Thiên phóng sự ám ảnh về những phận người từ 'hành trình tử thần'

Có thể xem Hành trình tử thần - Ghi chép từ nước Anh của nhà báo Đào Duy Bình là thiên phóng sự đầy ám ảnh về những phận người. Họ ra đi từ những làng quê của Việt Nam, mong tìm sự đổi đời nhưng trong hành trình đó, không ít người đã phải đánh đổi bằng sức khỏe, hạnh phúc gia đình, thậm chí là tính mạng.

Ngày 1-12, tại Đường sách TPHCM, NXB Tổng hợp TPHCM tổ chức chương trình giao lưu ra mắt sách Hành trình tử thần - Ghi chép từ nước Anh của nhà báo Đào Duy Bình.

Chương trình có sự tham gia của nhà báo Dương Thành Truyền cùng đông đảo đồng nghiệp của tác giả. Đặc biệt, từ trang sách, hai vợ chồng ông Trần Văn Sử và bà Lê Thị Mỹ Lệ, vừa trở về Việt Nam cũng tham dự chương trình.

Cuốn sách được bắt đầu từ tấn thảm kịch ngày 23-10-2019 khiến cả thế giới rúng động khi phát hiện thi thể 39 người Việt (29 đàn ông, 8 phụ nữ và 2 thiếu niên 15 tuổi) trong một container đông lạnh tại Khu công nghiệp Waterglade (Hạt Essex); và khép lại là sự kiện tiếp tục làm chấn động nước Anh hôm 7-5-2022, khi một xưởng gỗ ở khu nhà Bismark House Mill tại Oldham, Manchester bị cháy với bốn người Việt mất tích mà “mọi hướng điều tra đều dẫn đến nạn buôn người”.

Nhà báo Đào Duy Bình (giữa) và nhà báo Dương Thành Truyền cùng chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách "Hành trình tử thần - Ghi chép từ nước Anh"

Nhà báo Đào Duy Bình (giữa) và nhà báo Dương Thành Truyền cùng chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách "Hành trình tử thần - Ghi chép từ nước Anh"

Trước thảm kịch ngày 23-10-2019, nhà báo Đào Duy Bình từng có nhiều lần đến Anh. Anh cho biết, lần đầu tiên đến Anh vào khoảng năm 2009, 2010 nhưng không ấn tượng bằng lần thứ 2 vào năm 2012. Thời điểm đó, anh sang Anh tác nghiệp tại Thế vận hội Olympic. Nhờ quen biết với vợ chồng ông Sử và bà Lệ, anh xin được ngủ cùng với những người Việt làm việc ở nhà hàng của hai ông bà.

“Ở đó, không chỉ có người Việt mà còn có người Hoa, Malaysia… Tất cả họ đều không có giấy tờ. Tôi đến ngủ cùng với họ, và trong đầu hiện lên ý nghĩ, cuộc sống của những người không có giấy tờ tùy thân, họ vô hình nhưng họ vẫn phải làm việc. Và họ làm việc với mục tiêu là tích lũy tiền bạc để gửi về quê cho gia đình”, anh Bình nhớ lại.

Đang ở Anh, hai vợ chồng ông Trần Văn Sửu và bà Lê Thị Mỹ Lệ (góp mặt trong sách) cũng về Việt Nam tham dự chương trình

Từ hành trình của những người Việt nhập cư bất hợp pháp, cộng thêm câu chuyện của người anh trai sang Đức hợp tác lao động vào năm 1988, tất cả trở thành ý tưởng và động lực để nhà báo Đào Duy Bình quyết tâm theo đuổi thực hiện cuốn sách về vấn đề người Việt sang lao động tại châu Âu.

Những câu chuyện "chấn động" từ nước Anh năm nào nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc

Là một trong những người đầu tiên tiếp xúc với cuốn sách Hành trình tử thần - Ghi chép từ nước Anh khi còn ở dạng bản thảo, nhà báo Dương Thành Truyền cho rằng, cái hay của cuốn sách này là được viết rất chân thực, văn phong giản dị nhưng những câu chuyện rất chân thực. Theo ông, chính sự chân thực đó thu hút bạn đọc.

“Và đặc biệt, đây sẽ là tài liệu thuyết phục, đáng tin cậy, cung cấp những trường hợp điển cứu (study case) cho các nhà khoa học, và những ai thực sự quan tâm đến một trong những vấn đề toàn cầu ngày nay - di cư và hội nhập”, nhà báo Dương Thanh Truyền chia sẻ.

Có mặt tại chương trình, nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ sự ngưỡng mộ với nhà báo Đào Duy Bình. Bởi theo ông, ở vào tuổi gần 50 nhưng lửa nghề trong anh vẫn hừng hực. Thêm vào đó, thông qua cuốn sách vừa ra mắt, nhà báo Đào Duy Bình Bình còn góp phần truyền lửa cho các bạn sinh viên báo chí.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//thien-phong-su-am-anh-ve-nhung-phan-nguoi-tu-hanh-trinh-tu-than-860636.html