho biết.

Phim Việt thiếu tác phẩm hay

Phim Việt thiếu tác phẩm hay về ngành y, nên khán giả đã rất lâu chưa thưởng thức tác phẩm Việt nào về đề tài này. Khán giả màn ảnh nhỏ cũng từng được xem nhiều bộ phim Việt đề cập ngành y: "Lời thề Hyppocrate" (đạo diễn: Phạm Thanh Phong), "Blouse trắng" (đạo diễn: Mỹ Hà), "Gia tài bác sĩ" (đạo diễn: Nguyễn Minh Cao), "Ký ức mong manh" (đạo diễn: Đặng Lưu Việt Bảo), "Nơi tình yêu bắt đầu" (đạo diễn: Hồ Ngọc Xum), "Anh em nhà bác sĩ" Việt hóa (đạo diễn: Minh Cao), "Lời thề danh dự" (đạo diễn: Võ Việt Hùng), "Chân trời trắng" (đạo diễn: Phạm Gia Phương - Nguyễn Đức Hiếu)... Thế nhưng, các phim này chủ yếu tập trung phản ánh nhiều về y đức, về chuyện tình cảm gia đình của y - bác sĩ, phản ánh sự tha hóa của một bộ phận trong ngành nhưng cũng chỉ đề cập bên ngoài. Ngoài "Blouse trắng" tạo được ấn tượng trong lòng khán giả, các phim khác không được như kỳ vọng.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/thien-than-ao-trang-dep-lung-linh-tren-man-anh-20200326203128006.htm