Thiên tai ngày càng khốc liệt - Bài cuối: Nỗi lo mang tên thủy điện

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 73 hồ chứa nước thủy lợi, với tổng dung tích hữu ích là 515 triệu m3 nước; tổng diện tích lưu vực là khoảng 585,4 km2. Tại Quảng Ngãi, số lượng hồ chứa nước cũng rất lớn, đa số đã xuống cấp, nguy cơ lớn.

Xây dựng nâng cấp cống Nam, hồ Phú Ninh, Quảng Nam.

Nguy cơ tiềm ẩn

Các công trình hồ chứa được xây dựng tại 12/18 huyện, thành phố. Còn tại Quảng Ngãi, có 122 hồ chứa nước, 459 đập dâng, 6 đập ngăn mặn và 130 trạm bơm. Tổng năng lực tưới thiết kế là hơn 89.500 ha. Thế nhưng hầu hết các hồ chứa thủy lợi xây dựng trong giai đoạn 1975-1990, thông số kỹ thuật chưa chuẩn xác, việc thi công chủ yếu bằng thủ công nên chất lượng công trình còn nhiều mặt hạn chế.

Đặc biệt, nhiều hồ chứa nước tự điều tiết bằng tràn tự do, vì vậy khi mực nước hồ đến cao trình mực nước dâng bình thường thì lưu lượng lũ trong lưu vực đến bao nhiêu sẽ xả qua tràn bấy nhiêu, hồ không thể điều tiết các cơn lũ cuối vụ, không hạn chế việc cắt lũ, giảm lũ, chậm lũ ở vùng hạ du.

Càng đáng lo, mới đây qua kiểm tra đã kết luận nhiều hồ chứa xuống cấp trầm trọng. Tại Quảng Nam, các hồ chứa nước thủy lợi do địa phương quản lý, khai thác có khoảng 30 hồ chứa có hiện tượng sụt lún, xói lở mái thượng, hạ lưu đập, lòng hồ bị bồi lấp khá lớn, cửa cống và thiết bị đóng mở xuống cấp rò rỉ, tràn xả lũ bị bong vữa, nứt nẻ hoặc là tràn đất tự nhiên có khẩu độ còn nhỏ, khả năng thoát lũ lũ kém, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Cụ thể, số lượng đập bị thấm 18 cái; biến dạng mái đập 8 cái; xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng 5 cái.. Như hồ Đập Đá, hồ Hóc Kết, đập Hóc Bầu, những hồ chứa này hiện nay nếu hệ thống đóng mở và lan can bảo vệ bị hư hỏng thì khớp nối cống áp lực cũng bị gãy, rò rỉ hay đáy thân tràn bị rò rỉ từ thượng ra hạ lưu. Mặt cắt ngang của đập chính hầu hết các hồ đập bị biến dạng mạnh và lún sụt nhiều; đập chính bị thấm qua thân đập…

Theo ông Huỳnh Tấn Đức- Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam, kiểm tra bằng trực quan nhận thấy các đập đảm bảo an toàn. Tuy vậy, có một số hạng mục hư hỏng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đập. Cần có những thiết bị hiện đại và giải pháp khoa học mới đánh giá chính xác mức độ an toàn đập; Yêu cầu thực hiện quản lý an toàn đập đòi hỏi chi phí quá lớn vượt khả năng tài chính của chủ đập nên rất khó đảm bảo thực hiện.

Rõ ràng nguy cơ mất an toàn đập vẫn nỗi lo lớn.

Nỗi lo mang tên thủy điện

Còn nhớ sự cố vỡ cửa van số 2 tại hồ chứa nước Thủy điện Sông Bung 2 vào lúc 16h25 ngày 13/9/2016, với hơn 26 triệu m3 nước, tương đương 1/10 dung tích của hồ chứa sông Bung 2, đổ về xuôi đã tạo ra cơn lũ dữ, nhấn chìm nhiều ngôi làng thuộc xã La Êê và xã Zuôih huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Chưa hết, người dân huyện Bắc Trà My sống gần Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn canh cánh nỗi lo động đất, sự cố nước.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, đến nay, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh có 32 dự án với tổng công suất 450,76MW; điện lượng bình quân năm 1.755,16 triệu kWh/năm. Đó là chưa nói trong quá trình quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án thủy điện vừa và nhỏ, qua rà soát, UBND tỉnh đã loại khỏi quy hoạch 27 dự án thủy điện. Còn tại tỉnh Quảng Ngãi hiện có 6 dự án thủy điện đã hoàn thành đưa vào sử dụng, ngoài ra có 13 dự án thủy điện khác nằm trong quy hoạch thủy điện được đầu tư. Các dự án thủy điện này chủ yếu nằm ở các huyện miền núi.

