Thị xã Tân Uyên (Bình Dương): Nhận 386 triệu đồng sau hơn 60 năm quản lý, sử dụng đất ổn định

Tiến hành san lấp đất, cất nhà và sinh sống ổn định từ năm 1954, thế nhưng khi đi đăng ký cấp GCN QSDĐ thì gia đình ông Thanh mới biết khu đất đã cấp cho một người khác.

Biên bản xác minh của TAND thị xã Tân Uyên với nhân chứng Nguyễn Văn Khọt

Biên bản xác minh của TAND thị xã Tân Uyên với nhân chứng Nguyễn Văn Khọt

Phản ánh tới Công lý & Xã hội, ông Nguyễn Chí Thanh (ngụ tại số 65, khu phố Tân Hội, phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết, diện tích đất 231,8m2có nguồn gốc là đất đồn bốt của quân đội Pháp, năm 1954, Pháp rút đi, cha mẹ ông Thanh là ông Nguyễn Văn Ở và bà Huỳnh Thị Hường đã san lấp, khai phá một phần hầm hố đồn bốt để cất nhà ở.

Đến năm 1962, gia đình ông Thanh bị chính quyền chế độ cũ gom vào ấp chiến lược Hóa Nhựt, sau ngày 30/4/11975, gia đình ông Thanh hồi cư về cất lại ngôi nhà trên nền đất cũ. Đến năm 1990, gia đình ông Thanh xây dựng lại ngôi nhà kiên cố mái ngói, vách tường bằng gạch, nền lát gạch tàu sử dụng bán cà phê.

Năm 2000, ông Nguyễn Văn Ở và bà Huỳnh Thị Hường đi đăng ký xin cấp GCN QSDĐ thì phát hiện khu đất mình ở bấy lâu nay đã được UBND huyện Tân Uyên cấp GCN QSDĐ cho bà Nguyễn Thị Thương từ năm 1999. Mặc dù trong quá trình sử dụng, gia đình ông Thanh đã thực hiện nghĩa vụ thuế nhà đất.

Năm 2007, khi Nhà nước giải tỏa thu hồi một phần đất làm đường dẫn nước. Gia đình ông Thanh nhận tiền bồi thường đất và tài sản trên đất. Đến năm 2011, Nhà nước triển khai dự án mở rộng đường ĐT 746, hối thúc việc làm đường, ông Thanh nhận tiền bồi thường nhà trước, còn tiền đất thì tranh chấp với gia đình bà Hương sau.

Ngôi nhà gia đình ông Nguyễn Chí Thanh đã sinh sống, quản lý, sử dụng trên 60 năm

Sau khi bà Hương qua đời, con trai là Nguyễn Văn Trực được hưởng thừa kế. Phía ông Trực thì cho rằng phần đất gia đình ông Thanh đang ở là đất của mẹ ông, được thừa hưởng từ ông bà trước năm 1975. Sau 1975, cha mẹ ông Thanh xin bà Thương cất một căn nhà nhỏ trên đất để ở nhờ, mẹ ông Trực đồng ý nhưng không làm giấy tờ.

Ông Phan Văn Bạn (phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) cho biết, cha mẹ ông Thanh đã sinh sống trên phần đất từ trước năm 1975 cho đến nay. Trước đây phần đất này thuộc quản lý của quân đội Pháp xây đồn bốt. Sau khi Pháp rút, cha mẹ ông Thanh đến san lấp, cất nhà để bán cà phê sinh sống cho tới bây giờ.

Còn ông Nguyễn Văn Dằng (phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên), thì cho rằng, từ trước năm 1975, bà Thương cho cha mẹ ông Thanh cất chòi ở để bán cà phê sinh sống. Đợt đăng ký đất đai, ông Dằng kêu cha mẹ ông Thanh đi đăng ký phần đất đang ở, cha mẹ ông Thanh nói đang ở nhờ đất của bà Thương.

Một người dân khác sống cùng khu vực là ông Nguyễn Văn Khọt cho biết thêm, trước đây cha ông Thanh làm nghề thợ rèn. Năm 1975, ông Khọt thấy gia đình ông Thanh san lấp phần đất đồn bốt của Pháp làm quán cà phê. Sau khi cha mẹ ông Thanh chết, ông Thanh tiếp tục ở đó và bán cà phê đến nay. Nguồn gốc đất trước đó của ai thì ông Khọt không biết.

