Thiên tai liên tiếp hoành hành

Hơn 140 người chết, hàng trăm người bị thương trong trận động đất ở Indonesia tối 5.8. Châu Âu đang đối mặt với đợt nắng nóng khủng khiếp, trong khi hạn hán đang đe dọa mùa màng của nông dân Australia.

Động đất khiến hơn 140 người chết, hàng trăm người bị thương ở Indonesia. Ảnh: Reuters

Động đất ở Indonesia

Trận động đất 7,0 độ richter rung chuyển các hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia là Lombok và Bali tối 5.8 với hơn 100 dư chấn kèm theo sau đó. Phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ thảm họa thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) Sutopo Purwo Nugroho cho biết, tất cả nạn nhân là người Indonesia, trong đó có 2 người thiệt mạng ở Denpasar, Bali, còn lại đều ở Lombok. Ngoài con số thương vong, hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại do động đất.

Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, tâm chấn động đất ở độ sâu 10km trên đảo Lombok, dù báo cáo ban đầu cho biết, tâm chấn ở ngoài khơi. Đây là trận động đất gây thương vong thứ 2 trong tuần tại quốc đảo Đông Nam Á này. Trước đó, trận động đất 6,4 độ richter khiến 14 người chết trên đảo Lombok và hàng trăm người bị mắc kẹt ở 1 ngọn núi lửa.

Tổng thống Joko Widodo đã gửi lời chia buồn sâu sắc, đồng thời cam kết xây dựng lại các tòa nhà bị hư hại. Ông nhấn mạnh, lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục đánh giá toàn diện thiệt hại.

Theo các quan chức cứu hộ, phần lớn thiệt hại xảy ra ở Mataram - thành phố lớn của Lombok. Bali cũng hứng chịu tác động của trận động đất với 2 trung tâm mua sắm, 1 ngôi đền ở Ubud bị hư hại. Dù có thiệt hại, nhưng sân bay ở Lombok và Bali vẫn tiếp tục hoạt động tối 5.8.

Bão lụt, hạn hán hoành hành

Ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu… đang đối diện với tình trạng hạn hán, nắng nóng hay mưa lũ. Theo Reuters, lượng mưa thấp kỷ lục và các mùa liên tiếp có nhiệt độ trên mức trung bình đã tàn phá những vùng đất chăn thả và canh tác của Australia. Hạn hán chưa có dấu hiệu kết thúc khiến 99% New South Wales - bang chiếm 1/4 giá trị sản lượng nông nghiệp của Australia điêu đứng. Nông dân phải vận chuyển cỏ từ các khu vực phía tây hoặc phía bắc để nuôi đàn gia súc. Nhiều nơi, chủ trang trại buộc phải giết mổ gia súc, bất chấp việc sẽ mất nhiều năm để gây lại.

Năm ngoái, hạn hán khiến sản lượng nông nghiệp Australia ở mức thấp nhất trong 1 thập kỷ. Năm nay, thậm chí có thể tồi tệ hơn, theo Reuters. Cơ quan dự báo của Australia ước tính, sản lượng lúa mì năm nay giảm còn 21,9 triệu tấn và cảnh báo sẽ giảm hơn nếu tiếp tục không có mưa. “Đây là 1 đợt hạn hán gây sốc” - Thủ tướng Malcolm Turnbull nói.

Chính phủ LB Australia hôm 5.8 công bố gói hỗ trợ trị giá 190 triệu đôla Australia cho các nông dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, đưa tổng gói cứu trợ hạn hán của chính phủ lên 576 triệu đôla Australia. Chính phủ bang New South Wales cũng chi hơn 1 tỉ đôla Australia hỗ trợ nông dân.

Trong khi đó, sau 1 tuần nắng nóng kỷ lục, EU Observer ngày 6.8 cho hay, tuần này, nhiệt độ dự kiến sẽ tiếp tục tăng ở mức trên 30 độ C ở nhiều nước Châu Âu. Cuối tuần qua, cháy rừng tiếp tục xảy ra ở Bồ Đào Nha.

Nông dân nhiều nơi ở Châu Âu đang phải đối mặt với thiệt hại do hạn hán khắc nghiệt. “Tôi trồng trọt 30 năm nhưng chưa bao giờ thấy kiểu thời tiết nóng và khô này” - nông dân Phần Lan Max Schulman cho biết trên NBC News.

Một nghiên cứu mới từ Oxford hồi tháng trước cho biết, sóng nhiệt ở Châu Âu đã tăng hơn gấp đôi do biến đổi khí hậu. “Những gì từng được coi là thời tiết nóng ấm bất thường sẽ phổ biến - trong một số trường hợp, nó đã xảy ra” - nhà nghiên cứu Friederike Otto từ Viện biến đổi môi trường, Đại học Oxford cho biết. Theo ông, xã hội phải chuẩn bị đối diện với các đợt sóng nhiệt thường xuyên hơn.

THANH HÀ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/thien-tai-lien-tiep-hoanh-hanh-623591.ldo