Thiên tai gây nhiều thiệt hại về người và tài sản

Theo báo cáo nhanh ngày 31/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, những ngày vừa qua, thiên tai đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Nhiều bản làng ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An bị ngập lụt nặng. Ảnh: Duy Khánh - TTXVN

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, thiệt hại do mưa lũ tính đến ngày 30/8/2018 như sau: Người chết: 03 người (tăng 02 người so với báo cáo ngày 29/8/2018). Về nhà ở: 371 nhà bị sập đổ, hư hỏng, ngập nước (Điện Biên: 68 nhà; Sơn La: 31 nhà; Thái Nguyên: 01 nhà; Hòa Bình: 17 nhà, Yên Bái: 01 nhà, Thanh Hóa: 225 nhà, Nghệ An: 28 nhà); 54 nhà phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 45 nhà; Thái Nguyên: 01 nhà, Điện Biên: 05 nhà; Nghệ An: 03 nhà).

Về nông nghiệp: 1.006 ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại (Điện Biên: 270 ha; Bắc Kạn: 44ha; Sơn La: 104 ha; Hòa Bình: 462 ha, Thanh Hóa: 127ha). Về chăn nuôi: 73 con gia súc, 100 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về thủy sản: 53 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Về thủy lợi: 150m kè và 560m kênh mương bị hư hỏng, thiệt hại. Về giao thông: sạt lở 729.126 m3 đất đá.

Hiện tại các tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành địa phương, chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ đặc biệt là thông tuyến tại các điểm sạt lở ảnh hưởng đến giao thông: Quốc lộ 6 qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã được khắc phục, thông xe bước đầu. Các tuyến Quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Điện Biên về cơ bản đã được thông xe. Quốc lộ 37 qua địa bàn tỉnh Yên Bái hiện đang được xử lý. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được.

Các tỉnh đã cử các đoàn xuống các khu vực bị ảnh hưởng để cập nhật thiệt hại, chỉ đạo các ban ngành tổ chức di dời tài sản, giúp đỡ người dân khắc phục sự cố ổn định cuộc sống cho người dân.

Về tình hình lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, theo báo cáo nhanh của Chi cục Phòng, chống thiên tai Miền Nam, tỉnh An Giang đã di dời 114 hộ, dự kiến lũ ở mức báo động 3 sẽ di dời 1.790 hộ. Các tỉnh khác chưa phải di dời dân, nếu lũ lên báo động 3, riêng tỉnh Đồng Tháp khả năng không ảnh hưởng đến khu vực dân cư; tỉnh Kiên Giang phải di dời khoảng 3.427 hộ dân; tỉnh Long An phải di dời khoảng 8.723 hộ dân. Hiện, lũ chưa ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh, các địa phương đang khẩn trương thống kê, rà soát số lượng các điểm trường, học sinh bị ảnh hưởng nếu nước lũ lên báo động 3.

Do lũ thượng nguồn sông Cửu Long về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long đang lên. Mực nước lúc 7h ngày 31/8 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu 3,81m, dưới báo động 2 là 0,19m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc 3,38m, dưới báo động 2 là 0,12m.

Dự báo trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến khoảng ngày 12-14/9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3 (Tân Châu: 4,5m, Châu Đốc: 4,0m), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 - báo động 3, có nơi trên báo động 3; đến ngày 05/10/2018, mực nước sẽ lên trên báo động 3 từ 0,1-0,3m (Tân Châu: 4,6-4,8m, Châu Đốc: 4,1-4,3m). Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Về tình hình lũ khẩn cấp trên sông Mã, sông Bưởi, sông Thao; hệ thống sông Thái Bình, sông Đà: Lũ trên sông Thao đang lên nhanh; sông Bưởi, sông Mã, sông Cả đang lên; sông Cầu, sông Thương và lưu lượng đến hồ Hòa Bình (sông Đà) đang biến đổi chậm; sông Lục Nam đang xuống; riêng sông Mã tại Hồi Xuân đạt đỉnh ở mức 66,05m (trên báo động 3 là 2,05m), tương đương lũ lịch sử năm 2007. Mực nước lúc 01h ngày 31/8 trên các sông như sau: sông Lục Nam tại Lục Nam 4,53m (trên báo động 1 là 0,23m); sông Thương tại Phủ Lạng Thương 5,71m (trên báo động 2 là 0,41m); sông Cầu tại Đáp Cầu 4,74m (trên báo động 1 là 0,44m); sông Thao tại Yên Bái 30,69m (dưới báo động 2 là 0,31m), tại Phú Thọ 16,71m (dưới báo động 1 là 0,79m); sông Đà, lưu lượng đến hồ Hòa Bình 10.000m3/s (ở mức báo động 2); trên sông Bưởi tại Kim Tân 11,10m (trên báo động 2 là 0,1m); sông Mã tại Cẩm Thủy 21,00m (trên báo động 3 là 0,5m), tại Lý Nhân 10,50m (dưới báo động 2 là 0,5m), tại Giàng 4,20m (trên báo động 1 là 0,2m); sông Cả tại Dừa 21,09m (trên báo động 1 là 0,59m).

