Thi vào lớp 10 căng thẳng hơn thi đại học

Từ nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn được phụ huynh đánh giá căng thẳng, cam go hơn thi... đại học. Trong phòng thi thí sinh căng thẳng với đề thi, ngoài trường thi phụ huynh lo lắng, bồn chồn không kém.

 Thí sinh đã kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập trong tâm trạng vui vẻ. Ảnh: ĐH.

Thí sinh đã kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập trong tâm trạng vui vẻ. Ảnh: ĐH.

Quay cuồng với kỳ thi

Trong những ngày diễn ra kỳ thi, tại các điểm thi, chủ đề điểm chuẩn, tỉ lệ chọi, việc đăng kí nguyện vọng của các con luôn được phụ huynh bàn tán sôi nổi ở bên ngoài cánh cổng trường. Một phụ huynh có con thi tại Điểm thi trường THCS Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Những ngày cháu thi, tôi đứng bên ngoài cổng trường mà cẳng thẳng không kém gì trong phòng thi, lúc nào cũng lo lắng không biết con có làm được bài hay không, có đủ điểm để vào trường THPT Xuân Đỉnh hay không... Ở bên ngoài phòng thi mà chúng tôi đặt ra vô vàn câu hỏi về tương lai của các con. Mỗi khi con bước ra phòng thi nở nở nụ cười rạng rỡ thì chúng tôi yên tâm phần nào”.

Cả một buổi thi môn Toán, chị Nguyễn Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chen nhau bám vào cánh cổng trường và lo lắng hướng về phòng thi. “Gia đình tôi đã chuẩn bị 9 năm cho kỳ thi ngày hôm nay, nếu cháu không giành được tấm vé vào trường THPT Yên Hòa thì không biết sẽ như thế nào”, chị Hương cho biết. Theo chị Hương, để chuẩn bị cho kỳ thi suốt 1 năm qua con chị phải học thêm ở các trung tâm luyện thi, mời gia sư về nhà dạy thêm… “Cạnh tranh vào các trường THPT công lập quá áp lực đối với cháu và gia đình. Suốt một năm qua, việc học chiếm gần hết thời gian nên cháu gần như không có ngày nào được nghỉ, còn chúng tôi cũng bị quay cuồng bởi lịch học của các con”, chị Hương tâm sự.

Tại Hà Nội, sau khi kết thúc môn Toán, nhiều thí sinh đã khóc vì không làm được bài. Như vậy, cánh cửa để vào trường công đối với nhiều học sinh cũng hẹp lại, do đó vào buổi thi môn cuối cùng nhiều học sinh đã phải nỗ lực để làm tốt bài thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử. Một phụ huynh có con học trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Đối với đề Toán con tôi chỉ làm được khoảng 7 điểm, để có đủ điểm đỗ vào trường THPT Xuân Đỉnh thì môn Ngoại ngữ và Lịch sử cháu phải đạt được 8-9 điểm. Do vậy, sau khi kết thúc môn Toán, về nhà cháu đã tranh thủ mọi thời gian để ôn tập lại kiến thức các môn thi còn lại. Nhìn cháu vất vả như vậy tôi cũng không yên tâm nhưng không cố gắng thì cũng khó đỗ vào trường công lập”.

Vị phụ huynh này cũng nhận xét kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 căng thẳng hơn cả thi đại học. "Những năm gần đây, các trường đại học còn xét tuyển bằng học bạ, điểm xét tuyển cũng không cao, tỉ lệ chọi thấp. Hơn nữa, khi đã học xong cấp 3 các cháu có nhiều lựa chọn nghề nghiệp trong tương lại. Còn hiện tại, các con không vào lớp 10 các trường công lập cũng không biết học đâu. Cho con học trường dân lập chúng tôi lo lắng môi trường giáo dục, học phí, còn đi học nghề thì hiện các con còn quá nhỏ", phụ huynh này chia sẻ.

Ghi nhận trong 2 ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM, phụ huynh đã luôn đồng hành với con. Sau khi các con vào trường, nhiều phụ huynh không về mà nán lại theo dõi tình hình, sự lo lắng, căng thẳng hiện rõ trên gương mặt. Tại điểm thi trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp, chị Nguyễn Thu Lan cho biết, 2 ngày con gái đi thi là 2 ngày vợ chồng chị vô cùng lo lắng bởi kỳ thi năm nay khó hơn cả thi đại học. Với anh Nguyễn Thanh Hoàng, phụ huynh học sinh trường THCS Cửu Long, quận Bình Thạnh cho biết: “Mặc dù khá lo lắng cho việc thi cử của con, nhưng tôi không đặt áp lực nặng cho con. Tôi chỉ động viên con làm tất cả những gì trong khả năng của con làm được, không chủ quan một vấn đề nào”.

