Thích nghi với biến đổi

(HQ Online)- Thông tin từ một cuộc hội thảo về phát triển nông nghiệp công nghệ cao được Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì tổ chức hồi đầu tuần này cho thấy, đã có hơn 170 tỷ đơn vị phát thải khí nhà kính được giảm bớt trong suốt 17 năm vừa qua nhờ công nghệ sinh học trên thế giới; một phần nhờ tác động tích cực của việc sử dụng các loại cây trồng biến đổi gen (BĐG) có khả năng kháng bệnh. Ít nhất hơn 500 ngàn kg thuốc trừ sâu và khoảng 27 tỷ kg các-bon đã được giảm bớt trong riêng năm 2012 trên toàn cầu.

Ở Việt Nam, theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp, do kỹ thuật canh tác lạc hậu, 70% nước được sử dụng cho nông nghiệp. 50% lượng phát thải ở Việt Nam là từ hoạt động nông nghiệp (tỷ lệ trung bình của thế giới là 30%). Tiềm năng “tiết kiệm” lượng thải, vì thế, còn lớn hơn nhiều so với mức bình quân trên toàn cầu.

Vậy thì nói “có” hay “không” với cây trồng BĐG? Trên thực tế, chúng ta đã đưa vào sản xuất thử ngô, bông và đậu tương BĐG. Người tiêu dùng Việt Nam thì lâu nay đã sử dụng sản phẩm BĐG: hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu hơn 4 triệu tấn đậu tương (92% nhu cầu); khoảng 2 triệu tấn ngô (chiếm 30%) và nhập khẩu sản phẩm từ những quốc gia mà phần lớn nông sản của họ là cây trồng BĐG.

Trong một diễn biến khác, Báo cáo công bố ngày 13-2-2014 của Tổ chức quốc tế về tiếp thu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) cho biết, năm 2013 đã có hơn 18 triệu nông dân ở 27 quốc gia trồng cây công nghệ sinh học trên diện tích 175,3 triệu ha, nghĩa là tăng 5 triệu ha so với năm 2012. Cũng theo thống kê của ISAAA, diện tích cây trồng BĐG đã tăng từ 1,7 triệu ha (năm 1996) lên tới 175,3 triệu ha vào năm 2013.

Tới nay, các nghiên cứu trong suốt 20 năm qua chưa đưa ra bằng chứng khoa học nào về việc cây trồng BĐG gây ra thảm họa cho sức khỏe của con người cũng như đối với môi trường sinh thái. Tổ chức An toàn thực phẩm châu Âu đã bỏ ra hàng trăm triệu USD để tài trợ các nghiên cứu về vấn đề này và kết quả cho thấy cây trồng và sản phẩm từ cây trồng BĐG không có rủi ro cao hơn so với cây trồng truyền thống.

Có lẽ vì thế mà mặc dù phong trào biểu tình của người nông dân châu Âu phản đối cây trồng BĐG dấy lên ở nhiều nơi, song vẫn có 5 nước châu Âu trồng ngô BĐG với gần 20.000 ha. Không chỉ có ngô, EU đã phê duyệt và đưa vào sử dụng sản phẩm của 67 giống cây trồng BĐG, trong đó có ngô, bông, đậu tương, cải dầu... Diện tích cây trồng BĐG tăng liên tục hàng trăm lần trong những năm qua chứng tỏ nó đang mang lại lợi ích cho người nông dân ở nhiều quốc gia.

Chắc chắn, sẽ có nhiều bài toán phải giải trước khi đưa cây trồng BĐG ra canh tác đại trà. Nhưng dù muốn hay không thì “biến đổi” là một trong những từ khóa của thời hiện đại mà cả nhân loại, mỗi quốc gia, mỗi cá nhân đều phải đối diện và tìm cách giải quyết. Nếu có giải pháp khôn khéo, biến đổi sẽ đem lại những biến chuyển tích cực.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thich-nghi-voi-bien-doi.aspx