'Thiên nga đen' Triều Tiên và cuộc khủng hoảng hạt nhân cuối cùng?

Các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa hội tụ, cả thế giới hồi hộp theo dõi thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra với hy vọng về một nền hòa bình mong manh.

Những tháng vừa qua là giai đoạn khủng hoảng tâm lý đối với những ai nghiên cứu lâu năm về Triều Tiên. Sự giảm nhiệt nhanh chóng của cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo này đang diễn ra với những logic rất khó lý giải.

Câu chuyện bán đảo Triều Tiên hiện nay là tiêu biểu cho hiện tượng “thiên nga đen” - sự kiện với xác suất rất nhỏ, nhưng có tác động rất lớn và phá vỡ những nhận thức cố hữu trước đó. Sau hàng thập kỷ thà chịu đói nghèo chứ không chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân và sau bao nhiêu lời lẽ đanh thép đe dọa chiến tranh, không ai nghĩ rằng Triều Tiên cuối cùng cũng sẽ xuống nước.

Thế nhưng đến nay những dấu hiệu cho thấy điều đó đang trở thành hiện thực. Cuộc gặp liên Triều hôm 27/4 đã đạt những kết quả khả quan, dù không mới. Nó tạo nền tảng hết sức thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên trong lịch sử vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới đây giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un sải bước cạnh nhau trong cuộc thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un sải bước cạnh nhau trong cuộc thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4. Ảnh: Reuters.

Bước tiến lớn trong năm thập kỷ hạt nhân

Nhìn lại lịch sử, cuộc khủng hoảng hạt nhân đã kéo dài hơn năm thập kỷ qua. Thập niên 1970 là giai đoạn bước ngoặt của Đông Á: chiến tranh Việt Nam kết thúc, rạn nứt sâu sắc giữa Trung Quốc và Liên Xô, cái bắt tay lịch sử giữa Mỹ và Trung Quốc, sự phát triển thần tốc của con hổ châu Á Hàn Quốc, hàng chục nghìn lính Mỹ vẫn đóng quân ở thủ đô Seoul...

Triều Tiên khi đó là quốc gia tương đối nhỏ bé, đối đầu với một Hàn Quốc đang lên về cả sức mạnh kinh tế lẫn quân sự cũng như bị “kẹt” giữa 4 cường quốc lớn đầy mâu thuẫn: Trung Quốc, Liên Xô, Nhật Bản và Mỹ. Họ hiểu rằng một nước nhỏ ở vị trí địa chiến lược “hiểm” như thế thì rất dễ trở thành địa bàn cạnh tranh của nước lớn. Triều Tiên đã quyết định đi nước cờ táo bạo - phát triển vũ khí hạt nhân.

Suốt năm thập kỷ qua, Triều Tiên là quốc gia đi ngược dòng trong vấn đề vũ khí hạt nhân. Khi thế giới giải trừ quân bị thì họ tăng cường năng lực hạt nhân bằng mọi giá và là nước duy nhất rút ra khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT.

Một chiếc xe quân sự chở tên lửa ngang quảng trường Kim Nhật Thành tại thủ đô Bình Nhưỡng trong diễu hành ngày 15/4/2012. Ảnh: Getty.

Đất nước này đã trải qua ba đời lãnh tụ và đạt được những bước tiến rất xa về công nghệ, từ chỗ gần như không có gì. Thứ nhất, họ đã hoàn toàn làm chủ chu trình nhiên liệu hạt nhân: từ sở hữu mỏ uran tự nhiên đến các năng lực làm giàu, sản xuất nhiên liệu, tái chế và các lò nghiên cứu. Thứ hai, Triều Tiên tự chủ hoàn toàn về công nghệ sản xuất và thu nhỏ đầu đạn. Thứ ba, để tấn công hạt nhân thì một quốc gia có thể sử dụng ba phương thức: phóng tên lửa từ tàu ngầm (SLBM), phóng tên lửa đạn đạo từ xa (ICBM) và máy bay ném bom chiến lược. Triều Tiên đã sở hữu hai phương thức đầu tiên.

Như vậy, cùng với việc đã làm chủ được khả năng sản xuất, thu nhỏ đầu đạn và tấn công, Triều Tiên thực tế đã trở thành một quốc gia hạt nhân - dù chưa được công nhận chính thức.

