Đẩy mạnh phòng, chống vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trong HS, SV

Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tại Hội thảo công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên (HS, SV) và góp ý cho Đề án 'Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2020' và Đề án 'Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong HS, SV đến năm 2020' được Chính phủ giao Bộ GD&ĐT xây dựng và ban hành.

Hội thảo do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an tổ chức tại Hải Phòng và TP. HCM ngày 15 và 16/3.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa; Đại tá Tạ Đức Ninh - Trưởng phòng Thường trực Chương trình Quốc gia về phòng, chống ma túy - Bộ Công An; ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ GD Chính trị và Công tác HS, SV (Bộ GD&ĐT); cùng đại diện các đại học, học viện, trường đại học, CĐ sư phạm các Sở GD&ĐT, các cơ sở GD, công an các tỉnh, thành trên cả nước…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, ngành GD có gần 23 triệu HS, SV và hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là lực lượng quan trọng đối với tương lai của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, lứa tuổi HS, SV cũng rất dễ bị tác động, lôi kéo phạm tội, vi phạm pháp luật, tham gia tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội nếu như không có biện pháp phòng ngừa thường xuyên, quyết liệt.

Nếu tổ chức GD tốt cho nhóm đối tượng này thì công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường và tệ nạn xã hội, ma túy trong lứa tuổi thanh thiếu niên, HS, SV sẽ đạt hiệu quả rất cao, đồng thời HS, SV cũng chính là lực lượng quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường và tệ nạn xã hội, ma túy cho toàn xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo các đại biểu đã thảo luận một số nội dung liên quan Đề án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2020” và Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong HS, SV đến năm 2020” như: tình hình phòng chống tệ nạn xã hội trong giai đoạn hiện nay và hệ thống pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội; nội dung, định hướng và một số vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống tội phạm học đường…

Đặc biệt, các đại biểu đề xuất những giải pháp về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng chống ma túy học đường trong các cơ sở GD; trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng chống ma túy cũng như các tệ nạn xã hội trong nhà trường; biện pháp quản lý học sinh, sinh viên để sớm phát hiện và ngăn chặn tình trạng HS, SV sa vào tệ nạn xã hội; từng bước tạo cho HS, SV năng lực tự phòng tránh, góp phần xây dựng một môi trường GD lành mạnh trong tương lai…

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các bộ, ban, ngành, các nhà trường và HS, SV thực hiện một số nội dung: Các bộ, ban, ngành cần quan tâm hơn nữa trong công tác phối hợp với ngành GD thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, ma túy và tệ nạn xã hội trong HS, SV trong thời gian tới và triển khai các đề án sau khi ký, ban hành.

Vụ GD Chính trị và Công tác HS, SV phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ tiếp thu các ý kiến góp ý và nhanh chóng hoàn thiện các đề án để trình lãnh đạo Bộ ký ban hành. Các sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp với ngành GD thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, ma túy và tệ nạn xã hội trong HS, SV, đặc biệt thực hiện các nội dung của các đề án trong thời gian tới.

Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các đề án trên địa bàn; chỉ đạo các trường triển khai nội dung của các đề án phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể tại địa phương; báo cáo kết quả việc triển khai thực hiện các đề án;

Các ĐH, Học viện, các trường ĐH, CĐSP, TCSP chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành của địa phương công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, ma túy và tệ nạn xã hội trong HS, SV; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; báo cáo kết quả việc triển khai các đề án của nhà trường lên cơ quan cấp trên.

Các trung tâm GD thường xuyên, trường phổ thông, trường tiểu học, trường mầm non chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành của địa phương thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, ma túy và tệ nạn xã hội trong HS, SV; triển khai các nội dung của các đề án, bám sát thực hiện kế hoạch triển khai đề án của ngành GD địa phương; báo cáo kết quả việc triển khai thực hiện các đề án...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-manh-phong-chong-vi-pham-phap-luat-te-nan-xa-hoi-trong-hs-sv-3918669-c.html