Thiên nhiên kì bí: Vùng đất của kẻ ngự trị bóng đêm và sự chết chóc

Phía sau làn nước xanh là một thế giới bí ẩn – đại dương, nơi con người chưa bao giờ đặt chân khám phá.

Nhân loại đã giải mã Mặt Trăng, sao Hỏa hay vô số các bí mật khác của vũ trụ, nhưng với đại dương trên chính Trái Đất của mình mãi mãi là một ẩn số, một vũ trụ khác không lời đáp.

Độ sâu trung bình của toàn bộ đại dương là khoảng 3.500m. Và điểm sâu nhất dưới đáy đại dương có tên gọi là Điểm thách thức nằm trong rãnh Mariana ở phía tây Thái Bình Dương, nơi có độ sâu lên đến hơn 11.000m.

Theo các nhà khoa học, phần lớn các rãnh và vùng lõm sâu này được hình thành cách đây 65,5 triệu năm trong thời kỳ Đại Tân sinh (Kainozoi).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Độ sâu của biển thành 4 cấp độ.

Từ mặt biển đến độ sâu 0,2km được gọi là vùng "cận duyên" (littoral zone).

Từ độ sâu 0,2-3km được gọi là vùng "sâu" (bathyal zone).

Từ độ sâu 3-6km được gọi là vùng "thẳm" (abyssal zone).

Nếu có độ sâu vượt quá cả vùng "thẳm" thì nơi đây sẽ có tên là vùng hadal.

Hadal zone được đặt theo tên của Hades (anh trai của Zeus và Poseidon) - vị thần cai quản địa ngục trong thần thoại Hy Lạp.

Trong thần thoại, Hades nghiêm cấm các cư dân của mình đi đến những thế giới khác và đồng thời những sinh vật bên ngoài cũng không thể nào bén mảng vào vương quốc của ông ta.

Cũng có thể hiểu rằng, vùng này còn được gọi là "nơi ở của Thần Chết", là vùng rãnh bao gồm các rãnh sâu gây ra bởi sự hút chìm mảng kiến tạo, khiến các đồng bằng vực thẳm dốc xuống độ sâu 11.000 mét.

Tổng diện tích của vùng hadal chỉ chiếm khoảng 0,2% của toàn bộ diện tích đáy biển nhưng lại chiếm đến 45% tổng chiều sâu của biển cả.

Ở đây vẫn có động vật sinh sống và phát triển mạnh, nhưng phần lớn chúng đều bị mù vì môi trường sống của chúng gần như không tồn tại ánh sáng.

Những cư dân hiếm hoi của vùng đại dương sâu thẳm

Vì lý do áp suất nên cơ thể của mỗi loài chỉ có thể thích nghi với một độ sâu nhất định. Chúng không thể vượt qua được giới hạn mà cơ thể của chúng đã đặt ra. Nếu không, những rối loạn nghiêm trọng sẽ xảy ra và chúng sẽ nhanh chóng tử vong.

Cụ thể, áp lực ở vùng hadal sẽ dao động từ 600 đến 1.100 atm. Áp suất tại điểm sâu nhất sẽ tương đương với trọng lượng lên đến 1.000kg đang được đặt ở đầu ngón tay của bạn.

Ở vùng hadal, áp suất khủng khiếp dưới 11.000m nước biển đã biến nơi đây trở thành một vùng bất khả xâm phạm thật sự. Không một sinh vật nào ở tầng trên có thể thâm nhập xuống nơi này cũng như tất cả những cư dân sống ở đây đều không bao giờ có thể ngoi lên được những tầng cao hơn.

Một trong những câu nói phổ biến trong giới khoa học là: "Nếu đặt đỉnh Everest xuống rãnh Mariana, nó sẽ bị bao phủ bởi 2km nước".

Điều này chứng tỏ độ sâu khủng khiếp của những rãnh hadal. Việc chinh phục những điểm sâu này vốn gặp phải rất nhiều khó khăn.

Minh Anh (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thien-nhien-ki-bi-vung-dat-cua-ke-ngu-tri-bong-dem-va-su-chet-choc-a470767.html