Thiên tài nhí ở thế kỷ XX phát hành tiểu thuyết năm 12 tuổi

Barbara Newhall Follett biết viết thơ năm 4 tuổi. 8 tuổi, cô bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên để tặng mẹ nhân dịp sinh nhật.

tiBarbara Newhall Follet sinh ngày 4/3/1914 tại Hanover, bang New Hampshire, Mỹ. Cha cô, ông Roy Wilson Follett, là biên tập viên, nhà phê bình văn học và giáo viên tiếng Anh. Mẹ cô, bà Helen Thomas Follett, là nhà văn chuyên viết sách cho trẻ em.

Từ bé, Barbara được tiếp xúc nhiều với sách vở, máy đánh chữ. Theo lời kể của bà Helen, năm 3 tuổi, Barbara đã bắt đầu có niềm đam mê với sách.

 Barbara Newhall Follett là một cô bé yêu thiên nhiên. Ảnh: Telegraph.

Barbara Newhall Follett là một cô bé yêu thiên nhiên. Ảnh: Telegraph.

Phát hành tiểu thuyết đầu tiên năm 12 tuổi

Để phục vụ cho việc công tác của ông Roy Wilson tại Nhà xuất bản Đại học Yale, gia đình ông chuyển đến New Haven, bang Connecticut vào năm 1918. Tại đây, cặp vợ chồng quyết định cho con gái học tại nhà, thay vì đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Một ngày nọ, Barbara, 4 tuổi, bắt đầu quan tâm đến chiếc máy đánh chữ của cha. Cô có thể nghe và biến những âm thanh gõ phím trở thành bản nhạc cho riêng mình. Từ đó, cô bắt đầu học cách sắp xếp từ ngữ và biến tất cả trở thành một bài thơ hoàn chỉnh.

Barbara tập viết thư cho bạn bè, gia đình, sáng tác truyện ngắn, thơ và phát minh ngôn ngữ cho riêng mình. Năm 6 tuổi, cô viết một câu chuyện dài 4500 từ có tên Cuộc đời của Bánh xe quay, Chú ngựa bập bênh và Con thỏ.

Barbara luôn dành thời gian đọc sách và tạo ra những câu chuyện cho riêng mình. Thỉnh thoảng, cô dạo chơi trong vườn hoặc rừng cây, hòa mình với thiên nhiên hoang dã. Vì thế, các sáng tác của cô thường gắn liền với những yếu tố tự nhiên.

Theo thông lệ, Barbara sẽ tặng quà cho người khác vào ngày sinh nhật của mình. Sinh nhật 9 tuổi, cô tặng mẹ cuốn tiểu thuyết tự viết mang tên Cuộc phiêu lưu của Eepersip. Câu chuyện kể về một đứa trẻ bỏ nhà đi và sinh sống cùng các loài động vật trong tự nhiên.

Ông Roy Wilson nhận thấy tác phẩm của con gái có tiềm năng xuất bản. Không may, vài ngày sau sinh nhật Barbara, nhà cô gặp hỏa hoạn. Gia đình may mắn thoát nạn, nhưng bản thảo cuốn Cuộc phiêu lưu của Eepersip bị tiêu hủy trong đám cháy.

Sau sự cố đó, Barbara dành 3 năm viết lại tác phẩm. Câu chuyện được dựng lại và sắp xếp một cách tỉ mỉ.

Barbara viết về cuộc đời của Eepersip, một bé gái yêu thiên nhiên, không muốn bị trói buộc trong bốn bức tường. Eepersip luôn khao khát thoát khỏi ngôi nhà và những cạm bẫy của nền văn mình thời đó.

Vì thế, cô quyết định trốn đi, tìm đến những đồng cỏ, bãi biển rộng lớn. Cuối cùng, Eepersip dừng chân tại một ngọn núi nọ. Tại đây, cô hòa mình với thiên nhiên, học cách sống tự do và tìm thấy niềm vui cho riêng mình.

Vào thời điểm Barbara hoàn thành cuốn sách, bố cô đang làm việc tại Nhà xuất bản Alfred Knopf. Ông Roy Wilson quyết định đưa bản thảo đến và đề nghị xuất bản.

Ông Alfred A. Knopf, người đứng đầu nhà xuất bản, bày tỏ sự yêu thích với tác phẩm của cô gái nhỏ và quyết định phát hành. Nhưng tiểu thuyết bị đổi tên thành Ngôi nhà không cửa sổ và cuộc đời của Eepersip.

