Thích khách Kinh Kha có võ nghệ ra sao mà dám hành thích Tần Thủy Hoàng?

Kinh Kha là môn khách của Thái tử Đan nước Yên và là người rất nổi tiếng vì đã hành thích bất thành Tần Thủy Hoàng (cai trị từ 221 TCN đến 210 TCN). Câu chuyện về Kinh Kha được chép lại ở thiên Thích khách liệt truyện trong cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên.

Về sau, hình tượng nhân vật Kinh Kha với điển tích hành thích Vua Tần Thủy Hoàng thất bại đã được các nhà làm phim dã sử của Trung Quốc dựng thành phim như Hoàng đế và Thích khách (1999), Anh hùng, Tần thời lệ nhân minh nguyệt tâm,… phần lớn các tác phẩm này đều tô vẽ Kinh Kha như một người anh hùng có võ nghệ cao cường, sức vóc hơn người và kĩ năng ám sát thuộc hàng thượng thừa. Tuy nhiên, trong sử liệu lại không hề có ghi chép về khả năng võ thuật của Kinh Kha ra sao?

Kinh Kha được các nhà làm phim tô vẽ như một người anh hùng có võ nghệ cao cường. (Ảnh minh họa).

Kinh Kha được các nhà làm phim tô vẽ như một người anh hùng có võ nghệ cao cường. (Ảnh minh họa).

Kinh Kha cùng với Tào Mạt, Chuyên Chư, Dự Nhượng và Nhiếp Chính là năm thích khách được Tư Mã Thiên đưa vào chính sử. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên từng nhận xét về ngũ đại thích khách như sau: “Từ Tào Mạt đến Kinh Kha năm người, chí nguyện của họ thành hoặc không thành, nhưng lập chí rõ ràng, không trái với ý mình, danh tiếng để lại đến muôn đời sau”.

Kinh Kha là người nước Vệ, ông đã rời quê hương vì không được Vệ Nguyên Quân trọng dụng. Sau khi đi thăm thú các nước, ông tới nước Yên và kết bạn với Cao Tiệm Ly và chơi đàn hay. Họ cùng nhau uống rượu và ca hát suốt ngày. Về sau Kinh Kha được du hiệp Điền Quang tiến dẫn cho Thái tử Đan nước Yên.

Lý Liên Kiệt vào vai Kinh Kha.

Thái tử Đan từng là bạn của Doanh Chính (Tần Thủy Hoàng sau này) khi cả hai còn đang là con tin ở nước Triệu. Khi Thái tử Đan đã trốn khỏi Triệu về Yên, quân đội Tần tiến sát tới biên giới Yên. Quân Yên quá yếu để chống cự lại. Vì vậy, thay vì chiến đấu, Thái tử Đan cùng Điền Quang âm mưu ám sát hoàng đế Tần là Tần Thủy Hoàng. Điền Quang cũng là bạn của Kinh Kha nên khuyên thái tử Đan cử Kinh Kha thực hiện nhiệm vụ đó.

Một vị tướng Tần, Phàn Ư Kỳ, người từng bị thất sủng với vua Tần, cũng là một môn khách của Thái tử Đan vào thời điểm đó. Tần Thủy Hoàng rất giận Phàn Ư Kỳ và muốn lấy đầu ông. Biết được điều đó, Phàn Ư Kỳ quyết định tự sát để tạo cơ hội ám sát vua Tần. Với cái đầu Phàn Ư Kỳ và bản đồ nước Yên, Kinh Kha đã có cơ hội để tiếp cận Tần Thủy Hoàng.

Mang theo một thanh chủy thủ tẩm thuốc độc giấu trong tờ bản đồ được cuộn tròn lại, Kinh Kha và Tần Vũ Dương vào trong triều đình nước Tần. Tần Vũ Dương mang tờ bản đồ còn Kinh Kha mang đầu Phàn Ư Kỳ. Khi vào đến nơi Tần Vũ Dương hoảng sợ biến sắc mặt, Kinh Kha lấy bản đồ trong tay Tần Vũ Dương dâng nộp vua Tần.