Kỳ thi vẫn còn sạn

Đánh giá ban đầu, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội và TP HCM diễn ra an toàn, nghiêm túc. Để chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra thuận lợi, đảm bảo công bằng cho thí sinh, hai địa phương này đã lên phương án chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, con người.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã huy động gần 340 cán bộ thanh tra làm nhiệm vụ tại các điểm thi. Toàn thành phố có 169 điểm thi với hơn 3.600 phòng thi. Cũng theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, có gần 11.000 cán bộ, giáo viên và nhân viên đã được huy động để tham gia tổ chức kỳ thi ở các khâu, trong đó riêng đội ngũ giáo viên làm công tác coi thi là hơn 7.600 người. Trong số hơn 7.600 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, có 50% số giáo viên được huy động từ các trường THPT, 50% là giáo viên các trường THCS.

Trả lời báo chí về việc kiểm tra công tác tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 – 2020 vào ngày đầu tiên diễn ra kỳ thi, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản cho biết: “Chúng tôi thấy các trưởng điểm thi và cán bộ coi thi, thành viên điểm thi đã được quán triệt, học tập quy chế thi đầy đủ. Công tác tổ chức đang triển khai đến thời điểm này theo đúng quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội”. Năm nay Hà Nội áp dụng toàn bộ quy chế thi THPT quốc gia vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Do đó, các khâu bảo mật đề thi, bài thi được thực chặt chẽ. Tại các phòng bảo mật đề thi và chấm thi trắc nghiệm, tự luận được lắp camera giám sát nhằm tăng cường an ninh cho kỳ thi. “Việc lắp đặt này không ảnh hưởng đến công việc điều hành của lãnh đạo điểm thi cũng như cán bộ coi thi và giám sát và cũng không ảnh hưởng đến tâm lý và các hoạt động khác của thí sinh”, ông Toản cho biết.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020 tại TP HCM đã diễn ra tại đồng loạt 135 điểm thi, trải rộng khắp 24 quận, huyện. Để phục vụ cho 80.327 thí sinh tham dự kỳ thi này, thành phố đã phải huy động 675 ban lãnh đạo điểm thi và trên 10.250 giám thị là các giáo viên của cả trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Theo quy đinh phòng thi bố trí 24 chỗ ngồi, được chú ý khoảng cách bàn ghế, đảm bảo vệ sinh, ánh sáng, có biện pháp phòng chống, phát hiện gian lận.Tuy nhiên, ghi nhận tại điểm thi Trường THCS Điện Biên, quận Bình Thạnh do số lượng thí sinh dự thi lẻ nên xảy ra việc phòng thi 26, phòng thi cuối cùng của điểm thi này chỉ có 3 em thi. Mặc dù vậy, ông Hàn Thanh Tùng, Điểm trưởng điểm thi cho biết, điểm thi vẫn phải bố trí đầy đủ 2 cán bộ coi thi bên trong phòng thi, cán bộ giám sát bên ngoài đúng theo quy chế quy định.

Tuy nhiên, tại TP. HCM với đề thi môn tiếng Anh có sai sót về lỗi chính tả trong câu hỏi 33. Trả lời về vấn đề này, tại cuộc họp báo thông tin nhanh về kỳ thi, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, sau khi nhận thông tin từ các Điểm thi, Ban chỉ đạo hội đồng thi đã chỉ đạo cho thí sinh làm bài bình thường, ban chấm thi tuyển sinh sẽ xem xét và giải quyết sau. Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo xử lý theo hướng có lợi nhất cho thí sinh.

Còn tại Hà Nội, vẫn còn những thi sinh vi phạm quy chế thi với các lỗi như: Mang điện thoại di động vào phòng thi, trao đổi bài, sử dụng tài liệu… Đặc biệt, ngay sau khi kết thúc môn Toán thì đã có sự tranh luận về đề thi môn này. Nhiều giáo sư, giáo viên đã phải đau đầu mới có thể giải được câu cuối cùng trong đề thi môn Toán, do đó đã có nhiều ý kiến cho rằng đề thi vào lớp 10 không nhất thiết phải khó như đề thi học sinh giỏi.

Đỗ Hòa - Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/thi-vao-lop-10-cang-thang-hon-thi-dai-hoc-105979.html