Lễ diễu binh với hàng chục nghìn người tham dự ở Triều Tiên Triều Tiên tổ chức lễ diễu binh với hàng chục nghìn người tham dự và trình diễn nhiều loại vũ khí. Diễu binh là cách Triều Tiên sử dụng để phô trương sức mạnh quốc phòng.

Và tất nhiên cái giá phải trả là không hề nhỏ. Đó cũng là giai đoạn trường kỳ nhịn ăn nhịn mặc, trải qua nạn đói kéo dài 4 năm 1994-1998 và sau đó là những đợt siết chặt cấm vận của phương Tây. Đến nay, quy mô GDP của Triều Tiên chỉ bằng 1/40 so với Hàn Quốc. Sự chênh lệch đó lớn hơn rất nhiều nếu so sánh Đông Đức và Tây Đức khi sáp nhập là 1/6.

Cả về chính trị, văn hóa, hay giao lưu nhân dân, Triều Tiên bị cô lập gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài, trở thành nỗi bí ẩn và cả sự bêu riếu cho báo chí phương Tây. Trong đời sống chính trị quốc tế, khi bạn bí ẩn khó đoán, sở hữu vũ khí nguy hiểm, bị cô lập và không có giá trị chiến lược hay sức hấp dẫn về kinh tế, thì sẽ chẳng mấy ai chơi với bạn.

Những bước gây hấn và khủng hoảng

Tuy nhiên, cũng cần phải nói công bằng rằng lỗi ở đây không hoàn toàn chỉ nằm ở Triều Tiên. Một phần lớn nữa còn nằm ở nước Mỹ tự coi mình là quá mạnh sau Chiến tranh Lạnh và thiếu tôn trọng lợi ích các nước nhỏ.

Cuộc khủng hoảng đầu tiên nổ ra vào năm 1994 khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA phát hiện những dấu hiệu “đi đêm” phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Thỏa thuận Hiệp định khung sau đó được ký kết với nỗ lực của cựu tổng thống Jimmy Carter đã xoa dịu tình hình những năm sau đó, nhưng không khiến hai bên thấy hài lòng.

Câu chuyện tiếp tục cho đến năm 2001 khi chính quyền Bush "con" đưa Triều Tiên vào danh sách “trục ma quỷ”, gián tiếp kích động nước này rời bỏ Hiệp ước NPT vào năm 2003. Cuộc đàm phán 6 bên vào năm 2005 đưa ra được bản tuyên bố nguyên tắc, làm dấy lên những niềm hi vọng mới, nhưng sau đó cũng không đi đến đâu.

Cựu tổng thống Bill Clinton từng hội kiến cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il năm 2009, sau khi ông đã rời nhiệm sở. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Clinton không thể giải quyết dứt điểm vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AFP.

Kể từ đó, đàm phán ngoại giao về vấn đề Triều Tiên gần như bị bỏ rơi. Mỹ và phương Tây tập trung vào cuộc vật lộn với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với bất ổn ở Trung Đông. Điều duy nhất họ làm đó là thực hiện cấm vận với hy vọng Triều Tiên sẽ xuống nước và yêu cầu Trung Quốc đưa ra hành động cụ thể.

Triều Tiên kể từ đó đã tiến hành 6 cuộc thử hạt nhân, đạt những bước tiến xa và vẫn tồn tại bất chấp cấm vận. Vấn đề bán đảo Triều Tiên liên tục là một điểm nóng được nêu trên bàn nghị sự về tình hình thế giới hơn 20 năm qua, nhưng nỗ lực thực sự để giải quyết thì chưa có gì ngoài lời nói.

Câu chuyện bán đảo Triều Tiên tưởng chừng sẽ tiếp tục “nóng và để đó” cho đến khi thay đổi lớn xuất hiện từ nước Mỹ. Ông Donald Trump bất ngờ đắc cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016, thể hiện lập trường vô cùng cứng rắn với Triều Tiên và coi đó là mối quan tâm khẩn thiết trong nhiệm kỳ của mình.

Nhân tố Donald Trump

Trong thông điệp liên bang cuối tháng 1, Tổng thống Trump đã nhắc đến Triều Tiên tổng cộng 4 lần, trong khi chỉ nhắc đến Trung Quốc 3 lần và Nga 1 lần. Điều đó phần nào cho thấy mối quan tâm của Mỹ đối với vấn đề này.

