Thích 'dìm hàng' người khác

Không ít bạn trẻ thừa nhận đã từng tham gia vào trò chơi 'dìm hàng' người khác mà không biết rằng đây là hành vi không tốt trong ứng xử, và hậu quả để lại đôi khi vượt xa mục đích cho vui.

Ảnh: Shutterstock

Dựng chuyện

“Giờ ra chơi chúng mình có thú vui lấy điện thoại “canh me” ai đó ngủ gục, đang trong trạng thái quần áo hớ hênh… là quay phim hoặc chụp lại sau đó đăng tải trên Facebook để người ấy bị… quê”, Thanh Tùng, học sinh (HS) Trường THPT An Đông, Q.5, TP.HCM cho biết.

Qua khảo sát, giới học sinh thú thật “dìm hàng” chính là trò đùa phổ biến và là sở thích của họ, thậm chí coi “dìm hàng” người khác là niềm vui của bản thân.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thừa nhận thực tế này là có thật hiện nay. Ông Hiếu cho biết có nhiều hình thức “dìm hàng” mà giới trẻ đang áp dụng như: phóng đại mọi chuyện rồi tung tin đồn; dựng chuyện để nói xấu; phanh phui những chuyện lỗi lầm trong quá khứ, những sự thật không muốn bộc lộ để khiến người khác có suy nghĩ xấu về người muốn “dìm hàng”; hoặc săm soi khuyết điểm của người khác để cùng nhau chê bai…

Thu Thủy, HS Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) kể, trong lớp nhiều bạn cạnh tranh lực học cùng nhau. Nhưng khi có kết quả thua kém là lập tức đố kỵ và hạ bệ người khác bằng cách tung tin: “nó biết trước đề thi”, “vì nó thân quen thầy cô nên được ưu ái”, “bỏ tiền để mua chuộc”…

Theo tìm hiểu, mạng xã hội chính là nơi thường xuyên diễn ra câu chuyện này, đặc biệt là trò đùa ghép ảnh. Như trường hợp của Thảo Phương, HS Trường THPT Trương Vĩnh Ký, Q.Tân Bình, TP.HCM, từng bị ghép mặt vào hình một siêu mẫu trong trạng thái hở hang. Còn Quỳnh Anh, HS Trường THPT Ngô Quyền, Đồng Nai thì bị kẻ ẩn danh đăng tải hình ảnh cách đây vài năm kèm lời đồn đã đi phẫu thuật thẩm mỹ.

Ngoài ra nhiều nạn nhân cho biết đã từng bị “dìm hàng” khi kẻ xấu lập tài khoản giả mạo trên các mạng xã hội để thường xuyên đăng tải những câu từ vô văn hóa, phản cảm; chửi người khác; chia sẻ những nội dung đồi trụy…

Nhiều tai hại

Ngân Vy, HS Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.Tân Bình, TP.HCM kể có lần đi sinh nhật bạn, vì ăn mặc đơn giản nên bị bạn bè “dìm hàng” bằng cách chê là “đồ cổ lỗ sĩ”, “giống như hai lúa ở nhà quê mới lên” khiến chỉ muốn độn thổ ngay lúc đó.

Quỳnh Anh cho biết sau sự việc xảy ra đã không biết phải che mặt vào đâu vì hằng ngày phải nhận những ánh mắt dò xét, cười khinh của bạn bè trong trường.

Đó chính là những hậu quả do trò đùa “dìm hàng” gây ra. Tai hại hơn, một nữ sinh Trường THPT Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Hà Nội, đã từng uống thuốc sâu tự tử vì bị ghép ảnh nóng trên Facebook.

Thạc sĩ Hiếu cho rằng không ai thích mình trở nên xấu xí, bị bôi nhọ và trở nên tai tiếng. Khi mang hình ảnh cá nhân của ai đó ra bỡn cợt có thể làm trò vui nhất thời cho mình, nhưng sẽ rạch một vết thương in hằn lên nhân phẩm của người khác, nhấn người khác xuống cái đáy của sự xấu hổ. Nhiều khi vô tình dìm người ấy vào chỗ chết chỉ vì vài phút mua vui cho mình. Đó là hành vi không tốt trong ứng xử. Việc “dìm hàng” người khác còn gặp nhiều hệ lụy, đó là tự bôi đen lên phẩm giá của mình, làm đánh mất hình ảnh trong mắt bạn bè, bị mọi người ngờ vực, cảnh giác... “Cần lưu ý gieo nhân nào gặt quả ấy. Nên trước khi có ý định “dìm hàng” ai đó hãy nghĩ đến một lúc nào đó chính mình cũng sẽ là nạn nhân”, ông Hiếu nói.

Với những nạn nhân của trò “dìm hàng”, ông Hiếu khuyên hãy bình tĩnh giải thích để người khác không hiểu nhầm. Hoặc nhờ sự can thiệp của người lớn để yêu cầu người tung tin “dìm hàng” đính chính.

Vì đố kỵ thường là nguyên nhân dẫn đến “dìm hàng”, nên ông Hiếu cho rằng giới trẻ cần phải học cách chấp nhận người khác giỏi hơn mình, chứ đừng vì nguyên nhân “gato” (ganh ghét), kéo giò người cao hơn mình bằng cách “dìm hàng” họ.

Trâm Anh - Nhật Hạ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/thich-dim-hang-nguoi-khac-82520.html