Ở thiên Thích khách liệt truyện trong cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên mô tả lại cảnh hành thích như sau. Theo đó, khi Kinh Kha từ từ giở cuốn bản đồ, tới khi giở hết thì lộ ra chiếc dao găm đã được chuẩn bị sẵn từ trước. Tần Vương nhìn thấy, giật mình nhảy thót lên. Kinh Kha vội cầm dao găm, tay trái níu chặt tay áo Tần Vương, tay phải nhắm ngực Tần Vương đâm tới. Tần Vương Chính đánh mạnh về phía sau, làm đứt ống tay áo rồi bỏ chạy về phía bình phong toan chạy ra ngoài.

Tranh Kinh Kha ám sát Tần Vương được người đời sau vẽ lại.

Kinh Kha xông lên đuổi, Tần Vương thấy chạy không thoát liền chạy vòng quanh chiếc cột đồng trên điện. Kinh Kha đuổi theo sau, hai người chạy vòng quanh như đèn cù. Xung quanh Tần Vương có rất nhiều quan hầu, nhưng tay không tấc sắt, thị vệ đứng dưới thềm tuy có vũ khí, nhưng theo pháp luật của nước Tần, không có lệnh của Tần Vương thì không được lên điện. Mọi người kinh hoàng.

Nhưng Tần Vương trong cơn hoảng hốt, không kịp lên tiếng gọi võ sĩ. Trong số quan hầu cận, có một thầy thuốc, nhanh trí lấy túi thuốc ném mạnh vào Kinh Kha. Kinh Kha dùng tay gạt túi thuốc đó bay sang một bên. Trong giây lát đó, Tần Vương Doanh Chính xoay mình rút được bảo kiếm, chém đứt chân trái của Kinh Kha (có bản dịch là Tần Thủy Hoàng được các quan trong triều nhắc liền rút kiếm sau lưng chém Kinh Kha bị thương ở tay). Kinh Kha ngã xuống, cầm dao găm phóng về phía Tần Vương.

Tần Vương né tránh, con dao bay vụt qua tai, trúng vào cột đồng, tóe lửa. Tần Vương thấy trong tay Kinh Kha không còn vũ khí, liền tiến lên, chém thêm mấy nhát. Kinh Kha bị tám vết thương, biết sự việc đã hoàn toàn thất bại, liền cười đau đớn nói: "Ta không sớm hạ thủ ngay là vì muốn bức ngươi phải trả lại đất đai cho nước Yên". Lúc đó, binh lính đã ùa lên điện, hạ gục Kinh Kha, và Tần Vũ Dương ở dưới thềm cũng bị các binh lính kết thúc tính mạng.

Từ ghi chép trên của Tư Mã Thiên, nhiều người đã đặt ra câu hỏi là Tần Thủy Hoàng quá may mắn? Hoặc Tần Thủy Hoàng cũng thực sự là một người võ nghệ đầy mình mới có thể đánh lại được Kinh Kha? Cũng có người hoài nghi Kinh Kha thực chất chỉ là một kẻ không có võ công, rất vụng về trong việc ám sát và không có kĩ năng sử dụng dao. Nói cách khác, so với những thị vệ của Tần Vương, hắn chỉ là "thư sinh trói gà không chặt", đánh còn không lại ai chứ chưa nói đến việc một mình loạn đả trong cung như những gì được mô tả trên phim ảnh. Có thể thấy sự thật như thế nào ít ai có thể kiểm chứng được. nhưng chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng sẽ có một cảm nhận của riêng mình về nhân vật Kinh Kha và điển tích hành thích Vua Tần Thủy Hoàng của ông.

Hai câu thơ khi lên đường hành thích Vua Tần Thủy Hoàng, tại bờ sông Dịch (biên giới nước Triệu), Kinh Kha đã ứng tác với các bạn đi tiễn:

Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn.

Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục phản.

Dịch

Gió hiu hắt chừ, Dịch thủy lạnh ghê.

Tráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về.

Còn một bản dịch khác:

Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê.

Tráng sĩ một đi không trở về.

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thich-khach-kinh-kha-co-vo-nghe-ra-sao-ma-dam-hanh-thich-tan-thuy-hoang-a486363.html