Các ông Võ Trung Thành; Trần Văn Tông và bà Nguyễn Thị Bề đều cho biết nguồn gốc đất ông Thanh đang ở không biết của ai, nhưng đã thấy cha mẹ ông Thanh ở trên đó từ trước năm 1975.

Bản án sơ thẩm lần 1 năm 2014, TAND huyện Tân Uyên tuyên ông Thanh được quyền quản lý, sử dụng đất tranh chấp nhưng phải thanh toán bằng tiền đối với 1/2 diện tích đất tranh chấp cho ông Trực.

Bản án phúc thẩm lần 1, TAND tỉnh Bình Dương tuyên sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, giao toàn bộ diện tích đất tranh chấp cho ông Thanh quản lý, sử dụng.

Tại Quyết định giám đốc thẩm (GĐT) lần 1 ngày 22/02/2016, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, yêu cầu TAND thị xã Tân Uyên xử lại.

Tại bản án sơ thẩm lần 2 năm 2017, TAND thị xã Tân Uyên tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thanh. Tuyên ông Trực được quyền sử dụng phần đất tranh chấp và thanh toán cho ông Thanh giá trị nhà là 282.613.400 đồng.

Tại bản án phúc thẩm lần 2, TAND tỉnh Bình Dương tuyên y án sơ thẩm, chỉ thêm số tiền bồi thường công giữ gìn cải tạo đất 104.310.000 đồng.

Ông Nguyễn Chí Thanh (bên phải) mòn mỏi đi kiện đòi công lý

Ngày 04/6/2018, VKSND cấp cao tại TPHCM quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm bản án phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Bình Dương cho rằng, TAND thị xã Tân Uyên đã tiến hành lấy lời khai của người làm chứng đều xác định cha mẹ ông Thanh quản lý, sử dụng diện tích đất tranh chấp từ trước cho đến nay. Căn nhà trên đất chính là do cha mẹ ông Thanh xây dựng mà không bị ai cản trở. Do đó, có đủ cơ sở để nhận định từ sau giải phóng đến nay năm 1999, cụ Thương không quản lý, sử dụng đối với phần đất này. Khi cấp giấy CNQ SDĐ cho bà Thương, cơ quan xét duyệt không thẩm tra tình trạng đất đã có nhà của cha mẹ ông Thanh đang ở. Không có biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới đất sử dụng;

Lẽ ra UBND xã Tân Hiệp phải xác định trường hợp này là chưa đủ điều kiện đăng ký và cấp GCN QSDĐ do vi phạm Thông tư số 346/1998-TT-TCĐC. Vi phạm Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT trong việc cấp lại giấy CNQSDĐ cho ông Trực;

Như vậy, UBND huyện Tân Uyên cấp GCN QSDĐ cho ông Trực là không đúng pháp luật. Thực tế phần diện tích đất tranh chấp trên là do gia đình ông Thanh quản lý, sử dụng công khai, liên tục, ổn định, lâu dài.

Ngày 30/8/2018, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM xét xử Giám đốc thẩm lần 2 và cho rằng lời khai các nhân chứng khác là ông Nguyễn Văn Dằng, ông Nguyễn Văn Na, ông Nguyễn Văn Thành, ông Phạm Văn Sự, ông Lê Văn Quang xác định diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc là của bà Thương, cha mẹ ông Thanh là người ở nhờ trên đất.

Đối với thủ tục cấp GCN QSDĐ của bà Thương, UBND huyện Tân Uyên đã cấp đúng trình tự, thủ tục. Do đó, kháng nghị của VKSND cấp cao tại TPHCM là không có căn cứ. Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cap tại TPHCM đã tuyên giữ nguyên nội dung bản án phúc thẩm lần 2 của tỉnh Bình Dương.

Như vậy, dù gia đình ông Nguyễn Chí Thanh đã sinh sống, quản lý, sử dụng trên mảnh đất 231,8m2đã trên 60 năm nhưng vẫn phải giao lại cho ông Nguyễn Văn Trực, chỉ nhận lại phần giá trị nhà và công giữ gìn cải tạo đất tổng cộng 386 triệu đồng.

Huỳnh Minh Đức

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/thi-xa-tan-uyen-binh-duong-nhan-386-trieu-dong-sau-hon-60-nam-quan-ly-su-dung-dat-on-dinh-46161.html