Vẫn theo Sở Công thương Quảng Nam, với 11 hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ đã đi vào vận hành phát điện, Bộ Công thương đã phê duyệt Quy trình vận hành của 5 hồ chứa; UBND tỉnh phê duyệt Quy trình vận hành hồ của 4 hồ chứa; 2 nhà máy thủy điện (Sông Cùng, Đại Đồng) thuộc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ nhưng không có hồ chứa nên không có Quy trình vận hành hồ tại hồ chứa.

UBND tỉnh cũng đã thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, về công tác quản lý an toàn đập, vận hành các hồ chứa thủy điện cũng như các vấn đề liên quan khác, giao Sở Công thương triển khai nhiều văn bản yêu cầu các chủ đập thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, vận hành các hồ chứa thủy điện. Cùng với đó là công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý an toàn đập của các chủ đập.

Tuy nhiên, tại địa phương này những năm gần đây người dân rất lo sợ với việc xả lũ của các nhà máy thủy điện. Thậm chí trời đang nắng nước sông cũng bất ngờ dâng cao khiến bà con trở tay không kịp. Nhiều người dân sinh sống vùng hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn bày tỏ lo ngại, mỗi khi mùa mưa lũ về lại nơm nớp lo sợ thủy điện xả lũ gây ngập cuốn trôi nhà cửa. Mà thực tế đã từng xảy ra, hơn 7 năm trước, thủy điện A Vương xả lũ cùng với mưa lớn khiến nước sông Vu Gia dâng cao gây lũ dữ cuốn trôi và vùi lấp nguyên một ngôi làng ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

Anh Phạm Văn Thạnh ở thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, mỗi khi nói về trận lũ quét chỉ một một đêm đã làm nhà cửa vùi lấp trong cát, anh luôn tỏ ra lo lắng: “Không có gì kinh hoàng bằng lũ quét, chỉ một đêm cả làng Đại Mỹ bị san bằng”.

Dù chính quyền đã có phương án di dời dân, thế nhưng theo nhận định của các cơ quan chức năng, trong phương án di dân khi có thảm họa thì số lượng người dân Quảng Nam cần sơ tán dọc theo hạ du là trên 62.000 người/145 thôn, khối phố của 51 xã, thị trấn của 8 huyện/thành phố như: Bắc Trà My, Tiên Phước, Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Hiệp Đức, Điện Bàn và TP Hội An... Điều đó cũng đã cho thấy hệ lụy không hề nhỏ khi có sự cố không may xảy ra.

Sống dưới những “quả bom nước”, người dân khó mà an tâm với việc xả lũ của thủy điện. Mùa mưa bão năm nay, cho dù đã có những sự phối hợp, cam kết nhưng người dân vẫn mong chờ một sự giám sát chặt chẽ để hạ lưu không còn gánh những cơn lũ kinh hoàng.

Để hạn chế những thiệt hại về tài sản và đảm bảo tuyệt đối tính mạng của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 909/QĐ-TTg, về Quy trình vận hành liên hồ chứa khu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Theo đó, ngay từ ngày 1/9 đến 15/9 hằng năm, các hồ A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 phải vận hành hồ chứa theo quy trình mới này nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình, hồ đập, góp phần giảm lũ hạ du, đảm bảo hiệu quả phát điện. Các thủy điện còn phải hạ mực nước đón lũ, tăng dung tích phòng lũ so với quy trình cũ.

[Thiên tai ngày càng khốc liệt - Kỳ 1: Sống trong vùng sạt lở, động đất]

Tấn Thành

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/thien-tai-ngay-cang-khoc-liet-bai-cuoi-noi-lo-mang-ten-thuy-dien-tintuc411405