Thực tế sau đó, Mỹ có những bước đi rất mạnh để gây sức ép với Triều Tiên, cả qua kênh ngoại giao thông qua nghị quyết cấm vận của Liên Hợp Quốc và bằng các biện pháp quân sự như điều tàu sân bay đến gần bán đảo để thị uy. Song song với đó những lời lẽ đe dọa bên bờ vực chiến tranh - đúng như con bài mà Triều Tiên hay sử dụng trước đấy.

Điều đặc biệt là ông Trump nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của các phe: cái gật đầu đồng tình của Quốc hội và cả giới chuyên gia cũng như người dân, kể cả những người khó tính và “chống Trump” nhất. Mặc dù không ủng hộ chiến tranh, nhận định chung đều cho rằng, những chính quyền trước của Tổng thống Bush và Obama đều không làm được gì, thậm chí còn gây nguy hại thêm cho an ninh của nước Mỹ.

Từ khi nhậm chức, ông Donald Trump đã khẩu chiến quyết liệt với nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ảnh: Getty.

Một nước Mỹ với đặc điểm địa lý trời cho, hai bên là biển, với các láng giềng hiền hòa, cùng sức mạnh quân sự bậc nhất thế giới, thì mối đe dọa an ninh thường trực nhất chỉ đến từ vũ khí hạt nhân xuyên lục địa. Kể từ khủng hoảng 1994, Mỹ đã để cho Triều Tiên đạt được những tiến bộ vượt bậc trong cả phát triển đầu đạn hạt nhân lẫn năng lực tên lửa xuyên lục địa.

Sau gần 25 năm, Mỹ giật mình nhận ra kẻ thù không đội trời chung đã bất ngờ trở nên quá nguy hiểm: từ chỗ không một quả pháo, nay họ đã sở hữu một quả bom; và trước đây không thể bắn qua "ao" Biển Nhật Bản, thì bây giờ sắp có thể bắn vào tận phòng ngủ nhà mình. Họ hiểu rằng nếu không hành động vào lúc này thì sẽ chẳng còn lúc nào khác.

Bản thân ông Trump cũng mong muốn trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên xử lý dứt điểm được vấn đề Triều Tiên. Nếu làm được như vậy, người ta sẽ quên hết những scandal nội bộ mà ông đang đối mặt, uy tín của ông sẽ lên rất cao và thậm chí có thể được nhận giải Nobel về Hòa Bình như ông Obama tiền nhiệm.

Quan điểm của các nước đối với các vấn đề Triều Tiên. Đồ họa: South China Morning Post.

Cân bằng mới, bình thường mới

Tuy nhiên, sẽ hơi thái quá nếu nói rằng ông Trump một tay giải quyết được hết vấn đề này thông qua bao vây cấm vận. Vốn dĩ trước ông thì Triều Tiên vẫn luôn đứng vững trước các đòn trừng phạt, kể cả đó là nạn đói lịch sử.

Thực tế, cuộc khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên đang hướng về hòa dịu bởi lẽ nó đang đạt tới một cân bằng mới. Phát triển vũ khí hạt nhân đã giúp Bình Nhưỡng tái lập cân bằng cán cân về sức mạnh quân sự vốn đã ngày càng nghiêng về phía liên minh Mỹ - Hàn do ưu thế vượt trội về vũ khí thông thường.

Nhưng đến nay, câu chuyện đã sang một giai đoạn mới khi thực tế Triều Tiên trải qua trường kỳ nằm gai nếm mật đã có bước chuyển mới về chất và trở thành quốc gia hạt nhân. Dù muốn hay không, thế giới sẽ phải chấp nhận sự bình thường mới này.

Ông Kim Jong Un trò chuyện cùng Tổng thống Moon Jae In ngày 27/4. Ảnh: Reuters.

Trái ngược với các tuyên bố hùng hồn, Triều Tiên không có tham vọng “đánh thắng Mỹ”. Vài quả tên lửa hạt nhân của họ chỉ có thể làm Mỹ bị thương nhưng sau đó kết quả là sự hủy diệt toàn bộ. Triều Tiên gần như đã đạt được mục đích của mình là hoàn thành vũ khí hạt nhân, bây giờ việc họ cần chỉ là làm sao để sử dụng hiệu quả nhằm bảo vệ chế độ.

Bước tiếp theo là họ sẽ tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế, viện trợ và hợp tác kinh tế. Từng có những năm tháng tuổi trẻ ở Thụy Sỹ, ông Kim Jong Un biết rõ nước mình cần mở cửa ở một mức nhất định, tiếp tục duy trì sự ủng hộ của Trung Quốc và tránh một cuộc tấn công phủ đầu từ bên ngoài.

