Thi vào lớp 10 THPT: Tăng tốc để về đích

Thời điểm này, các học sinh (HS) lớp 9 đang căng mình ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT. So với năm học trước, kỳ thi năm nay còn áp lực hơn khi HS phải nghỉ học ở trường suốt 3 tháng vì dịch Covid-19 nên nhiều em bị rơi rụng khá nhiều kiến thức.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lên kế hoạch học tập hiệu quả

Những ngày này, dù thời tiết nắng nóng nhưng HS lớp 9 ở Hà Nội vẫn miệt mài với kiến thức ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là những môn sẽ xuất hiện trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay.

Dù chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến kỳ thi nhưng như nhận định của cô giáo Nguyễn Thị Hiền (giáo viên trường THPT Trần Phú, Hà Nội), đây chính là thời gian quan trọng ảnh hưởng đến kết quả đỗ trượt của kỳ thi sắp tới.

Bởi mặc dù kiến thức là cả một quá trình tích lũy trong 9 năm học trước đó song những kỹ năng, bí quyết, thậm chí mẹo để chuẩn bị cho kỳ thi thì thường đến những ngày cuối cùng này, các thầy cô mới nhấn mạnh và rượt đi rượt lại để HS nhuần nhuyễn, thành thục.

Hơn nữa, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên trong các nội dung học đã được tinh giản một phần kiến thức so với các năm học trước. Nếu đề thi theo hướng bám sát chương trình tinh giản này thì rất có thể sẽ không có nhiều câu hỏi khó nên dự kiến điểm chuẩn vào các trường có thể tăng cao hơn.

Điểm chuẩn năm nay vào các trường khó dự đoán do chỉ thi 3 môn thay vì 4 môn như năm học trước nên Nguyễn Minh Anh (HS lớp 9 trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cho rằng ngay từ khi đăng ký nguyện vọng, em đã rất căng thẳng vì những trường gần nhà thì em và gia đình không thấy phù hợp còn một số trường ở xa hơn, thuộc “đích ngắm” của em thì điểm các chuẩn 5 năm gần đây có sự chênh lệch khá nhiều.

“Trong 3 môn, em chỉ tự tin ở môn Ngữ văn và Toán còn Tiếng Anh thì vẫn hơi đuối hơn nên trong những ngày này em tập trung vào học Tiếng Anh nhiều hơn. Lý do là vì trước nay em quan tâm nhiều đến học nghe nói thì trong phần thi lại không có nên kế hoạch của em tự vạch ra là mỗi ngày làm 5 đề thi thử do cô giáo cung cấp, đề em tải trên mạng hoặc một số trang học online”- Nguyễn Minh Anh cho biết.

Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên môn Ngữ Văn tại Hệ thống giáo dục Hocmai chia sẻ, thời điểm này các em đã hoàn thành các kiến thức học tập theo chương trình chuẩn của Bộ GDĐT quy định và năm học chuẩn bị kết thúc. Mỗi HS có thể tự xây dựng hoặc tham khảo ý kiến của thầy cô giáo của mình để tự ôn luyện bằng tăng cường ôn luyện qua các đề thi thử, hệ thống hóa kiến thức đã học để biến môn học này thành dễ dàng hơn.

Cô Trang cho rằng nên chia thành 2 chuyên để chính. Chuyên đề 1 là luyện kỹ năng viết, HS sẽ tạo đoạn văn với 3 dạng cơ bản là diễn dịch, quy nạp và tổng phân hợp; chuyên đề 2 là luyện đề, với các kỹ năng phân tích đề, tìm ý, từ kỹ năng tìm ý đó các em có thể áp dụng để viết đoạn văn.

Cân nhắc nguyện vọng

Trong cuộc đua vào lớp 10 trường công lập, nhiều gia đình vẫn dành cho mình một “con đường lùi” là nộp hồ sơ vào trường tư thục cho con để nhằm giảm áp lực cho HS trước kỳ thi. Nhiều phụ huynh dự kiến cứ nộp hồ sơ vào trường tư thục và nếu sau này con đỗ vào trường công lập thì sẽ xin rút hồ sơ để nộp lại và chấp nhận mất số tiền là phí nhập học theo quy định của từng trường.

Đây cũng là thực tế tuyển sinh nhiều năm nay ở Hà Nội khi Sở GDĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường công lập, nhiều phụ huynh đã nháo nhác đến các trường ngoài công lập để rút hồ sơ đã nhập học cho con từ trước đó.

Nguyên nhân bởi trước khi Sở GDĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn, nhiều trường ngoài công lập đã “chốt” lịch nộp hồ sơ. Để “ăn chắc” cho con có suất học, nhiều phụ huynh đành nhập học trước cho con. Và hầu hết các trường đều đưa ra quy định, trong trường hợp bắt buộc phải rút hồ sơ, phần kinh phí nhập học sẽ không được trả lại.

Tuy nhiên, còn một khó khăn khác đó là việc rút hồ sơ không thuận tiện nếu rơi vào ngày nghỉ của bộ phận tuyển sinh các trường tư thục, đến khi các trường làm việc lại thì đã hết thời gian nhập học. Dù những năm gần đây, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản gửi Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thành phố yêu cầu tạo điều kiện cho thí sinh rút hồ sơ theo đúng nguyện vọng của HS.

Thầy Đào Tuấn Đạt, Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) chia sẻ mỗi mùa tuyển sinh, bộ phận tuyển sinh của trường làm việc rất vất vả. Việc thay đổi sĩ số HS liên tục là việc không tránh khỏi nhưng nhà trường tôn trọng quyết định của các em nên sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các em.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc giữ chân “thí sinh” thực tâm trường tư thục nào cũng muốn làm nhưng nhìn chung, việc học ở đâu cần tôn trọng nguyện vọng của phụ huynh và gia đình. Chỉ khi HS muốn gắn bó với môi trường học tập đó thì mới tạo ra được kết quả tốt nhất còn nếu học trong sự “ấm ức” thì rất khó để phát huy năng lực của bản thân.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-vao-lop-10-thpt-tang-toc-de-ve-dich-490893.html