Thích thú với trang phục xưa của người Việt

Chương trình văn hóa mang tên 'Xuân Giang Hoa Nguyệt' vừa được tổ chức bởi CLB Tiếng Hoa WAN (trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM), nhằm lan tỏa nét đẹp văn hóa cổ truyền của người Việt, đồng thời nêu cao tinh thần chung tay bảo tồn những giá trị tốt đẹp.

Chương trình workshop "Xuân Giang Hoa Nguyệt" đã thu hút được nhiều bạn trẻ quan tâm về những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc. Thông qua chương trình, các bạn trẻ đã có cơ hội tiếp xúc với những bộ trang phục cổ, đồng thời biết được những ý nghĩa trong từng màu sắc, đường nét của trang phục. Ngoài ra, đây cũng chính là một sân chơi bổ ích và thú vị nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa sinh viên, lưu học sinh đang học tập tại trường ĐH Kinh tế - Luật và những trường khác trên địa bàn thành phố.

Với sự góp mặt của diễn giả ThS Võ Ngọc Thiên Phụng, là một người từng du học tại Thiên Tân (Trung Quốc) 4 năm, có sự am hiểu chuyên sâu về các loại cổ phục Việt – Trung. Trong quá trình tham dự, các bạn sinh viên đã lắng nghe những chia sẻ từ diễn giả về kiến thức văn hóa, nguồn gốc xuất sứ, cách may mặc cũng như ý nghĩa trong từng tên gọi của các bộ trang phục xưa. ThS Võ Ngọc Thiên Phụng cho hay: “Cổ phục thời nhà Nguyễn đa phần chú trọng đến các tầng lớp thượng lưu, quý tộc. Trang phục của nhà vua cũng là một điều đáng nói. Về chất liệu của trang phục, ban đầu là cách người Việt ta đi sứ bên Trung Quốc, sau đó mua các loại vải gấm màu vàng về để nhà vua may mặc. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mua được một vài lần. Sau đó, vua nhà Nguyễn mới chọn sử dụng vải ở Hà Đông – một nơi sản xuất gấm lụa nổi tiếng ở nước ta thời bấy giờ”.

Các bạn sinh viên thích thú khi lần đầu mặc trang phục cổ Việt.

Ngoài ra, ThS Võ Ngọc Thiên Phụng cũng chia sẻ thêm về những trang phục khác, trong đó có trang phục Nhật Bình: “Áo Nhật Bình là một loại áo sử dụng cho hoàng hậu, các công chúa, các phi tần. Nhưng áo Nhật Bình là triều phục cho các cung cần nhất, nhị, tam, tứ và nó sẽ là thường phục của hoàng hậu và công chúa. Gọi là Nhật Bình vì trước cổ áo có hoa văn hình chữ nhật và vốn dĩ nó là dạng áo Phi Phong của thời nhà Minh sau đó được chỉnh sửa sao cho phù hợp với văn hóa Việt. Đặc biệt, trước ngực áo sẽ được khâu một cúc áo bằng vàng hoặc bằng ngọc. Bộ áo được thêu một cách cầu kỳ và những phụ kiện tăng thêm vẻ đẹp của trang phục. Ngoài ra, tay áo Nhật Bình có năm màu tượng trưng cho ngũ hành và màu sắc của áo cũng được quy định một cách rõ ràng, chặt chẽ”.

Phần trình diễn trang phục cổ Việt trên sân khấu đã thu hút sự quan tâm của các bạn sinh viên.

Bên cạnh việc đón nhận những kiến thức bổ ích và thú vị về trang phục cổ truyền, các bạn sinh viên tham gia còn được chiêm ngưỡng màn trình diễn Việt cổ phục đến từ "những mẫu không chuyên" trường ĐH Kinh tế - Luật.

Hiếu Kha

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/thich-thu-voi-trang-phuc-xua-cua-nguoi-viet-post1329626.tpo