Mấu chốt ở đây là một khi Mỹ đồng ý đàm phán hòa dịu, thì sẽ mở ra cánh cửa cho tất cả những điều còn lại. Mỹ hiểu rõ điều này và họ đang giữ những con bài của mình lúc úp, lúc mở. Những người quan sát sẽ thầm thán phục sự vượt lên nghịch cảnh ngoạn mục của ông Kim Jong Un. Từ chỗ bị cô lập tới đường cùng, ông liên tiếp có những động thái phá thế vây, và sau đó là gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rồi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, đưa Triều Tiên vào vị thế rất tốt để hướng tới thượng đỉnh Mỹ - Triều sau đó.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Điều quan trọng nữa là các bên liên quan trong câu chuyện này đều có quan điểm tạo thuận lợi. Vốn dĩ không phải lúc nào cũng thế. Cuộc đàm phán 6 bên cách đây 10 năm không đem lại kết quả gì vì khi đó năng lực hạt nhân của Triều Tiên không mạnh như giờ và đàm phán không đáp ứng được lợi ích của từng nước. Nhưng tình thế nay đã khác.

Trung Quốc trước đây vốn muốn giữ Triều Tiên như vùng đệm an ninh trước Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Mối liên hệ đan xen, chặt chẽ giữa các tỉnh biên giới của Trung Quốc với Triều Tiên vừa khiến Bắc Kinh khó thực hiện triệt để lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, vừa tạo ra mối lo bất ổn biên giới lớn một khi chiến tranh Triều Tiên xảy ra. Bởi thế nên những thập kỷ qua Trung Quốc luôn có thái độ thận trọng đối với các đề xuất của phương Tây trong gây sức ép lên Triều Tiên.

Nhưng bản thân họ cũng không mong muốn vấn đề hạt nhân Triều Tiêu vượt khỏi tầm kiểm soát. Kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền thì mối quan hệ Trung - Triều không còn nồng ấm như trước. Và bản thân Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện hình ảnh cường quốc lãnh đạo ở khu vực và trên thế giới thì họ không muốn bị coi là bảo trợ cho một “quốc gia bất hảo” (rogue state) như cách nói của phương Tây. Vì lẽ đó, việc Trung Quốc không phủ quyết nghị quyết cấm vận mới đây của Liên Hợp Quốc là bước chuyển lớn đối với diễn biến khu vực.

Ông Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol Ju chụp ảnh cùng Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện. Ảnh: Xinhua.

Nhân tố không kém phần quan trọng nữa đến từ Hàn Quốc. Tổng thống mới Moon Jae In có nguồn gốc gia đình di cư từ Triều Tiên. Ông ủng hộ “chính sách ánh dương 2.0” thân thiện với Bình Nhưỡng và cũng mong muốn tạo dấu ấn khi mới nhậm chức.

Vị tổng thống này hiểu rằng trong mọi tình huống xấu thì kẻ chịu thiệt nhất là những người đồng bào của mình, đất nước của mình lâm vào cảnh huynh đệ tương tàn. Nếu Mỹ và Triều Tiên có rơi vào chiến tranh thì điều chắc chắn đầu tiên là thủ đô Seoul sẽ thành đống đổ nát. Còn nếu vũ khí hạt nhân có được kích hoạt thì Hàn Quốc tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng vì ở ngay bên cạnh.

Ông Moon Jae In cũng có quan điểm về một nước Hàn Quốc độc lập hơn, không quá phụ thuộc vào sự đảm bảo an ninh quân sự của Mỹ. Điều này lại rất phù hợp với cách làm mới của chính quyền Trump về việc “cân bằng từ xa”: các đồng minh của Mỹ phải mạnh, tự chủ, Mỹ chỉ đứng ở phía sau hỗ trợ.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đang chứng kiến mức tín nhiệm của mình sụt giảm và cũng đang tìm kiếm một thành tích đối ngoại. Mối lo ngại của Nhật Bản là bị gạt ra ngoài bàn đàm phán và những lợi ích an ninh của mình bị bỏ qua. Chính vì thế, ông Abe đã sang Mỹ và mới đây đánh tiếng về cuộc gặp thượng đỉnh Triều - Nhật. Nhật chưa thể cung cấp nhiều về quân sự nhưng về kinh tế thì họ có thứ để đặt lên bàn đàm phán.

