Thiên thạch cực hiếm rơi xuống nước Anh

Nhiều mảnh vỡ của thiên thạch đã rơi xuống nước Anh hôm 28/2, đã được tìm thấy. Đó là một loại đá không gian cực hiếm và cổ xưa hơn tuổi của Trái đất được gọi là chondrite cacbon.

Thiên thạch rơi xuống Trái đất vào ngày 28/2, khi một quả cầu lửa lướt qua phía Tây Nam nước Anh được nhìn thấy. Vào thời điểm đó, các nhà khoa học nghi ngờ rằng có khá nhiều mảnh vỡ của nó có khả năng chạm tới mặt đất.

Một mảnh vỡ như vậy đã rơi xuống đường vào nhà ở Winchcombe, một thị trấn ở Gloucestershire, theo tuyên bố từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London.

Phát hiện vật thể lạ đen như bồ hóng trên đường, những người cư ngụ trong ngôi nhà đã thu dọn các mảnh thiên thạch và nhanh chóng thông báo cho Mạng lưới quan sát sao băng của Vương quốc Anh.

Tiến sĩ Ashley King từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London cho biết: “Đối với một người không thực sự biết nó thực sự là gì, người phát hiện đã làm một công việc tuyệt vời trong việc thu thập nó. Anh ta thu dọn hầu hết mảnh thiên thạch. Anh tiếp tục tìm thấy những mảnh vụn trong khu vườn của mình trong vài ngày sau đó”.

Việc thu thập các thiên thạch ngay sau khi chúng chạm đất là điều cực kỳ quan trọng vì chúng có thể nhanh chóng bị ô nhiễm do mưa hoặc tiếp xúc với bầu khí quyển. Các mảnh vỡ được thu thập nặng gần 300 gram và là những mảnh thiên thạch đầu tiên được phục hồi ở Vương quốc Anh kể từ năm 1991.

Khi kiểm tra các mảnh đá, các nhà nghiên cứu tại bảo tàng đã xác định đây là một loại thiên thạch hiếm, có nguồn gốc từ một tiểu hành tinh cổ đại được hình thành trong những ngày sơ khai của Hệ Mặt trời.

“Những thiên thạch như thế này là di tích từ thời sơ khai của Hệ Mặt trời, có nghĩa là chúng có thể cho chúng ta biết các hành tinh được tạo thành từ gì. Nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng, những thiên thạch như thế này có thể đã mang nước đến Trái đất, cung cấp cho hành tinh này các đại dương” - Sara Russell từ bảo tàng nghiên cứu các thiên thạch chondrite cacbon cho biết trong tuyên bố.

Bản thân thiên thạch trông hơi giống than đá nhưng mềm và dễ vỡ hơn nhiều, Tiến sĩ Ashley King cho biết. Kết cấu cho thấy rằng, đá không gian có chứa các khoáng chất đất sét mềm và do đó, đã từng chứa băng nước. Nhìn chung, các thiên thạch chondrit có thành phần cacbon thường chứa hỗn hợp các khoáng chất và hợp chất hữu cơ, bao gồm các axit amin, thành phần cấu tạo của protein.

Russell cho biết: “Đây thực sự là một điều vô cùng đáng kinh ngạc, bởi vì chúng tôi đang xử lý hai sứ mệnh thu thập mẫu tiểu hành tinh của tàu Hayabusa2 và OSIRIS-Rex và vật liệu này trông giống hệt như vật liệu mà họ đang thu thập.

Cả hai tàu vũ trụ này đều được thiết kế để bắt và thu thập mẫu từ các tiểu hành tinh; Hayabusa2 quay trở lại Trái đất vào năm 2020, mang theo 4,5 gram đá không gian và OSIRIS-REx được lên kế hoạch sẽ cung cấp khoảng 60 gram mẫu vào năm 2023, theo tuyên bố.

Nhưng nhờ thiên thạch Winchcombe, các nhà nghiên cứu bảo tàng hiện có hơn 10 ounce (280 gram) chondrite cacbon để nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các khoáng chất có thể sống sót sau khi rơi xuống Trái đất vì chúng đi xuống tương đối chậm, chạm đất với vận tốc 28.800 dặm/giờ (46.800 km/h).

Mặc dù, con số này nghe có vẻ lớn, nhưng thiên thạch có thể đạt tốc độ lên tới 154.800 dặm/giờ (252.000 km/h) khi chúng đâm xuyên qua bầu khí quyển - tốc độ có thể khiến chondrite cacbon tan rã trước khi nó chạm đất, TS King nói trong tuyên bố.

Về thiên thạch Winchcombe, “thực tế là nó đi khá chậm và sau đó nó được thu lại rất nhanh sau khi đáp đất, nên đã tránh được việc mưa có thể làm thay đổi thành phần nguyên sơ của nó, có nghĩa là chúng ta đã thực sự may mắn trong việc có được mẫu vật này”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/thien-thach-cuc-hiem-roi-xuong-nuoc-anh-elF4D68Mg.html