Thi vào lớp 10 TPHCM: Giáo viên chỉ cách ôn bài đạt điểm cao vào ngày cuối

Giáo viên bộ môn tiếng Anh, Toán và Ngữ văn chỉ cách thí sinh ôn bài đạt điểm cao trong ngày cuối trước khi kỳ thi bắt đầu.

Chỉ còn một ngày nữa, 96.325 em học sinh lớp 9 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, năm học 2023 – 2024.

Trước ngày thi, giáo viên môn tiếng Anh đã có những lưu ý đối với học sinh lớp 9 cách làm bài để đạt được điểm cao.

Theo thầy Trần Hữu Thắng – Giáo viên tiếng Anh của Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Quận 3), năm nay là năm thứ 2, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn tiếng Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng thời gian từ 60 lên 90 phút, cấu trúc đề tăng từ 36 lên 40 câu,

Thời gian làm bài tăng, nên dự báo là độ dài và độ khó của phần đọc hiểu sẽ tăng. Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo có định hướng đề thi môn tiếng Anh sẽ chú trọng phần từ vựng, còn ngữ pháp sẽ chiếm 1/3.

Ma trận đề tuyển sinh sẽ gồm các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Trong đó, mức độ vận dụng tập trung vào phần loại từ và viết lại câu.

Thầy Trần Hữu Thắng chia sẻ, trong phần Đọc hiểu của đề thi, học sinh có thể gặp một số “bẫy”. Học sinh nên đọc lướt qua một lần, để nắm được nội dung cơ bản của đoạn văn, để có thể hiểu đúng về câu hỏi.

Ở bài đọc hiểu điền từ, cần lưu ý đôi khi câu hỏi ở dạng phủ định của từ, đặc biệt là đối với tính từ và trạng từ.

Thầy Trần Hữu Thắng - giáo viên tiếng Anh Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3 (ảnh: P.L)

Thầy Trần Hữu Thắng - giáo viên tiếng Anh Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3 (ảnh: P.L)

Đối với bài đọc hiểu chọn Đúng/Sai (True/False), học sinh phải nắm vững được những từ chỉ số lượng. Chẳng hạn ở đoạn văn cho từ Almost (hầu như), ở câu hỏi có các từ A lot of, Most (đa số) thì đồng nghĩa (chọn True).

Nhưng nếu ở đoạn văn là Always (luôn luôn) mà câu hỏi là Never (không bao giờ) thì là trái nghĩa (chọn False).

Đặc biệt, cần chú ý những từ như only, just (chỉ) trong câu hỏi, bởi có khi trong đoạn văn cho 2 hoặc 3 yếu tố tác động, nếu bỏ luôn các trạng từ này trong câu hỏi sẽ dẫn đến chọn sai.

Hoặc có một số từ đồng nghĩa nhau, như ở đoạn văn ghi nửa triệu đồng, ở câu hỏi ghi là 500.000 đồng, ở trên cho 2/3 dân số, ở dưới dùng từ most of (hầu hết) thì vẫn là True.

Với phần khó của đề là viết lại câu, học sinh phải nắm được cấu trúc câu, ngữ pháp, chú trọng nội dung ngữ pháp chính trong sách giáo khoa lớp 9 như: Mệnh đề Wish, câu bị động, câu gián tiếp, cầu điều kiện loại 1 và 2, mệnh đề quan hệ…

Các em phải biết cách chuyển đổi từ thì quá khứ sang thì hiện tại hoàn thành hay ngược lại.

Ở phần trắc nghiệm, học sinh hay có thói quen đọc đến chỗ trống thì dừng lại để tìm đáp án.

Tuy nhiên, đối với một số câu, đặc biệt là với từ nối (However, Although, Because, So…), bắt buộc các em phải đọc cả câu. Với loại trắc nghiệm mà cả 4 đáp án đều là từ nối, thì nên dịch câu đó sang tiếng Việt để chọn chính xác nhất.

Thầy Trần Hữu Thắng khẳng định, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn tiếng Anh sẽ có 40 câu, mỗi câu 0,25 điểm, nên chỉ sai một lỗi rất nhỏ cũng sẽ bị mất điểm cả câu.

Học sinh phải để ý đến lỗi chính tả, dấu câu, với những câu có yêu cầu dấu phẩy ở giữa nếu thiếu thì các em cũng bị trừ điểm.

Ngay cả trong đáp án, nếu không ghi rõ chữ b hay d, hoặc đối với câu Đúng/Sai mà không viết rõ True/False mà chỉ viết tắt T/F thì cũng không có điểm câu đó.

Học sinh có điểm 10 môn tiếng Anh không chỉ là những em học giỏi môn này, mà còn phải cẩn thận.

Sau khi làm xong, các em thường kiểm tra lại bằng cách viết hẳn đáp án ra nháp để phát hiện sai sót.

Thầy Đỗ Quang Vinh – Giáo viên Toán Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, dạng Toán thực tế rất phổ biến trong đề Toán tuyển sinh lớp 10 ở thành phố trong những năm gần đây.

Thông thường, đề sẽ gồm 5 câu Toán thực tế là các câu từ câu 3 đến câu 7, trong đó câu 3 có thể ra dạng bài liên quan đến Toán suy luận, tính ngày giờ, tính khoảng thời gian…

Hoặc cũng có thể ra Toán đọc hiểu bằng cách cho công thức đánh giá thể trạng BMI, yêu cầu học sinh tìm chỉ số BMI và tính chỉ số BMI ở mức bình thường của một người.

