Thiện, ác trong tiểu thuyết của Daphne Du Maurier

Du Maurier là bậc thầy của những sự dang dở đầy toan tính. Bà muốn những cuốn tiểu thuyết của mình tiếp tục ám ảnh người đọc ngay cả sau khi chúng kết thúc.

Dame Daphne Du Maurier được độc giả Việt biết đến qua nhiều tiểu thuyết từng được dịch và xuất bản trước đây.

Cuối năm 2020, độc giả yêu thích văn chương kinh điển pha lẫn tâm lý hồi hộp sẽ có cơ hội thưởng thức hai cuốn tiểu thuyết từng được yêu thích trong gần một thế kỷ qua, đó là RebeccaChị họ Rachel.

 Cuốn sách Rebecca của Dame Daphne Du Maurier. Ảnh: Đào Yến.

Cuốn sách Rebecca của Dame Daphne Du Maurier. Ảnh: Đào Yến.

"Rebecca" - tác phẩm đậm đặc chất gothic

Rebecca nằm trong nhóm tác phẩm kinh điển. Câu chuyện kể về một cô gái đến biệt thự biệt lập nằm trên bờ biển Cornwall lộng gió để làm vợ lẽ quý ông góa vợ Maxim de Winter. Cô không hề biết được căn biệt thự ma ám ấy đã giăng ra những cạm bẫy nào đang chờ đợi mình: Sẽ bao giờ thoát khỏi bóng ma của người vợ đầu tiên?

Mỗi góc của mỗi căn phòng trong tòa biệt thự đều là hình bóng của người đã khuất nhưng chưa từng bị quên lãng. Với linh cảm đầy sợ hãi bóp nghẹt trái tim, người vợ thứ hai của Maxim de Winter quyết tâm khám phá những bí mật đen tối về Rebecca quá cố xinh đẹp.

Cốt truyện thoạt nhìn đơn giản, nhưng dưới những con sóng bất tận của câu chữ được cuốn vào nhau, ẩn chứa nhiều bất ngờ. Các sự thật có lớp lang chồng lên nhau.

Như bị cuốn vào cốt truyện từ những dòng đầu, Du Maurier tạo ra mạch văn chảy bất tận đến dòng chữ cuối cùng, như cơn ngộp thở. Nhưng văn của bà không lê thê. Bà luôn rành mạch các đoạn tả cảnh và kể chuyện, khiến những ai theo dõi cốt truyện dễ lần theo.

Trong truyện của Du Maurier luôn có một sức quyến rũ gai người, vừa êm ái vừa khó chịu, được gợi lên từ phong cách gothic của các ngôi biệt thự cổ, những tập quán sinh hoạt hơi hướm cổ điển và những bóng ma lẩn khuất, như thể luôn báo hiệu điềm gở.

Cuốn tiểu thuyết cũng từng đạo diễn lừng danh Alfred Hitchcock chuyển thể thành bộ phim cùng tên năm 1940. Rebecca khi ấy nhận được 11 đề cử trong lễ trao giải Oscar, nhiều hơn bất cứ bộ phim nào trong năm, và cuối cùng chiến thắng ở hai hạng mục quan trọng là Bộ phim hay nhất và Quay phim xuất sắc.

Năm 2020, Rebecca cũng được đạo diễn Ben Wheatley làm lại với sự tham gia của Lily James và Armie Hammer với nhiều đánh giá trái chiều. Phần lớn nhận xét đều cho rằng bộ phim không thể hiện được không khí gothic đậm đặc trong cuốn sách của Dame Daphne Du Maurier.

Sức quyến rũ quỷ quyệt trong văn chương của Du Maurier

Cùng Rebecca, Chị họ Rachel là một trong những tiểu thuyết đen, tâm lý xuất sắc của văn chương thế giới.

Với phần mở đầu êm ái mở ra không gian mối quan hệ phức tạp của ba nhân vật: Philip và Ambrose, hai người anh em họ rất thương mến nhau và Rachel, người vợ của Ambrose. Thế nhưng, cái chết của Ambrose đã chấm dứt mối quan hệ tốt đẹp giữa ba người, để lại nghi ngờ căng thẳng và những cú hích bất ngờ.

Tác phẩm Chị họ Rachel. Ảnh: Đào Yến.

Không lâu sau đám tang, góa phụ Rachel đến Anh, nơi mà Philip đang ở. Từ đây, Philip phải đối mặt chị họ Rachel, người phụ nữ bí ẩn rất có thể là chủ mưu trong cái chết của anh mình.

Với các tình tiết đan cài khéo léo, Chị họ Rachel giống như sợi dây trườn dần vào tâm trí người đọc, cho đến khi nó hiện nguyên hình là con rắn độc.

Ai thực sự là người tốt và là kẻ xấu? Đó chính là sức quyến rũ quỷ quyệt của văn chương Du Maurier, mà phải đến Chị họ Rachel mới bộc lộ đầy đủ.

Cuốn sách đem đến nhiều cách nhìn cho cùng một mối bi kịch. Với mỗi độc giả, mỗi lần đọc lại nhìn ra một đáp án, nhưng tất cả đều để lại nỗi tiếc nuối khủng khiếp.

Vào thời điểm những năm 1930 của thế kỷ trước, các cuộc thế chiến đã cuốn những người đàn ông đi, bỏ lại phụ nữ giữa thế giới tàn bạo và lạ kỳ. Đây chính là cảm hứng để Dame Daphne Du Maurier sáng tác, chỉ có điều bà không viết hẳn về thân phận phụ nữ trong chiến tranh.

Dame Daphne du Maurier - một trong những nữ tiểu thuyết gia thành công nhất của thế kỷ 20. Ảnh: Getty Image.

Có thể nói, Du Maurier là bậc thầy của những sự dang dở đầy toan tính. Bà không muốn để cho độc giả của mình được nghỉ ngơi mà muốn tạo nên những bí ẩn khó cưỡng. Bà muốn những cuốn tiểu thuyết của mình tiếp tục ám ảnh chúng ta ngay cả sau khi chúng kết thúc.

Hai cuốn tiểu thuyết khi lật đến trang cuối đều để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc. Những gì mà Du Maurier viết khiến mỗi chúng ta phải tự hỏi trong đầu, nữ tính là gì? Căn tính của phụ nữ có giống căn tính của con người nói chung? Thiện/ác có phải vấn đề phụ nữ quan tâm hay không? Có lẽ, mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng cho mình.

Dame Daphne du Maurier (1907-1989) sinh trưởng tại London, Anh. Bà bắt đầu sự nghiệp sáng tác vào năm 1928. Tiểu thuyết Rebecca ra mắt đã khiến bà trở thành một trong những cây bút nổi tiếng nhất thời đó.

Năm 1969, bà được Nữ hoàng Anh phong tước "Dame Commander of the Order of the British Empire" - DBE, vinh dự mang tước "Dame" trước tên họ, ngang với tước "Sir" của phái nam.

Đức Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thien-ac-trong-tieu-thuyet-cua-daphne-du-maurier-post1166652.html