Tổng thống Moon Jae In (trái) và Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: Reuters.

Và như thế cục diện bán đảo Triều Tiên tích tụ được những nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Những việc ông Trump và ông Kim Jong Un làm đã kích hoạt những bước chuyển theo hiệu ứng domino về ngoại giao giữa Triều - Hàn - Trung - Nhật dẫn tới sự hòa dịu nhanh chóng như hiện nay.

Bắt đầu sự giảm thiểu các tuyên bố cực đoan của các bên, sau đó là Thế vận hội Olympic mùa đông tại Hàn Quốc, các cuộc gặp song phương, sự xuống nước mạnh mẽ của lãnh tụ Kim Jong Un và mới đây nhất là thượng đỉnh liên Triều với hình ảnh hai nhà lãnh đạo dắt tay nhau qua biên giới. Người ta có thể thấy trong bản tuyên bố chung liên Triều bóng dáng của sự ngầm chấp thuận của hai cường quốc là Trung Quốc và Mỹ và sự chuẩn bị nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới.

Nắm tay liên Triều cho nền hòa bình mong manh?

Bản tuyên bố Bàn Môn Điếm và cái nắm tay đầy cảm xúc giữa ông Moon và ông Kim đã mang lại hy vọng khi Seoul và Bình Nhưỡng tuyên bố chấm dứt các hành động thù địch và cam kết xây dựng ổn định trên bán đảo Triều Tiên dựa trên một hiệp định hòa bình thay thế cho hiệp định đình chiến như hiện nay.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Hàn Quốc và Triều Tiên đồng thuận về một bản cam kết như vậy. Các cuộc gặp cấp cao giữa hai bên vào năm 2000 và năm 2007 cũng đạt những thỏa thuận được coi là “đột phá” về xây dựng hòa bình cũng như phi hạt nhân hóa bán đảo.

Nếu đọc kỹ những văn bản thỏa thuận từ 1994, 2000, 2007 và bây giờ, đều thấy có những nét tương đồng: hướng tới thống nhất bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy trao đổi kinh tế và chính trị, xây dựng lòng tin, cam kết không sử dụng vũ lực để giải quyết bất đồng, nỗ lực phi hạt nhân hóa trong hòa bình, hướng tới việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ, Nhật Bản và Triều Tiên,...

Khoảnh khắc ông Kim Jong Un nắm tay ông Moon Jae In cùng bước qua lãnh thổ Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Và những cái "ngày xưa" ấy cũng từng khiến cho thế giới hy vọng về hòa bình. Olympic 2018 không phải là lần đầu tiên hai đội tuyển Hàn - Triều nắm tay diễu hành chung với nhau. Thực tế là sau mỗi kỳ khủng hoảng là sự hòa dịu, là nỗ lực ngoại giao, là hy vọng. Nhưng sau đó vài năm thì căng thẳng dần quay trở lại, với cấm vận, với thử vũ khí, với những lời đe dọa, và cả những hành động thực sự như nã pháo hay đánh chìm tàu ngầm...

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tuy mang lại hiệu quả rất tích cực về mặt truyền thông, giúp tăng uy tín của cả ông Moon Jae In và Donald Trump, nhưng thực sự không mới về mặt nội dung, đặc biệt là về điều khoản liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng - vấn đề nóng bỏng nhất trong chiến lược đối phó với Triều Tiên của chính quyền Trump.

Do đó, kết quả của cuộc gặp Trump - Kim sắp tới mới là thứ sẽ quyết định tương lai của bán đảo Triều Tiên. Những sự chuẩn bị và các bước đi hòa giải từ trước đến nay sẽ là vô nghĩa nếu cuộc gặp này đổ vỡ.

Những rào cản quá lớn: Thế lưỡng nan, niềm tin

Đàm phán hòa bình không phải cứ ký là xong, mà để đạt được thỏa thuận bền vững thì phải có sự đổi chác để các bên cùng hài lòng và lòng tin phải được xây dựng.

Điều thú vị là khái niệm “phi hạt nhân hóa” được nhắc lại nhiều lần và các bên đồng ý, nhưng không ai giải thích định nghĩa và quan điểm của mình về vấn đề này. Với Mỹ, đó là Bình Nhưỡng phải dỡ bỏ hoàn toàn, chứ không chỉ đơn thuần là dừng chương trình hạt nhân. Với Triều Tiên, họ tuyên bố phải thực hiện trên cả bán đảo Triều Tiên, và nói rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc là “đe dọa hạt nhân”. Nếu họ không tìm được điểm chung thì đàm phán sẽ đi vào bế tắc.

