Thiên tai và nhân tai!

Những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9, liên tiếp những cơn mưa lớn trút xuống miền Nam gây ra cảnh ngập lụt chưa từng có tại một số tỉnh, thành, như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bình Thuận.

Với tỉnh ta, tổn thất nặng nhất có lẽ là huyện Hàm Thuận Nam, khi ngập lụt xảy ra tại nhiều xã gây thiệt hại nặng cho cây thanh long, hoa màu và tài sản của người dân, làm hư hỏng công trình giao thông. Điều này cho thấy đúng như dự báo, khi biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho thời tiết ngày càng cực đoan và thiên tai có những diễn biến phức tạp, khó lường hơn.

Trên tuyến đường Nguyễn Thông (phường Phú Hài, TP. Phan Thiết), điểm đầu vào Khu du lịch quốc gia Mũi Né trong 3 ngày mưa lớn cũng là 3 lần liên tiếp xảy ra lũ cát tràn băng ngang gây cản trở giao thông. Nhiều người dân lưu thông bất chấp nguy hiểm vượt qua dòng nước đã bị cuốn trôi, nhưng rất may được ứng cứu kịp thời, trong đó có người bị thương phải nhập viện điều trị. Lãnh đạo TP. Phan Thiết có mặt tại hiện trường và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cũng đã có văn bản chỉ đạo địa phương và ngành liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục, cũng như kiểm tra việc thực hiện giải pháp đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai; kiểm tra xử lý các tình huống, nguy cơ rủi ro, xảy ra sự cố, nguy cơ mất an toàn giao thông và khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi quản lý của mình.

TP. Phan Thiết khẩn trương khắc phục sự cố lũ cát tràn để đảm bảo an toàn cho người dân.

TP. Phan Thiết khẩn trương khắc phục sự cố lũ cát tràn để đảm bảo an toàn cho người dân.

Sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh và những phương án khắc phục tạm thời của TP. Phan Thiết làm người dân phần nào an tâm hơn. Nguyên nhân trước mắt được cho là do thiên tai mưa lớn nhiều ngày bởi ảnh hưởng bão số 3, đồng thời là do hệ thống thoát nước đang thi công chưa hoàn thiện. Tuy nhiên dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng bởi lâu nay khu vực này ít khi xảy ra tình trạng như vậy hoặc có thì cũng gây thiệt hại rất ít. Lo lắng của người dân là có cơ sở, bởi không chỉ liên quan đến tính mạng, tài sản, mà nhất là những ngày qua những hình ảnh, sự việc đăng tải trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đã ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường hình ảnh du lịch, đến sự an toàn nếu như sự việc tiếp diễn không vị trí này mà vị trí khác.

Thực tế hiện nay có khá nhiều công trình, dự án du lịch, dự án bất động sản đang hình thành khu vực Hàm Tiến – Mũi Né. Quá trình hình thành các dự án, cùng với thời tiết ngày càng cực đoan, ít nhiều cũng sẽ có cộng hưởng tác động đến những vụ việc tiêu cực xảy ra. Hẳn chúng ta còn nhớ, ngày 21/5/2024, mưa lớn đã gây lũ cát tràn xuống đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Mũi Né) vùi lấp nhiều phương tiện, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch địa phương. Cơ quan chức năng sau đó vào cuộc kiểm tra thực tế hiện trường cho thấy, ngoài yếu tố khách quan, thì việc sạt lở cát là do quá trình xây dựng khu nghỉ dưỡng Sentosa Villa phía trên đồi cát, chủ đầu tư chưa tuân thủ các quy định về phòng, chống thiên tai.

Có thể nói Bình Thuận đang hết sức nỗ lực xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp cho hình ảnh du lịch, nhất là TP. Phan Thiết nói chung, khu vực Hàm Tiến - Mũi Né nói riêng. Trong quá trình ấy, hiện nay có những hạn chế chúng ta phải điều chỉnh khắc phục, bởi yếu tố lịch sử phát triển du lịch để lại trong công tác quy hoạch, hạ tầng, cũng như yếu tố tự nhiên về địa hình nhiều đồi cát nơi đây. Với công tác này, hiện nay TP. Phan Thiết và cơ quan chức năng đang triển khai quyết liệt theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh đó, về quản lý nhà nước cũng cần tăng cường công tác “tiền kiểm” việc chấp hành xây dựng, cũng như các biện pháp phòng, chống thiên tai trong các công trình, dự án trong khu vực này, để tuân thủ đúng quy định, nhầm hạn chế những nguyên nhân từ yếu tố chủ quan tương tự xảy ra mà vụ việc ngày 21/5 là điển hình.

PHÚC SINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thien-tai-va-nhan-tai-123810.html