2.500 bản in được bán hết và trở thành tác phẩm bán chạy nhất lúc bấy giờ. The New York Times, The Saturday Review và nhà báo, nhà phê bình văn học Henry Louis Mencken dành nhiều lời khen cho tài năng văn học của cô bé. Kể từ đó, Barbara Newhall Follett được mệnh danh là thiên tài văn học nhí.

Các tác phẩm của Barbara Newhall Follett được giới phê bình đánh giá cao. Ảnh: The Guardian.

Cuộc đời bi kịch

Dù cuốn tiểu thuyết được đánh giá cao, một số người khác cho rằng tác phẩm của Barbara không phải là ý tưởng hay. Nhà văn, nhà giáo dục Anne Caroll Moore, cho rằng Barbara nên trải qua một tuổi thơ bình thường, thay vì xuất bản sách và trở thành người nổi tiếng.

Tuy nhiên, những lời nhận xét này không làm ảnh hưởng đến Barbara. Cô vẫn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê sáng tác. Năm 1928, Barbara xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ 2 mang tên Chuyến du hành của Norman D. Một lần nữa, tác phẩm của Barbara được giới phê bình văn học đánh giá cao.

Theo The Guardian, trong thời gian sáng tác Chuyến du hành của Norman D, gia đình Barbara gặp nhiều vấn đề lớn. Cha cô, ông Roy Wilson, phải lòng một người phụ nữ khác và rời bỏ vợ con.

Kể từ đó, Barbara và mẹ gặp rắc rối về tài chính. Cả hai phải sống nhờ nhà người quen ở Pasadena. Mối quan hệ của hai mẹ con dần rạn nứt và quyết định tạm xa nhau một thời gian.

Bà Helen trở về quê nhà, tiếp tục viết sách về những chuyến đi của mình. Barbara sống với người giám hộ mới, Tiến sĩ Ture Schultz, ở Pasadena.

Tại đây, cô gái trẻ theo học tại Pasadena Junior College. Sau đó, cô bỏ trốn và quyết định kiếm sống bằng nghề đánh chữ thuê tại San Francisco.

Cuộc chạy trốn thất bại, Barbara bị bắt giữ vài ngày và đưa về Pasadena. Câu chuyện của thiên tài văn học bị lan truyền khắp nước Mỹ. Cô nói với giới truyền thông rằng cuộc sống ở Pasadena rất tệ hại.

Không lâu sau đó, Barhara chuyển đến Washington cùng mẹ. Hai mẹ con cùng nhau hoàn thành và xuất bản tác phẩm Những lỗ hổng ma thuật.

Cặp mẹ con tiếp tục chuyển đến sinh sống trong một căn hộ ở New York. Trong thời gian này, Barhara tập trung sáng tác tiểu thuyết thứ 3 mang tên Hòn đảo đi lạc.

Những cuộc cãi vã của Barhara và mẹ càng trở nên tồi tệ. Khi đó, cô gái 16 tuổi buộc phải làm nhiều công việc khác nhau như lên ý tưởng cho sách và đánh chữ thuê.

Mùa hè năm 1931, Barbara sống trong một căn nhà gỗ ở Vermont và gặp gỡ Nickerson Rogers, một sinh viên đại học. Nhờ có chung sở thích, cả hai nhanh chóng gắn bó và kết hôn.

Dù đã kết hôn và phải thường xuyên di chuyển chỗ ở, Barbara vẫn tiếp tục viết những tác phẩm liên quan đến cuộc đời cô.

Cuộc sống hôn nhân dần trở nên nhạt nhòa, Barbara chán nản vì Rogers bận rộn thường xuyên, không thể dành nhiều thời gian cho cô.

Tối ngày 7/12/1939, sau khi cãi nhau với chồng, Barbara bỏ nhà đi cùng 500 USD và một cuốn sổ. Cô biến mất, không ai tìm thấy tung tích của cô.

Biết tin con gái mất tích, ông Roy Wilson đăng bài viết Gửi con gái mất tích cả năm trời lên tạp chí The Atlantic. Ông bày tỏ sự đau xót và hối hận khi rời bỏ con gái, khiến cuộc sống của cô trở nên bế tắc.

Nhiều giả thiết đặt ra xung quanh sự mất tích của nhà văn trẻ. Stephan Cooke, họ hàng của Barbara, cho rằng cô đã chuyển đến nơi khác và bắt đầu cuộc sống mới. Em gái cùng cha khác mẹ của Barbara, suy đoán Barbara đã đến White Mountains và bỏ mạng tại đó. Đến nay, tung tích của nhà văn 25 tuổi vẫn là một bí ẩn.

Minh Thúy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thien-tai-nhi-o-the-ky-xx-phat-hanh-tieu-thuyet-nam-12-tuoi-post1150413.html