Về mặt kĩ thuật, Mỹ luôn nhấn mạnh việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên phải đảm bảo 3 yếu tố, đó là toàn diện, kiểm chứng được, và không thể đảo ngược (CVID: complete, verifiable, and irreversible denuclearization). Để tạo điều kiện, Triều Tiên đã ngỏ ý chấp thuận cho chuyên gia Mỹ vào giám sát việc đóng cửa bãi thử hạt nhân là dấu hiệu hết sức tích cực. Nhưng theo cách nhìn của Mỹ, để đảm bảo 3 yếu tố nói trên là chưa đủ. Ngay cả khi cuộc gặp thượng đỉnh không bàn tới các yếu tố này, thì ông Trump sẽ phải yêu cầu ông Kim Jong Un thiết lập các cơ chế cần thiết để đảm bảo triển khai CVID.

Ông Trump đang đối diện với nhiều sức ép trước cuộc thượng đỉnh với Triều Tiên. Ảnh: Bloomberg.

Sự việc không chỉ dừng lại ở vấn đề hạt nhân, ông Trump phải đối diện với sức ép từ trong nước và việc Nhật Bản vận động để đưa vào thêm các điều khoản về nhân quyền, về người Nhật bị bắt cóc vào quá trình đàm phán để tiến tới gỡ bỏ cấm vận. Trong khi đó, vấn đề Triều Tiên quan tâm nhất là an ninh và lộ trình tiến tới gỡ bỏ cấm vận. Nên nếu ông Trump bỏ qua sức ép trong nước và hứa hẹn với ông Kim về vấn đề này (mà không kèm theo các điều khoản về nhân quyền) thì việc thực thi các điều khoản sẽ rất khó thông qua với quốc hội Mỹ. Cái thế lưỡng nan của ông Trump là vậy.

Về lòng tin, câu chuyện còn phức tạp hơn rất nhiều. Mỹ sẽ nhìn vào những hành xử của Triều Tiên trong những thập kỷ qua và chẳng có lý do gì để họ tin rằng những thỏa thuận sẽ được Triều Tiên tuân thủ tuyệt đối mà không “đi đêm” như trước.

Mối nghi ngờ lớn nhất của Mỹ là Triều Tiên sẽ chỉ giả vờ đàm phán, thậm chí ký thỏa thuận để được rút cấm vận, rồi mọi chuyện đâu lại hoàn đó. Thái độ của Triều Tiên tại các diễn đàn đa phương và những việc họ dám làm như nã pháo vào đảo Yeonpyong và đánh chìm tàu chiến Hàn Quốc, vụ tù nhân sinh viên người Mỹ Warmbier hay việc ám sát người được cho là Kim Jong Nam ngay trên đất Malaysia càng khiến Mỹ khó tin nổi vào lời nói và hành động của họ.

Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un. Ảnh: Reuters.

Ở chiều ngược lại, Triều Tiên không hẳn vô lý khi không tin vào Mỹ. Mỹ đã đơn phương không thực hiện những cam kết hỗ trợ Triều Tiên trong thỏa thuận năm 1994, sau đó thì đưa họ vào danh sách “trục ma quỷ”. Ông Kim Jong Un và cả người cha của ông sẽ không quên “lời hứa Mỹ” với số phận của Gaddafi tại Lybia hay Saddam Hussein tại Iraq sau khi từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên cũng sẽ nhìn vào trường hợp Ukraine bị mất Crimea vì quá tin tưởng vào sự che chở an ninh của phương Tây và Nga mà từ bỏ chương trình hạt nhân thừa hưởng từ Liên Xô. Đó là chưa nói đến những tuyên bố của ông Trump đòi xé bỏ thỏa thuận hạt nhân JCPOA được ký bởi chính quyền trước sau khi Iran đã đồng ý dừng chương trình hạt nhân của mình.

Một nước nhỏ, nghèo, bị cô lập thì không có lý do gì bắt họ tin tưởng hoàn toàn vào lời hứa của các nước lớn. Vũ khí hạt nhân gần như là thứ duy nhất cho phép một nước bé phần nào có tiếng nói ngang cơ với những siêu cường khác trong bàn cờ quốc tế. Bỏ nó, tức là đặt cược số phận của mình vào việc nước lớn giữ lời.

