Thiện chí bất ngờ

Trước thềm vòng đàm phán thương mại và kinh tế cấp cao lần thứ 13 vào đầu tháng 10 tới tại Washington, Mỹ và Trung Quốc đều phát đi những tín hiệu 'xuống thang' được coi là hiếm hoi kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bùng phát.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết, ông đã nhất trí hoãn kế hoạch tăng thuế lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc thêm hai tuần. Số hàng này trước đó đã bị chính quyền của ông Donald Trump áp mức thuế 25%. "Chúng tôi đã nhất trí dời thời điểm tăng thuế 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc lên 30% từ ngày 1-10 sang ngày 15-10, như một cử chỉ thiện chí", Tổng thống Donald Trump đăng trên trang Twitter cá nhân ngày 11-9.

Đáng chú ý, theo lời người đứng đầu Nhà Trắng, quyết định hoãn tăng thuế lần này được đưa ra theo yêu cầu của phía Trung Quốc.

Đáp lại, cũng trong ngày 11-9 vừa qua, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ miễn áp thuế bổ sung đối với 16 mặt hàng của Mỹ và dự kiến, quyết định này sẽ có hiệu lực trong một năm, bắt đầu từ ngày 17-9-2019 đến 16-9-2020. Tiếp đó, Bắc Kinh cho biết đang tiến hành tham vấn về vấn đề mua nông sản của Mỹ, bao gồm thịt lợn và đậu nành. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc rút một số mặt hàng của Mỹ ra khỏi danh sách áp thuế bổ sung.

 Các đại diện của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đàm phán thương mại ở Washington vào tháng 1-2019. Ảnh: ABC News.

Các đại diện của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đàm phán thương mại ở Washington vào tháng 1-2019. Ảnh: ABC News.

Ngoài ra, giới thạo tin còn cho biết các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua ít nhất là 600.000 tấn đậu nành của Mỹ và lô hàng này sẽ cập cảng trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay. Đó cũng là một tin tốt lành với giới nông dân Mỹ, bởi trong giai đoạn căng thẳng thương mại song phương leo thang, Bắc Kinh từng ngừng mua tất cả nông sản của Washington để đáp trả việc Tổng thống Donald Trump đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài suốt hơn một năm qua đã chứng kiến không ít những màn áp thuế qua lại nhằm vào khối hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Và thường thì trước mỗi vòng đàm phán, đôi bên đều phát đi những tín hiệu cứng rắn, thậm chí là những lời đe dọa tiếp tục “ra chiêu mới”.

Thế nên, những động thái vừa qua của cả hai nước đáng được ví như một luồng sinh khí lạ thổi vào bầu không khí đậm đặc căng thẳng trong suốt hơn một năm qua, đồng thời mở ra những tín hiệu tích cực và có lợi cho cuộc hội đàm thương mại sắp diễn ra ở Washington.

Song cũng phải thừa nhận rằng, việc Mỹ và Trung Quốc bất ngờ “chìa bàn tay thiện chí” không đồng nghĩa rằng quan hệ thương mại giữa hai nước đã được cải thiện và là một bước đột phá lớn trong nỗ lực giải quyết cuộc tranh chấp thương mại vốn đang gây tổn hại cho cả hai phía và đẩy lùi tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Thiện chí bất ngờ ấy cũng không tự nhiên sinh ra, mà dường như bắt nguồn từ nhận thức chung rằng, sau những màn song đấu quyết liệt và tốn sức, giờ là lúc cần nhẹ tay để thăm dò phản ứng đối thủ hơn là tiếp tục tung ra những “cú ra đòn” tổng lực.

Nói đúng hơn, đó là những động thái mang tính hòa hoãn để chuẩn bị cho một thỏa thuận thương mại mà giới doanh nghiệp hai nước cũng như thế giới vẫn mong mỏi, dù đó chỉ là một thỏa thuận tạm thời. Điều này dường như đúng với nhận định của Bloomberg, bởi theo hãng tin này, trong những ngày gần đây, một số cố vấn thương mại hàng đầu của Nhà Trắng đã thảo luận về một thỏa thuận tạm thời chuẩn bị cho vòng đàm phán trực tiếp với Trung Quốc vào tháng tới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khi phát biểu với hãng tin CNBCcũng tỏ ra dè dặt khi đề cập tới cơ hội để Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận để giải quyết xung đột, mà chỉ cho biết các nhà đàm phán thương mại Mỹ muốn đạt được "tiến triển ý nghĩa" trong các cuộc đàm phán thương mại sắp diễn ra.

Bản thân Tổng thống Donald Trump gần đây khẳng định, ông mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc, nhưng cũng không loại trừ khả năng hai bên chỉ tìm thấy một thỏa thuận tạm thời.

Dư luận chờ đợi các nhà đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng đặt bút ký vào một thỏa thuận nào đó trong cuộc gặp sắp tới ở Washington, dù tất cả đều hiểu rằng, phía trước hai nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn còn những cuộc hội đàm cân não và hao tốn thời gian.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/thien-chi-bat-ngo-591093