Theo thầy Đỗ Quang Vinh, đây là dạng bài có áp dụng công thức, mỗi câu thường có 2 ý, ý a ở mức độ nhận biết thông thường, ý b sẽ nâng cao hơn, đòi hỏi học sinh phải có tư duy suy luận và vận dụng.

Câu 4 của đề có ra về lựa chọn mua hàng hóa với một số tiền sao cho có lợi, tính tiền cước điện thoại…Đây là dạng bài toán thực tế, giúp học sinh biết chi tiêu hợp lý.

Thông thường thì câu này có liên quan đến hàm số bậc nhất, có dạng cho sẵn công thức hoặc cho bằng lời, học sinh đọc hiểu và lấy dữ kiện thay thế vào hàm số để giải.

Câu 5 sẽ thiên về hàm số bậc nhất, học sinh đọc bài toán thực tế để lấy dữ kiện đưa vào công thức để giải phương trình hay hệ phương trình.

Câu 6 là Hình học không gian, cũng cho sẵn công thức, khi làm thì học sinh phải chú ý đến quy luật làm tròn. Điểm này, học sinh thường hay không đọc kỹ đề, dẫn đến làm tròn sai, mất điểm.

Thầy Đỗ Quang Vinh - giáo viên Toán Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3 (ảnh: P.L)

Câu 7 cũng là toán thực tế, liên quan đến phương trình và hệ phương trình. Học sinh cần chú ý phải có lập luận để đưa ra phương trình, hệ phương trình, tránh trường hợp đưa ra hệ phương trình luôn mà không có lập luận thì cũng sẽ bị trừ điểm.

Thầy Đỗ Quang Vinh cho rằng, nhiều học sinh ngại với dạng toán thực tế, nhưng đa phần thì các bài toán thực tế trong đề thì lại không quá khó, thậm chí có những câu thì các em học sinh lớp 8 cũng đã có thể làm được.

Với dạng toán này, học sinh chỉ cần đọc kỹ đề, khi đọc thì nên gạch dưới những số liệu, từ khóa để lấy đúng dữ kiện. Bên cạnh đó thì cũng chú ý đến việc làm tròn, đọc kỹ đề để biết đề yêu cầu làm tròn đến số thập phân thứ mấy. Nếu đề không có yêu cầu cụ thể, thì phải làm tròn theo quy ước, chẳng hạn với số thì làm tròn đến số thập phân thứ nhất, với góc thì làm tròn đến phút.

Dạng toán thực tế thì học sinh phải có kiến thức trong thực tế để làm tròn. Đề toán thực tế thường mô tả dài, học sinh hay có tâm lý sợ, nhưng nhiều khi bài dài mà không khó, chỉ cần quan trọng là đọc kỹ đề để lấy đúng dữ kiện mà làm bài.

Với môn Ngữ văn: Thạc sĩ Phan Hoàng Tấn (giáo viên Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố, Quận 10) chia sẻ, trước thời điểm “giờ G”, học sinh cần bình tĩnh, rà soát lại kiến thức một cách có hệ thống.

Về kiến thức văn học, các em cần thuộc và nắm được nghệ thuật các bài thơ trong chương trình, nhớ được các dẫn chứng trong truyện.

Ngoài ra, học sinh cần ghi chú thông tin cơ bản về tác giả, xuất xứ và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Về kiến thức tiếng Việt, học sinh cần nắm lại khái niệm của các đơn vị kiến thức ở lớp 9, đây là phần trọng tâm. Sau đó xem lại phần lý thuyết tiếng Việt ở lớp 6,7 và 8, nhất là các biện pháp tu từ.

Với câu đọc hiểu, học sinh cần nhớ nguyên tắc là đúng và đủ, có nghĩa là trả lời đúng yêu cầu của đề và đủ thông tin.

Câu nghị luận văn học có độ mở, dễ gây áp lực và hoang mang cho học sinh, nên các em cần lưu ý đọc kỹ cả 2 đề để đưa ra lựa chọn. Trước khi làm bài, học sinh nên ghi nháp dàn bài, các từ khóa về tác giả, tác phẩm, nội dung chính.

Các em chỉ nên ghi nháp dưới hình thức sơ đồ đơn giản, hoặc từ khóa ngắn gọn, tránh mất thời gian viết nháp dài dòng, rồi không kịp làm bài thi.

Câu nghị luận văn học, học sinh không nên lạm dụng kiến thức lý luận. Các em cần thể hiện cảm xúc chân thật, bày tỏ được suy nghĩ cá nhân trong quá trình trải nghiệm cùng văn chương.

Một số lỗi dễ bị mất điểm ở câu nghị luận xã hội như: Mở bài không nêu được luận đề, đoạn giải thích không đầy đủ hoặc lan man, đoạn bàn luận thiếu dẫn chứng hoặc dẫn chứng không cụ thể, đoạn liên hệ bản thân viết chung chung.

Ở câu nghị luận văn học, nhiều em sa đà vào việc phân tích tác phẩm, mà quên hoặc không làm kịp các yêu cầu phụ, để có thể giúp cải thiện điểm.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-vao-lop-10-tphcm-giao-vien-chi-cach-on-bai-dat-diem-cao-vao-ngay-cuoi-post235671.gd