Chờ đợi gì ở cuộc gặp Trump - Kim

Những diễn biến gần đây về tình hình bán đảo Triều Tiên là rất khả quan, và cũng có những cơ sở để tin rằng lần này mọi thứ sẽ khác. Chí ít, nó có thể là cuộc gặp mang tính “phá băng” cho quan hệ Mỹ - Triều đang căng thẳng nhất kể từ thời Clinton. Nhưng để “đầu xuôi đuôi lọt”, mà không phải là "đầu voi đuôi chuột” thì còn quá nhiều thách thức ở phía trước và quá nhiều việc phải làm.

Thời gian đến cuộc gặp thượng đỉnh chỉ còn một tháng, không nên quá hy vọng cuộc gặp này sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Nhiều khả năng hai bên sẽ chỉ thống nhất về mặt nguyên tắc ở một số điểm lớn như các bước xây dựng lòng tin, mở cửa để giám sát viên vào, đảm bảo an ninh cho nhau và tầm nhìn về mức độ phi hạt nhân hóa. Như vậy là đủ để ông Trump có thể giữ thể diện, vừa ghi điểm đối với quốc hội. Sau đó cấp dưới của ông Trump và ông Kim sẽ làm việc với nhau tiếp.

Cuộc thượng đỉnh sắp tới giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Trump được mong chờ sẽ thành công. Ảnh: CNN.

Nếu hai bên giữ kỳ vọng ở mức độ vừa phải như vậy thì cuộc gặp Mỹ - Triều sẽ thành công, còn nếu một bên cứng rắn và đòi hỏi quá cao thì cuộc gặp sẽ đổ vỡ và sẽ ảnh hưởng lớn tới nỗ lực bình thường hóa quan hệ hai miền Liên Triều.

Nhiều báo chí nhấn mạnh việc đàm phán Trump - Kim đổ vỡ sẽ đẩy hai nước tiến gần hơn tới bờ vực chiến tranh. Đây là nhận xét có phần hơi cực đoan vì bối cảnh an ninh hiện tại không đủ nguy hiểm để hai nước, nhất là Mỹ, tính tới khả năng dùng vũ lực. Trong trường hợp với Syria, Trump cũng chỉ giơ cao đánh khẽ, và khi so với các thời điểm khác trong quá khứ thì cũng như vậy.

Các cộng sự dưới quyền ông Trump và ông Kim sẽ còn nhiều việc phải làm để đạt được những thỏa thuận đằng sau. Việc ngoại trưởng mới được bổ nhiệm Mike Pompeo bí mật đến Bình Nhưỡng cho thấy những tín hiệu rất tốt. Đến khi lãnh đạo hai nước gặp nhau thì mọi sự đã an bài, câu chuyện chỉ còn là nghi thức ngoại giao. Hai bên sẽ không gặp nếu như chưa đàm phán xong.

90s: Bán đảo Triều Tiên trước bước chuyển lịch sử hướng tới hòa bình Những tín hiệu tích cực về khả năng giải giáp hạt nhân, chấm dứt hoàn toàn tình trạng chiến tranh liên tục xuất hiện trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều và Mỹ - Triều.

Những người lạc quan nhất có thể hình dung về một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, và Triều Tiên mở cửa với hội nhập với thế giới. Đó cũng có thể là nền tảng ban đầu để hai miền Nam Bắc Triều hòa hợp dân tộc, xóa đi di sản cuối cùng của Chiến tranh Lạnh và phân chia ý thức hệ.

Cách đây 30 năm, có lẽ cũng ít ai đoán được rằng bức tường Berlin sẽ sụp đổ, Đông Tây Đức sẽ tái hợp. Nếu thành hiện thực, đây có lẽ sẽ là một trong những điều kỳ diệu nhất của thế kỷ 21, đặc biệt trong bối cảnh bức tranh chính trị thế giới có phần u ám như hiện nay.

Đó là điều kỳ diệu về một cuộc khủng hoảng hạt nhân cuối cùng.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả hiện làm nghiên cứu ở Hà Nội.

Sơ Nguyên - Việt Phương - Khang Vũ
Minh họa: Như Ý

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thien-nga-den-trieu-tien-va-cuoc-khung-hoang-hat-nhan-cuoi-cung-post838860.html