Dự báo lũ trên sông Thao tiếp tục lên nhanh; sông Bưởi, sông Mã, sông Cả tiếp tục lên, lưu lượng đến hồ Hòa Bình (trên sông Đà) tiếp tục biến đổi chậm, sông Lục Nam tiếp tục xuống. Lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu sẽ đạt đỉnh ở mức 5,0m (trên báo động 1 là 0,7m), trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương đạt đỉnh ở mức 5,9m (trên báo động 2 là 0,6m) vào ngày 31/8, sau xuống chậm. Đến chiều tối 31/8, mực nước trên các sông như sau: sông Thương tại Phủ Lạng Thương xuống mức 5,3m (ở mức báo động 2); sông Cầu tại Đáp Cầu xuống mức 4,5m (trên báo động 1 là 0,2m); sông Lục Nam tại Lục Nam xuống mức 3,5m (dưới báo động 1 là 0,8m); sông Thao tại Yên Bái lên mức 32,8m (trên báo động 3 là 0,8m), tại Phú Thọ lên mức 18,1m (dưới báo động 2 là 0,1m); sông Đà, lưu lượng đến Hòa Bình xuống mức 7.000m3/s (dưới báo động 1 là 1.000m3/s); sông Bưởi tại Kim Tân lên mức 12,2m (trên báo động 3 là 0,2m); sông Mã tại Lý Nhân lên mức 12,2m (trên báo động 3 là 0,2m), tại Giàng là 5,5m (ở mức báo động 2); sông Cả tại Dừa lên mức 22,8m (trên báo động 2 là 0,3m), tại Nam Đàn lên mức 5,4m (ở mức báo động 1).

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt: cấp 2; riêng Thanh Hóa, Yên Bái, Phú Thọ: cấp 3.

Về tình hình hồ chứa, các hồ cắt lũ hệ thống sông Hồng: Hiện mực nước hồ Hòa Bình đang cao hơn mực nước cho phép 2,21m (do xuất hiện lũ trong thời kỳ lũ muộn). Các hồ khác đang vận hành bình thường theo quy trình. Trong 191 hồ cập nhật thông tin vận hành, hiện có 58 hồ xả điều tiết qua tràn, trong đó: Bắc Bộ: 20/73 hồ, Bắc Trung Bộ: 07/16 hồ, Tây Nguyên: 27/69 hồ, duyên hải Nam Trung Bộ: 01/28 hồ, Đông Nam Bộ: 03/05 hồ.

Để ứng phó với thiên tai, ngày 30/8/2018, 04 đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do các thành viên Ban chỉ đạo thuộc các Bộ: Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Giao thông vận tải làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Phước, Bến Tre và Tiền Giang. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Thông báo số 440/TWPCTT-VP đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An đã có báo cáo về tình hình thiệt hại và công điện chỉ đạo các cơ quan chức năng ứng phó với mưa, lũ quét, sạt lở đất.

Đối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, học sinh, trẻ em khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ; khẩn trương thu hoạch lúa hè thu và bảo đảm an toàn cho diện tích lúa thu đông. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại Công điện số 45/TWPCTT ngày 27/8/2018. Các tỉnh An Giang và Kiên Giang thực hiện các biện pháp ứng phó với việc vận hành xả lũ đập tràn Trà Sư, Tha La theo nội dung Công văn số 438/TWPCTT-VP của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam phối hợp với Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Nam cung cấp các thông tin dữ liệu, xây dựng các bản đồ ứng phó với lũ; bố trí cán bộ giao ban hàng ngày tại Văn phòng Chi cục phòng, chống thiên tai miền Nam.

Đối với các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp để ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất theo nội dung Thông báo số 440/TWPCTT-VP ngày 30/8/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục, thông tuyến các tuyến đường bị ách tắc, chia cắt do mưa lũ, sạt lở đất.

Riêng các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác hệ thống đê điều để kịp thời phát hiện sự cố, xử lý giờ đầu theo phương châm ʻʻbốn tại chỗʼʼ, đảm bảo an toàn; tổ chức lực lượng kiểm tra, kịp thời sơ tán người dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập lụt…/.

Đặng Hiếu

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/thien-tai-gay-nhieu-thiet-hai-ve-nguoi-va-tai-san-496061.html