Thích ứng biến đổi khí hậu: ĐBSCL cần thêm sức người, sức của

Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ập tới vùng ĐBSCL nhanh hơn nhiều so với các dự báo trước đây, gây ra những hiện tượng bất thuận cho đời sống kinh tế, xã hội toàn vùng như sụt lún, xâm nhập mặn, xói lở.

Gọi tên ‘thủ phạm’ gây sụt lún, xói lở, ngập mặn

Tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 120/NQ-CP (17/11/2017) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, ĐBSCL là một trong những khu vực chịu áp lực lớn nhất trước BĐKH toàn cầu. Đây là diễn biến đáng quan ngại, nhất là trong bối cảnh các hoạt động sử dụng nước vùng đầu nguồn sông Mekong đang tác động không nhỏ tới khu vực hạ du, cũng như tình trạng khai thác nước quá mức ở ĐBSCL lẫn TPHCM.

Hiện, tốc độ hạ thấp mực nước toàn vùng bình quân là 0,25 m/năm. Mực nước dưới đất trung bình tại các điểm quan trắc tại ĐBSCL và TPHCM giai đoạn từ năm 2005-2017 cũng thể hiện xu thế suy giảm dần theo các năm. Nhiều nghiên cứu từ các viện, trường, tổ chức quốc tế ở Pháp, Mỹ, Hà Lan, Na Uy đều cho thấy vùng ĐBSCL và TPHCM có mức độ sụt lún ngày càng lớn.

Tất nhiên, đặc trưng của vùng trầm tích trẻ đang trong quá trình nén chặt cũng tạo ra hiện tượng sụt lún, nhưng nguyên nhân chủ quan nhận được nhiều đồng thuận từ giới khoa học trong và ngoài nước lại đến từ hoạt động khai thác nước ngầm quá mức. Các thống kê còn chỉ ra rằng những vùng không bị lún hầu như chỉ khai thác nước ngầm ở mức thấp.

Ngoài ra, theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), nếu chỉ xét về trữ lượng nước mặt, 2 hệ thống chính của ĐBSCL là sông Tiền và sông Hậu đều có chế độ thủy văn phụ thuộc vào thủy triều và các hoạt động điều tiết nước ở thượng nguồn. Trong khi đó, trên hệ thống sông Mekong - nơi cung cấp nguồn nước mặt chủ yếu cho ĐBSCL, đã có tới 176 hồ chứa đang vận hành hoặc đang xây dựng. “Tác động của xây dựng và vận hành các thủy điện ở thượng nguồn sẽ khiến suy giảm và ô nhiễm nguồn nước nội sinh của Việt Nam từ xa”, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước lo lắng nói.

GS. Nguyễn Kim Đan từ Đại học Paris-Est, Giám đốc Điều hành Tổ chức nghiên cứu thủy lực cho phát triển bền vững của Pháp, cũng tin rằng thủy điện gây ra tác động tiêu cực rất lớn lên vùng hạ du sông Mekong, lớn hơn rất nhiều so với tác động từ BĐKH. Với sự có mặt của hàng trăm hồ chứa nước, 96% lượng bùn cát của ĐBSCL đã bị giữ lại ở thượng nguồn. “Chỉ 4% bùn cát về tới hạ du sẽ làm hình thái khu vực này thay đổi cơ bản. Sông Tiền, sông Hậu sẽ bị đào sâu thêm hàng mét, các dòng dẫn cũng sẽ biến đổi”.

Đánh giá từ Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cũng cho thấy hiện tượng xâm nhập mặn từ sau năm 2012 tới nay đã diễn ra sớm hơn từ 1-1,5 tháng. Phạm vi xâm nhập mặn cũng sâu hơn gấp đôi so với thời gian trước đây. Tương tự, xu hướng sạt lở đất cũng ngày càng phức tạp và xảy ra nhiều hơn. Nếu như trước năm 2014, “bồi” luôn lấn át “lở”, thì nay tình thế đã đảo ngược. “Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm chúng ta mất 300 ha đất do xâm thực bờ biển”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nêu con số quan ngại.

Hàng tỷ USD đã chảy vào hoạt động thích ứng BĐKH

Hàng loạt giải pháp thích ứng và “chống đỡ” BĐKH cũng như tác động tiêu cực liên quan đã và đang được gấp rút thực hiện, nhất là từ sau Nghị quyết 120.

Tổng kết từ Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, khu vực ĐBSCL đã xây dựng được gần 1.000 cụm tuyến dân cư và bờ bao bảo vệ với số người hưởng lợi khoàng 1 triệu dân. Riêng 10 năm qua, đã có hơn 20.600 tỷ đồng chảy vào các công trình kiểm soát lũ, mặn; các công trình phòng, chống sạt lở giai đoạn 2010-2017 cũng đã nhận được phần đầu tư 8.700 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách lên tới gần 8.000 tỷ đồng, còn lại là vốn ODA và các nguồn tài trợ khác…).

Ngành nông nghiệp cũng đã điều chỉnh mùa vụ thích nghi với triều cường, ngập mặn và lũ lụt. Các hoạt động tăng cường nhận thức người dân, bảo vệ an toàn tính mạng con người trước các hệ lụy từ BĐKH đã mang đến kết quả khả quan ban đầu. “Nếu như trước đây có năm mất tới 300-400 người do lũ lớn, thì mùa lũ năm 2018 vừa qua đã không xảy ra thiệt hại nào về người tại ĐBSCL nhờ ý thức người dân cải thiện rõ rệt. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng hoạt động hiệu quả và có tổ chức hơn”, ông Trần Quang Hoài cho hay.

Từ phía Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy cho rằng, bên cạnh chuyện siết chặt các hành lang pháp luật về giám sát, quản lý nguồn nước, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, phòng chống sạt lở… cũng cần hợp tác chặt chẽ với các nước thượng nguồn sông Mekong trong xây dựng, vận hành điều tiết nước của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn, bảo đảm nguồn nước, hạn chế xâm nhập mặn, suy giảm phù sa, nguồn lợi thủy sản tại ĐBSCL.

Trong khi đó, vị giáo sư đến từ Đại học Paris-Est cho rằng về tổng thể cần ưu tiên cho các giải pháp thuận theo tự nhiên, đảm bảo được phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng. Ngoài ra, cần phát triển hệ thống cảnh báo sớm cho hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, sạt lở, xâm thực bờ sông, bờ biển; nâng cao năng lực cho đội ngũ tại các viện nghiên cứu chuyên ngành trong nước. “Lời giải cho bài toán của ĐBSCL là cực kỳ phức tạp, phải được thực hiện bởi người Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam cùng sự hợp tác của các nhà khoa học hàng đầu thế giới”, GS. Nguyễn Kim Đan khẳng định.

Ngay tại Hội nghị, GS. Nguyễn Kim Đan cũng cho biết đang theo đuổi một công trình nghiên cứu về “Nhận diện xói lở khu vực ĐBSCL” với sự tài trợ ban đầu của EU và AFD (Cơ quan Phát triển Pháp): Tôi kêu gọi sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam lẫn Chính phủ Pháp, và cả từ các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà tài trợ trong và ngoài nước cho dự án. Nếu không hỗ trợ cung cấp thiết bị, dự án này chỉ cần thêm từ 5-7 triệu euro nữa.

Phương Hiền

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/thich-ung-bien-doi-khi-hau-dbscl-can-them-suc-nguoi-suc-cua/368608.vgp