Thị xã Bỉm Sơn nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Những năm qua, Trường THCS Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) luôn chủ động đổi mới phương pháp, nội dung dạy và học, do vậy, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên, nhiều năm liên tục nhà trường đứng trong top đầu của thị xã ở bậc THCS. Với sự nỗ lực của thầy và trò trong công tác giảng dạy và học tập, Trường THCS Ba Đình trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục toàn diện của thị xã Bỉm Sơn.

Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn).

Theo cô giáo Lê Thị Liên, hiệu trưởng nhà trường, để giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia, nhà trường đã thực hiện tốt phương châm “Đánh giá thực chất chất lượng dạy và học”. Theo đó, nhà trường đã thường xuyên phát động cán bộ, giáo viên hăng hái trong thực hiện các phong trào thi đua, tích cực nghiên cứu, có sáng kiến kinh nghiệm để áp dụng vào quá trình giảng dạy; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả sinh hoạt tổ chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh (HS) theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS. Ngoài ra, trong học kỳ 1 các năm học nhà trường tổ chức thao giảng, hội thi giáo viên giỏi nhằm thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; đồng thời chỉ đạo việc ra đề thi, đề kiểm tra cuối học kỳ bảo đảm sự phù hợp với đối tượng HS và tăng dần tỷ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức yêu cầu vận dụng cao... Do thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chất lượng dạy và học của nhà trường có nhiều bứt phá. Kết thúc năm học 2018-2019, có trên 64,3% HS xếp loại học lực khá, giỏi; 92% HS đỗ vào các trường THPT công lập, chỉ đứng sau Trường THCS Lê Quý Đôn (trong đó, toàn trường có 91/154 em đỗ vào Trường THPT Bỉm Sơn).

Đây chỉ là một trong số nhiều trường học trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn đã và đang có nhiều đổi mới, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Để nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua thị xã Bỉm Sơn đã tập trung chỉ đạo tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp “trồng người”. Trong đó, các giải pháp được UBND thị xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đó là ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng học, phòng chức năng theo hướng đạt chuẩn cho các trường học, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập của HS; đồng thời kêu gọi nhà đầu tư thành lập thêm các trường mầm non và tiểu học tư thục. Trong đó, năm học 2018-2019, có 2 trường mầm non tư thục đã đầu tư xây dựng mới thêm 8 phòng học, với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29/2017/NQ-HĐND của HĐND thị xã về việc hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học và đến nay đã đầu tư, huy động được 18,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách thị xã và các phường, xã là 9,8 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa và tài trợ khác. Với việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đến nay đã có 91,4% phòng học đạt kiên cố; 77,7% trường đạt chuẩn quốc gia.

Cùng với quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp tục được ngành GD&ĐT quan tâm. Theo đó, đã có 100% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng chính trị, chuyên môn; đã mở hàng chục chuyên đề bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, quản lý và giáo viên 3 cấp. Do vậy, đến nay, 100% cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó trên 74,2% đạt trên chuẩn. Cùng với đó, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại đội ngũ cán bộ quản lý trong từng năm gắn với chất lượng giáo dục của từng nhà trường và việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy chế dân chủ, kỷ cương, nền nếp; tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy; không ngừng đổi mới sinh hoạt tổ, khối chuyên môn theo hướng thiết thực, hiệu quả; thường xuyên tổ chức hội thảo, hội thi, giao lưu đúc rút kinh nghiệm trong giảng dạy; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục tại các nhà trường...

Có thể khẳng định, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, cùng với đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua do ngành GD&ĐT phát động nên chất lượng giáo dục đại trà không ngừng được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì. Kết thúc năm học 2018 – 2019; 100% các xã, phường đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Về chất lượng giáo dục bậc tiểu học, THCS và THPT, 100% HS tiểu học hoàn thành chương trình; 72,2% HS THCS đạt học lực khá và giỏi; 83% HS THPT đạt học lực khá và giỏi; tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt 98,3% (tỷ lệ đỗ đại học đạt 88,4%, trong đó có 1 em đạt 28 điểm khối A1). Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, thi HS giỏi các môn văn hóa lớp 9, đạt 138 giải, xếp thứ 18 toàn tỉnh; thi HS giỏi các môn văn hóa khối THPT, đạt 34 giải, xếp thứ 11 toàn tỉnh.

Bài và ảnh: Duy Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/thi-xa-bim-son-nhieu-giai-phap-nang-cao-chat-luong-giao-duc/107105.htm