Thiến hóa học 'yêu râu xanh' có thực sự cần kíp ở Việt Nam?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ phân tích nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới, đã áp dụng biện pháp thiến hóa học và thực tế cho thấy tình trạng xâm hại tình dục giảm

Là luật sư đồng hành với rất nhiều nạn nhân trong các vụ việc xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại trẻ em, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TP HCM) bày tỏ nỗi xót xa trước tình trạng và hậu quả những vụ việc xâm hại để lại cho nạn nhân và gia đình các em.

Phải tăng tính răn đe

Luật sư Nữ cho biết tại Việt Nam, khoảng 90% thủ phạm các vụ xâm hại là người thân, quen của nạn nhân, gia đình nạn nhân. Rất nhiều vụ do hung thủ là người thân nên nạn nhân không dám, không được tố cáo. Do không tố cáo kịp thời nên nạn nhân có thể bị xâm hại nhiều lần, trong thời gian dài.

Chính vì thế, luật sư khẳng định nhà chức trách cần thực hiện biện pháp mạnh tay hơn song song với hình phạt pháp luật định sẵn. "Tăng nặng hình phạt là đề nghị trong hội thảo, hội nghị nào tôi cũng nêu ra khi nhắc đến tội phạm tình dục. Tuy nhiên, chúng ta cần cụ thể hóa việc tăng nặng như thế nào để ngăn chặn, răn đe đối tượng tội phạm này?" - luật sư trăn trở.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ phân tích nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới, như: Mỹ, Ba Lan, Canada…đã áp dụng biện pháp thiến hóa học. Thực tế cho thấy tình trạng xâm hại tình dục giảm rõ ở những quốc gia trên sau khi nhà chức trách áp dụng phương pháp này song song hình phạt khác do pháp luật quy định.

Giảm mạnh nguy cơ tái phạm...

Trong các cuộc thử nghiệm quy mô lớn ở Thụy Điển, Đan Mạch và Canada, biện pháp thiến hóa học đã chứng minh nó có thể cắt giảm tỉ lệ tái phạm hành vi xâm hại tình dục lên tối đa là 40%.

Thiến hóa học chủ yếu được các nước áp dụng với tội phạm tình dục có nạn nhân là trẻ em, trẻ vị thành niên - ảnh minh họa từ internet

Trong khi đó, giáo sư Frank Zimring, chuyên gia về tội phạm tình dục tại Đại học California ở Berkeley (Mỹ) cho biết phương pháp này chủ yếu thành công ở những người phạm tội thực sự muốn thay đổi hành vi của chính mình.

Theo bài viết do nhóm tác giả Joo Yong Lee và Kang Su Chocorresponding (Hàn Quốc), được Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (NCBI - thuộc Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Mỹ) tuyển chọn, thiến hóa học cũng từng đưa đến nhiều tranh cãi khi mới áp dụng tại Hàn Quốc vào năm 2011.

Tại Hàn Quốc, nhóm bị buộc phải điều trị là người bị kết án xâm hại tình dục với trẻ chưa thành niên (dưới 19 tuổi), áp dụng nhóm hormone LHRH như leuprolide acetate và goserelin. Theo nhóm tác giả này, các nghiên cứu cho thấy thiến hóa học có thể giảm tỉ lệ tái phạm từ 50% xuống còn 2-5%.

... Nhưng vẫn tranh cãi

Theo tài liệu nói trên của NCBI, thiến hóa học có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, có thể khống chế thời gian mà người bị kết án phải chịu thiến chứ không vĩnh viễn như thiến phẫu thuật. Thường một liều thiến hóa học có tác dụng từ 3-5 năm, người phạm tội có thể phải dùng suốt đời hoặc được ngừng sử dụng và được hoạt động tình dục bình thường, lành mạnh sau khi đã chịu đủ hình phạt, được can thiệp tâm lý và xác định họ thật sự không còn nguy hiểm cho cộng đồng...

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc cũng nổ ra các làn sóng phản ứng, cho rằng đa phần các trường hợp thiến là không tự nguyện nên chỉ có thể coi là trừng phạt chứ không phải điều trị. Ngoài ra, với những tội phạm thực sự nguy hiểm, việc kiểm soát và duy trì thiến hóa học là vấn đề rất quan trọng bởi ở đa số người, khả năng tình dục phục hồi hoàn toàn sau vài năm, khi thuốc ức chế hormone sinh dục nam hết tác dụng.

Ngoài ra, các thuốc thiến hóa học không chỉ ức chế hormone sinh dục nam mà còn ức chế cả hormone sinh dục nữ estrogen, vốn luôn tồn tại một ít trong cơ thể nam giới. Estrogen ở nam giới đóng vai trò quan trọng trong hệ xương khớp, chức năng não và tim mạch. Sử dụng các thuốc ức chế hormone có thể gây loãng xương, bệnh tim mạch, suy yếu khả năng chuyển hóa glucose và lipid; thậm chí gây trầm cảm, bốc hỏa, thiếu máu và vô sinh ở một số trường hợp. Các tác dụng phụ này có thể gia tăng theo thời gian.

Đồng quan điểm với giáo sư Frank Zimring, nhóm tác giả Hàn Quốc cho rằng thiến hóa học chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm với trị liệu tâm lý. Bản năng tình dục không chỉ do hormone khống chế, mà còn do não bộ. Đó là lý do sự hối cải thực tâm và tự nguyện điều trị đóng vai trò lớn trong sự thành công của liệu pháp.

Hồng Nhung - Anh Thư

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/tiep-tuc-kien-nghi-ap-dung-thien-hoa-hoc-o-viet-nam-20180807101851756.htm