Thích ứng để 'sống chung' với dịch bệnh

Thị trường du lịch đã và đang chịu tác động mạnh mẽ từ dịch COVID-19, dẫn đến những diễn biến 'nóng – lạnh' bất thường. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, cả địa phương lẫn doanh nghiệp du lịch cần chủ động và linh hoạt, nhằm thích ứng với sự khó lường của thị trường.

Du lịch sinh thái – cộng đồng là sản phẩm đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách.

Thay vì quan tâm nhất đến các yếu tố mới lạ, sang trọng, hấp dẫn... như trước đây; thì ở thời điểm này, khách du lịch càng quan tâm hơn đến yếu tố an toàn của điểm đến. Nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của du khách là cơ sở để các địa phương đưa ra các giải pháp phù hợp, nhằm giúp du khách yên tâm trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ. Một trong những giải pháp được tỉnh Thanh Hóa chú trọng và triển khai quyết liệt thời gian qua là tiếp tục duy trì, bảo đảm an toàn tại các điểm đến. Đồng thời, xem đây là yếu tố cơ bản mang đến sự yên tâm, hài lòng cho du khách và lan tỏa hình ảnh “Thanh Hóa - điểm đến an toàn”. Theo đó, tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở lưu trú, nhà hàng... phải đáp ứng các điều kiện vệ sinh và cơ sở vật chất phòng chống dịch theo quy định của ngành y tế. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản nhằm ứng phó với các tình huống xấu có thể phát sinh do dịch bệnh COVID-19.

Có nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng, sau dịch bệnh, các hình thức du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ và du lịch cá nhân sẽ chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, du lịch gia đình có thể chiếm tới 60%, còn du lịch theo nhóm nhỏ (bạn bè) chiếm khoảng 30%. Ngoài ra, nhu cầu đi du lịch tự túc cũng chiếm tới 60%, vừa đi theo tour vừa tự túc chiếm trên 20% và đi tour qua các doanh nghiệp lữ hành chiếm khoảng 15%. Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ sức khỏe, ít phải di chuyển và không tập trung quá đông người, cũng có sức hấp dẫn hơn. Đồng thời với đó là nhu cầu nghỉ ngơi, khám phá ẩm thực, vui chơi giải trí cũng chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nhu cầu thể thao, mua sắm... Trước xu thế này, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được các sản phẩm phù hợp để kích thích nhu cầu và thu hút du khách.

Theo đó, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành, các địa phương chú trọng “làm mới” các khu, điểm du lịch. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các dự án, kế hoạch xây dựng và sớm đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới. Từ đó, tạo ra điểm nhấn thu hút và khơi gợi nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách. Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh chiến dịch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; các đoàn famtrip khảo sát, xúc tiến, kết nối du lịch; các sự kiện du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng đã cam kết triển khai các hình thức kích cầu du lịch theo phương châm “tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”. Đồng thời, “tạo sự chuyên nghiệp, thân thiện, mến khách” trong từng sản phẩm, từng dịch vụ.

Có thể nói, để thích ứng và “sống chung” với diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần có bàn tay của người “nhạc trưởng”. Đó là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là chính quyền địa phương trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách chung, nhằm định hướng sự phát triển ngành du lịch trong tình hình mới. Đồng thời, tìm được tiếng nói chung giữa các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhằm liên kết tạo ra chuỗi dịch vụ khép kín (combo dịch vụ) hấp dẫn, thời gian áp dụng dài, minh bạch và có độ tin cậy cao. Ngoài ra, trong “cuộc chơi” đầy khó khăn này, các doanh nghiệp du lịch là đối tượng chính và cũng chịu tác động lớn nhất từ đại dịch. Do vậy, hơn ai hết, họ cần chủ động, tích cực “làm mới” mình để tồn tại và phát triển. Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã khuyến nghị rằng, trải qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp cần rút ra cho mình những kinh nghiệm xương máu. Chẳng hạn như giải pháp “quản trị khủng hoảng” hay xây dựng các kịch bản ứng phó và vượt qua khủng hoảng; xây dựng quỹ dự phòng dành để khắc phục rủi ro khủng hoảng; chú trọng kênh kinh doanh online nhằm bắt nhịp với xu hướng mua hàng trực tuyến đang ngày càng tăng hiện nay; chú trọng khâu đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực...

Đại dịch COVID-19 mặc dù đã và đang gây ra thiệt hại to lớn cho ngành du lịch. Song, ở một khía cạnh tích cực, đây cũng là “khoảng lặng” để các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương xem xét lại cách thức quản lý, vận hành; cũng như đánh giá sự phù hợp và không phù hợp trong định hướng, mục tiêu và cơ chế, chính sách phát triển du lịch, để có sự điều chỉnh. Đồng thời, đây cũng là phép thử về khả năng chịu tải của các doanh nghiệp du lịch. Để rồi, ứng phó với khủng hoảng, chỉ những doanh nghiệp đủ tầm, đủ tiềm lực và đi đúng hướng, thì sẽ có cơ hội vực dậy để phát triển.

Bài và ảnh: Lê Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/thich-ung-de-song-chung-voi-dich-benh/124014.htm